Thị trường

DN xăng dầu tự quyết giá bán: Lo doanh nghiệp đầu mối tự tạo luật chơi

(VNF) - Bình luận về đề xuất xăng dầu tự quyết định giá bán, một số doanh nghiệp bán lẻ tỏ ra lo ngại, nếu áp dụng quy định này, các doanh nghiệp đầu mối sẽ tạo sân chơi riêng, tạo sự độc quyền trong kinh doanh và gây lũng đoạn thị trường.

Lại lo đứt gãy nguồn cung

Dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương xây dựng, với điểm đáng chú ý nhất là công thức và cơ chế giá xăng dầu được giao quyền nhiều hơn về cho doanh nghiệp.

Theo đó, Nhà nước sẽ công bố giá thế giới bình quân 15 ngày, làm căn cứ điều hành giá xăng dầu 15 ngày/lần. Thương nhân đầu mối sẽ căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại và được quyền cộng thêm các khoản chi phí định mức đã được quy định để công bố giá bán xăng dầu trên thị trường.

Nhưng giá bán xăng dầu do thương nhân đầu mối công bố sẽ không được vượt qua giá tối đa. Công thức của giá xăng dầu tối đa (giá bán cao nhất do thương nhân đầu mối công bố) sẽ bao gồm giá xăng dầu thế giới bình quân 15 ngày, tỉ giá ngoại tệ, tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, các loại thuế.

DN xăng dầu tự quyết giá bán: Lo doanh nghiệp đầu mối tự tạo luật chơi

Bình luận về quy định này, trao đổi cùng VietnamFinance, bà Trần Thụy Thùy Trâm, Giám đốc Công ty TNHH TM Đoan Việt, cho rằng nên quy định mức chiết khấu tối thiểu dành cho các khâu: Đầu mối - phân phối - bán lẻ thay vì để cho đầu mối tự quyết định giá. Cùng đó, cần có những quy định rõ về các cơ chế cấu thành giá, đảm bảo các khâu phải được tính đúng và đủ, không bán vượt mức giá trần, và không bán thấp hơn giá sàn.

Theo quan điểm của bà Trâm, nếu Bộ Công Thương không quy định rõ cơ chế tính giá, phân đủ chi phí về các khâu thì doanh nghiệp đầu mối lớn sẽ tạo ra "luật chơi", dễ dẫn đến việc gián đoạn nguồn cung nếu tình hình có biến động lớn. Việc cho doanh nghiệp lấy từ nhiều nguồn cũng cần có quy định cụ thể, nếu không sẽ dễ dẫn tới việc độc quyền trong kinh doanh, gây lũng đoạn thị trường.

Trong khi đó, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty Bội Ngọc, cho biết thời gian qua, doanh nghiệp đầu mối mua xăng dầu theo giá thị trường thế giới nhưng bán theo giá quy định. Do đó đã xảy ra những hệ lụy khiến doanh nghiệp lỗ, tác động lớn đến nhiều khâu trong chuỗi cung ứng xăng dầu. Bên cạnh đó, do giá không theo thị trường nên xảy ra hiện tượng đứt gãy nguồn cung, doanh nghiệp chờ giá tốt mới nhập hàng.

Ông Tây cho rằng nếu đưa mặt hàng xăng dầu sang cơ chế thị trường, giá cả do thị trường quyết định và doanh nghiệp đầu mối tự quyết giá thì đây sẽ là bước ngoặt giúp ổn định thị trường kinh doanh xăng dầu khi giá bán lẻ bù đắp được đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu.

Cần đề án khoa học về đổi mới thị trường xăng dầu

Để ổn định thì trường xăng dầu, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng cần có một đề án khoa học nghiên cứu về đổi mới thị trường xăng dầu, cần tiến tới một cơ chế thị trường xăng dầu đúng nghĩa.

“Mặt hàng xăng dầu có quá nhiều khâu trung gian nên sẽ ảnh hưởng đến giá bán. Vì vậy, muốn bình ổn cần phải giảm các đầu mối về nhập khẩu, thương nhân bán buôn, phân phối. Ở các nước chỉ có 5 đầu mối bán buôn, trong khi ở Việt Nam có đến 38 doanh nghiệp nhập khẩu, sau đó lại qua hơn 300 thương nhân phân phối, rồi đại lý tổng”, ông Phú nhận định.

Cần có một đề án khoa học nghiên cứu về đổi mới thị trường xăng dầu

Ông Phú khẳng định cần để doanh nghiệp nhập khẩu, bán lẻ cạnh tranh và tự quyết định giá theo nguyên tắc "lời ăn lỗ chịu", chiết khấu tự thỏa thuận. Nhà nước chỉ quản lý khâu chất lượng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và cũng chỉ có khung giá cần thiết khi có biến động đột biến. Gỡ nút thắt thị trường xăng dầu cũng chính là xây dựng chuỗi cung ứng xăng dầu dựa trên sự cạnh tranh bình đẳng. Doanh nghiệp tự chủ kinh doanh, tự quyết lãi lỗ và bỏ độc quyền trong cơ chế xin cho.

Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân - người phát ngôn của Bộ Công Thương cho hay, theo quy trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thì nghị định kinh doanh xăng dầu mới để thay thế 3 nghị định quản lý xăng dầu hiện nay cần có thời gian để đăng công khai, lấy ý kiến rộng rãi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong vòng 60 ngày, Bộ Công Thương trong quá trình soạn thảo đã phối hợp với Ban soạn thảo thống nhất là sẽ công bố lấy ý kiến hoàn thiện bắt đầu từ ngày 27/3.

Dự thảo mới có rất nhiều nội dung đổi mới, mang tính chất đảm bảo mục tiêu cuối cùng là cân đối cung cầu, đảm bảo an ninh năng lượng. Ngoài ra, trong quá trình điều hành cũng cần phải vừa tiếp cận được thị trường vừa phải có sự điều tiết của nhà nước.

"Liên quan đến điều hành giá, thì hiện nay việc điều hành giá trên tinh thần liên bộ, đưa ra mức giá trần để tham khảo và từ đó các doanh nghiệp đưa ra mức giá tính toán của mình sao cho phù hợp với tình hình kinh doanh thực tế của họ, nhưng không vượt mức giá trần", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay.

Tin mới lên