Doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời: Lo ngại bị cắt giảm phát điện

Thanh Hương - 12/01/2021 09:18 (GMT+7)

Việc bị cắt giảm phát điện do nhu cầu tiêu thụ xuống thấp đang khiến các doanh nghiệp đầu tư vào điện mặt trời lo lắng và bức xúc.

VNF
Các nhà đầu tư điện mặt trời bức xúc vì bị yêu cầu cắt giảm phát điện. Trong ảnh: nhà máy điện mặt trời của Trung Nam

Lên tiếng đòi quyền lợi

Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam đã gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương kiến nghị ưu tiên điều độ khai thác toàn bộ công suất, điện năng phát của dự án nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW, kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia.

Phía doanh nghiệp cho biết, từ ngày vận hành thương mại chính thức tới nay, dự án điện mặt trời 450 MW thường xuyên bị cắt giảm công suất phát, nhiều thời điểm nhà máy bị giảm tới hơn 80% công suất thiết kế. Cụ thể, cắt giảm 361 MW trong tổng số 450 MW (tương đương 80,22%) tại thời điểm 12h40 ngày 27/12/2020.

Việc cắt giảm công suất này được Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam cho là nguyên nhân giảm doanh thu phát điện của nhà máy, khiến nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn về tài chính trong việc chi trả tiền gốc, lãi vay cho ngân hàng theo phương án tài chính đã được phê duyệt.

Doanh nghiệp cũng cho hay, từ khi vận hành đến nay, Nhà máy đang phát điện lên lưới thông qua cấp điện áp 500 kV mà không phát qua đường dây 220 kV và truyền tải phía đường dây 220 kV do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý.

Với trạm biến áp 500 kV có công suất 2x900 MVA và 15,5 km đường dây 500 kV do doanh nghiệp này đầu tư có khả năng truyền tải đến 6.000 MW thì việc tiếp nhận 450 MW từ nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam được nhà đầu tư cho là “không gây quá tải, không ảnh hưởng đến an toàn hệ thống điện”.

Kiến nghị “Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương quan tâm xem xét, có ý kiến chỉ đạo EVN, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) ưu tiên phát lên lưới hết phần công suất của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (phần công suất đang truyền tải hộ các nhà máy khác) trong trường hợp buộc phải cắt giảm công suất của hệ thống điện, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, cân đối phương án tài chính” đã được phía Trung Nam Group đưa ra.

Cũng ấm ức vì bị cắt giảm công suất và lên tiếng còn có Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý, chủ đầu tư nhà máy điện gió Bạc Liêu, quy mô 99,2 MW với 62 tuabin gió.

Theo Công ty Công Lý, ngày 27/12/2020, vào lúc 9h29, nhà máy điện gió Bạc Liêu nhận được lệnh của điều độ viên thuộc A0 yêu cầu giảm công suất về 2 MW khi đang phát dao động từ 6-11 MW và sau đó được khôi phục trạng thái phát tự do vào lúc 13h45 cùng ngày.

“Việc yêu cầu tiết giảm công suất theo lệnh của điều độ viên A0 gây thất thoát sản lượng điện của Nhà máy và không đúng theo quy định tại Hợp đồng mua bán điện (PPA) giữa EVN và Công ty, bởi trong PPA có quy định “bên mua có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện phát lên lưới của bên mua” và có điều khoản về “không ép buộc ngừng phát điện”.

Phía công ty cũng cho rằng, PPA giữa hai bên được ký trước khi Thông tư 30/2019/TT-BCT được ban hành và Nhà máy đã đi vào hoạt động được 8 năm, chưa ghi nhận sự cố gây gián đoạn đến lưới truyền tải cũng như gây quá tải lưới điện”, vì vậy, Công ty đề nghị Bộ Công thương và EVN cho nhà máy điện gió được hưởng ưu đãi phát điện tối đa công suất lên lưới.

Cắt đều cho công bằng

Trung Nam hay Công Lý chỉ là những ví dụ cụ thể trong việc phải lên tiếng để được huy động điện của các nhà đầu tư vào năng lượng tái tạo thời gian gần đây.

Trước đó, trường hợp của Điện gió Phú Lạc cũng bị giảm mạnh công suất huy động do trên đường dây truyền tải đang khai thác có thêm cả chục nhà máy điện mặt trời khác, khiến lưới truyền tải không kịp đầu tư với sự bùng nổ của điện mặt trời, gây nên khó khăn trong việc phát điện lên lưới.

Tuy nhiên, khác với thời điểm tháng 6-7/2019, việc không phát được điện là do đường truyền tải không có, ở thời điểm hiện nay, việc không phát được điện là bởi bên sử dụng điện không có nhu cầu.

Đơn cử, nhu cầu tiêu thụ điện của cả hệ thống được A0 ghi nhận trưa ngày 1/1/2021 chỉ còn khoảng 16.585 MW, là con số rất nhỏ so với tổng công suất đặt các nguồn điện hiện có của cả hệ thống hiện là khoảng 68.000 MW.

Do đặc điểm thời tiết từ tháng 9 trở về cuối năm có xu hướng lạnh dần, nên phụ tải hệ thống điện quốc gia chuyển sang mẫu điển hình của mùa lạnh. Như số liệu ở trên, nếu tổng công suất điện mặt trời trên cả nước là 16.500 MW thì đã tương đương 40% phụ tải toàn quốc vào lúc thấp điểm buổi trưa.

Theo dõi của A0 cho thấy, có thời điểm xảy ra hiện tượng thừa công suất vào giờ thấp điểm trưa khoảng từ 10h đến 14h (nhất là vào các ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ) do lúc này phụ tải xuống thấp, nhưng bức xạ mặt trời lại tốt nhất trong ngày.

Mặt khác, vào giờ cao điểm tối (khoảng từ 17h30-18h30) là thời điểm mà nhu cầu tiêu thụ điện cao nhất trong ngày, hệ thống điện cần một lượng công suất phát điện khá lớn, nhưng lúc này khả năng đáp ứng của hàng chục ngàn MW điện mặt trời hầu như không còn. Vì vậy, để đảm bảo cung cấp điện, hệ thống điện luôn cần phải duy trì sẵn sàng một số tổ máy phát điện truyền thống.

Bởi vậy, A0 đã phải khẳng định ngay từ ngày 1/1/2021 là “không thể huy động toàn bộ công suất khả dụng của nguồn điện, trong đó có cả các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời vào các giờ phụ tải thấp điểm vào buổi trưa, các ngày nghỉ cuối tuần hoặc các dịp lễ tết, ngay tới đây là dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2021”.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc thời gian tới, các nhà máy điện mặt trời sẽ bị cắt giảm công suất liên tục và gây những phiền muộn cho nhà đầu tư.

Trong khi nhu cầu điện đang khá thấp như hiện nay và nguồn điện các loại phải đối mặt với chuyện cắt giảm công suất, nhất là năng lượng tái tạo, thì vừa có thêm 7.110 MWp điện mặt trời mới được Bộ Công thương đề xuất Chính phủ xem xét, làm cơ sở triển khai đấu thầu/đấu giá hoặc thực hiện cơ chế DPPA (mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện và đơn vị phát điện năng lượng tái tạo).
Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác