Doanh nghiệp địa ốc quay lại thị trường trái phiếu sau một tháng vắng bóng

Ánh Dương - 04/06/2022 08:44 (GMT+7)

(VNF) - Trong tháng 4, mặc dù chứng kiến 23 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị gần 16.500 tỷ đồng, song phần lớn đều do các ngân hàng thương mại thực hiện, còn các doanh nghiệp bất động sản không góp mặt trong danh sách này.

VNF
Doanh nghiệp địa ốc quay lại thị trường trái phiếu sau một tháng vắng bóng.

Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, dựa trên số liệu công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), xét trong tháng 5 vừa qua, toàn thị trường ghi nhận 1 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng đến từ Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG và 28 đợt phát hành TPDN riêng lẻ trị giá hơn 15.680 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng khối lượng phát hành lớn nhất với 12.830 tỷ đồng, tương đương trên 80% tổng giá trị. Dẫn đầu là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với 2.600 tỷ đồng (16,2% tổng giá trị phát hành); Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với 2.000 tỷ đồng (12,5%), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với 1.850 tỷ đồng (11,5%)...

Đối tượng ưa thích gọi vốn từ kênh trái phiếu thứ hai là nhóm doanh nghiệp bất động sản đã bắt đầu phát hành trở lại sau 1 tháng đột ngột biến mất.

Trong đó, nổi bật là Công ty Cổ phần Hội An Invest phát hành 4 đợt với tổng giá trị 1.000 tỷ đồng; theo sau là Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh địa ốc Mỹ Phú với 700 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Bất động sản An Gia với 300 tỷ đồng...

Lũy kế 5 tháng đầu năm, khối lượng TPDN riêng lẻ đạt 95.670 tỷ đồng, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp khoảng 91,5% tổng giá trị phát hành toàn thị trường.

Ngược lại, khối lượng TPDN công chúng đạt gần 9.000 tỷ đồng, tăng hơn 11% cùng kỳ, chiếm gần 8,5% tổng giá trị phát hành.

Trước đó ghi nhận trong tháng 4, có 23 đợt phát hành TPDN riêng lẻ trị giá gần 16.500 tỷ đồng, phần lớn đến từ các ngân hàng thương mại với 14.950 tỷ đồng (chiếm gần 91% tổng giá trị phát hành). Các doanh nghiệp bất động sản không góp mặt trong danh sách này.

Khối lượng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản bị tác động dữ dội sau khi Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán thanh tra, giám sát việc phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu.

Chỉ đạo được Thủ tướng đưa ra ngày 7/4, hai ngày sau khi Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu.

Trước khi chững lại, thị trường trái phiếu được nhiều chuyên gia đánh giá là tăng quá nóng. Trong giai đoạn thị trường bất động sản đóng băng vì dịch bệnh, các doanh nghiệp ngành này vẫn phát hành ồ ạt và thường xuyên áp đảo về số đợt cũng như giá trị phát hành, thậm chí có tháng chiếm gần 60%.

Năm ngoái, bình quân lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản là 10,36% một năm và kỳ hạn phổ biến là 3-4 năm. 29% khối lượng trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc chỉ bảo đảm bằng cổ phiếu.

Theo VBMA, 62% nhà đầu tư sơ cấp của trái phiếu doanh nghiệp bất động sản là tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán, sau đó được phân phối lại trên thị trường thứ cấp cho nhà đầu tư cá nhân.

Cùng chuyên mục
Tin khác