Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Kể từ đầu năm 2021 đến nay, Việt Nam đã trải qua 3 làn sóng bùng phát dịch bệnh Covid-19 (kết thúc hồi cuối quý I) và đang tiếp tục chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ làn sóng thứ 4, bắt đầu từ giữa tháng 5 với quy mô và tính phức tạp tăng cao chưa từng có, đặc biệt nghiêm trọng ở các tỉnh/thành thuộc khu vực miền Nam.
Có thể nói, cuộc khủng hoảng Covid-19 lần này là cuộc khủng hoảng kép, khác hẳn với các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính đã xảy ra trước đây. Từ việc đe dọa đến sức khỏe cộng đồng, đại dịch đã dẫn đến các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội với thời gian dài, kéo theo một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, tác động đến cả phía cung và cầu của nền kinh tế.
Đã có không ít doanh nghiệp gục ngã trước cơn bão này. Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85.500 doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó TP. HCM có 24.000 doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường).
Trong bối cảnh "thở oxy" là vậy, không chỉ căng mình để đảm bảo sinh kế cho người lao động, còn có những doanh nghiệp đang chịu tác động "kép" khi dốc sức tập trung nguồn lực cho việc chống dịch, nhưng vẫn phải chạy đua với tiến độ dự án, đơn cử như ngành năng lượng tái tạo.
Chia sẻ với VietnamFinance, đại diện Trungnam Group - doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực điện gió - bộc bạch rằng do giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông, giá mặt bằng chung của các loại vật liệu xây dựng đã tăng cao đến rất cao kể từ đầu năm. Trong đó, đặc biệt là các mặt hàng rất khan hiếm về nguồn cung, bao gồm sắt, thép, xi măng...
Ngoài chi phí sản xuất, quản trị đội lên nhanh chóng, các chi phí khác cũng đè nặng lên đôi vai doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án như chi phí đảm bảo điều kiện phòng chống dịch, chi phí lãi vay...
Yếu tố con người cũng đang khiến các doanh nghiệp đau đầu. Đối với nhà thầu, chủ đầu tư thì công tác tổ chức nhân lực gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt với các dự án điện gió có đặc thù thi công trên vùng núi cao, hiểm trở khi vừa chật vật đáp ứng các quy định khắt khe về phòng chống dịch, vừa phải cân đối số lượng cán bộ nhân viên để đảm bảo các ca làm việc luân phiên trong 24 giờ.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cho biết, đại dịch diễn biến phức tạp cũng dẫn tới tiến độ cung cấp, vận chuyển máy móc, thiết bị tới công trường bị ảnh hưởng. Ví dụ các tuabin, cánh quạt - thiết bị siêu trường siêu trọng và được cung cấp bởi các nhà thầu ở nước ngoài...
Liên quan đến việc tạm ngưng, đóng băng hoạt động xuất nhập cảnh - các chuyên gia, kỹ thuật nước ngoài để vào Việt Nam và đến làm việc tại công đã phải trải qua một giai đoạn vô cùng gian nan.
Tại một số tỉnh/thành, các chuyên gia ngoại quốc dù đã cách ly y tế trong khoảng thời gian dài sau khi nhập cảnh, nhưng khi về đến địa phương sẽ tiếp tục thực hiện cách ly theo quy định thêm ít nhất 3 tuần nữa. Điều này ảnh hưởng lớn đến tâm lý của họ, cũng như tăng thêm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp.
Đối với trường hợp chuyên gia, kỹ thuật nước ngoài đã hết hạn visa làm việc tại Việt Nam, nếu họ ở lại thì doanh nghiệp phải ký hợp đồng lao động và thực hiện nhiều nghĩa vụ khác rất phức tạp. Tuy nhiên nếu để họ về nước thì đến khi sang lại là rất khó khăn.
Trong điều kiện cơ cực là vậy, đại diện Công ty Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (TEG) nói rằng các doanh nghiệp năng lượng tái tạo vẫn phải chạy hết tốc lực để đạt tiến độ dự án, phát điện trước thời điểm hết ưu đãi giá FIT. Cụ thể tháng 11 tới, cơ chế giá FIT (khuyến khích thông qua bù giá) đối với các dự án dự án điện gió sẽ hết hiệu lực.
Theo quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giá FIT có mức giá ưu đãi 9,8 cent/kWh, được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại... Cuộc chạy đua "deadline" này khiến TEG và các doanh nghiệp cùng ngành vô cùng căng thẳng.
Hiểu được sức ép mà doanh nghiệp đang gặp phải, nhiều địa phương, trong đó có Trà Vinh, Gia Lai, Sóc Trăng... đã đồng loạt kiến nghị đến Chính phủ, Bộ Công thương xem xét, gia hạn cơ chế giá FIT đối với các dự án điện gió trên địa bàn không kịp hoàn thành, vận hành thương mại trước tháng 11.
Từ những trở ngại mà đại dịch đem đến, viễn cảnh nhiều dự án điện gió buộc phải chậm tiến độ vận hành là có thể dự báo trước. Chính quyền tỉnh Trà Vinh kiến nghị Thủ tướng chấp thuận gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá FIT với các dự án điện gió trên địa bàn tới ít nhất là hết tháng 4/2022.
Tương tự, UBND tỉnh Sóc Trăng, UBND tỉnh Gia Lai... - các địa phương có số lượng dự án điện gió rất lớn cũng kiến nghị lùi mốc thời hạn đến hết ngày 31/3/2022, hoặc ít nhất là đến ngày 31/12/2021 tới. Đối tượng được hưởng gia hạn là các dự án điện gió đang triển khai thi công (đã có hợp đồng mua bán điện ký kết, hợp đồng mua sắm thiết bị, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật…).
Về phần mình, đó cũng là niềm mong mỏi của các doanh nghiệp điện gió. Đại diện một doanh nghiệp hàng đầu nói với VietnamFinance rằng: "Tôi thiết nghĩ, các doanh nghiệp đang đầu tư về điện gió 'cầu cứu' Chính phủ xin gia hạn từ 3 - 6 tháng là rất hợp lý và hợp tình".
"Họ đang dồn tâm và lực để cố gắng hoàn thành, nhưng nhìn cảnh 'ngăn sông cấm chợ' do Covid-19 thì đành bất lực. Nếu họ bất chấp các Chỉ thị 16 của Chính phủ hoặc của địa phương để hoàn thành cho kịp tiến độ thì họ lại là người chống lại lệnh, còn tuân thủ thì họ không còn cách nào khác ngoài chờ sự hỗ trợ từ Chính phủ", vị lãnh đạo này nói.
Một người đứng đầu doanh nghiệp khác cũng thẳng thắn chia sẻ: "Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp điện gió nói riêng đang rơi vào tình trạng hết sức lâm nguy. Tôi cho rằng việc kéo dài thời gian áp dụng giá FIT là vô cùng hợp lý và cần thiết như bình oxy vào lúc này. Được ví là trụ cột của nền kinh tế quốc gia, doanh nghiệp có khỏe thì đất nước mới giàu mạnh, cường thịnh được".
Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cho rằng họ rất cần được miễn giảm lãi suất. Với ngành xây dựng, Chính phủ cần bổ sung các chi phí phòng dịch bắt buộc, các chi phí kiểm tra nhanh dịch bệnh cho cán bộ, công nhân và các chi phí tạm dừng thi công... vào chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ tạm dừng thu bảo hiểm xã hội 6 tháng cuối năm cho tất cả lao động thời vụ ký hợp đồng lao động từ dưới 6 tháng tại các doanh nghiệp; kiến nghị giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng từ quý II/2021 sang đầu năm 2022;
Cùng với đó, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thời điểm từ tháng 4/2021 đến tháng 12/2021; hoãn nộp tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp đến hết năm 2021, đồng thời có phương án giảm giá thuê đất đặc biệt đối với các diện tích đất làm nhà kho, xưởng phục vụ thi công, sản xuất...
Đối với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng chuyên gia nước ngoài, họ đang mong Bộ Công An hỗ trợ cho phép chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại các dự án, công trường được gia hạn visa...
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.