Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Sự trỗi dậy của trái phiếu xanh trên thị trường tài chính toàn cầu phản ánh cam kết mạnh mẽ của thế giới trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững. Việt Nam, với tiềm năng tăng trưởng xanh, cũng đang từng bước tham gia vào xu hướng này, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Xung quanh vấn đề này, Tạp chí Đầu tư Tài chính đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tùng Anh, Giám đốc Phụ trách Tài chính Bền vững của FiinRatings.
Ông có thể chia sẻ về xu hướng phát hành và đầu tư vào trái phiếu xanh trên thế giới trong những năm gần đây?
Ông Nguyễn Tùng Anh: Xu hướng phát hành và đầu tư vào trái phiếu xanh trên thế giới đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ và đáng kể trong những năm gần đây. Thị trường trái phiếu xanh, vốn khởi đầu khiêm tốn vào năm 2007 với sự ra đời của Trái phiếu Khí hậu đầu tiên do Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) phát hành, đến nay đã phát triển thành một phân khúc quan trọng của thị trường vốn toàn cầu. Quy mô thị trường đã tăng vọt từ vài tỷ USD trong những năm đầu lên hàng trăm tỷ USD mỗi năm hiện nay, phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng của cả nhà phát hành và nhà đầu tư đối với các công cụ tài chính bền vững.
Mặc dù có sự suy giảm nhẹ trong năm 2022 do thực trạng kém khả quan của kinh tế thế giới, quy mô trái phiếu xanh đã nhanh chóng phục hồi và có xu hướng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024.
Sự đa dạng hóa của các tổ chức phát hành là một trong những xu hướng nổi bật. Ban đầu, thị trường chủ yếu do các tổ chức tài chính đa phương như Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển khu vực dẫn dắt. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều chính phủ, doanh nghiệp và ngân hàng thương mại tham gia vào thị trường này. Sự tham gia đa dạng của các bên không chỉ mở rộng nguồn cung trái phiếu xanh mà còn tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho các nhà đầu tư quan tâm đến tài chính bền vững.
Về mặt địa lý, thị trường trái phiếu xanh cũng đã mở rộng đáng kể. Từ việc tập trung chủ yếu ở châu Âu và Bắc Mỹ trong những năm đầu, thị trường đã lan rộng ra khắp châu Á và các nền kinh tế mới nổi. Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á đã trở thành những thị trường phát hành trái phiếu xanh quan trọng, phản ánh cam kết ngày càng tăng của các nền kinh tế này đối với phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Gần đây, chính phủ Nhật Bản đã ban hành Khung trái phiếu chuyển đổi khí hậu Nhật Bản, đây là một kế hoạch toàn diện do chính phủ Nhật Bản xây dựng để phát hành trái phiếu chuyển đổi khí hậu như một cấu phần trong chương trình Chuyển đổi xanh (GX). Nước này hướng đến phát hành 20 tỷ yên trái phiếu chính chuyển đổi khí hậu trong 10 năm, trong đó tập trung vào năng lượng phi hóa thạch (6-8 nghìn tỷ yên) và khử cacbon công nghiệp (4-6 nghìn tỷ yên).
Các lĩnh vực sử dụng vốn từ trái phiếu xanh cũng ngày càng đa dạng. Mặc dù năng lượng tái tạo vẫn là lĩnh vực chiếm ưu thế, nhưng các dự án trong lĩnh vực giao thông xanh, xây dựng bền vững, quản lý nước và chất thải cũng đang thu hút được nhiều sự quan tâm. Xu hướng này phản ánh nhận thức ngày càng tăng về tầm quan trọng của việc giải quyết các thách thức môi trường trên nhiều mặt. Bên cạnh đó, các yếu tố xã hội cũng được lưu ý tới để tránh những ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra khi thực hiện các dự án xanh, theo đó các dự án phải tuân thủ nguyên Không gây tổn hại (Do no harm) tới tài nguyên thiên nhiên hay con người.
Sự phát triển của thị trường cũng đi kèm với nỗ lực chuẩn hóa và tăng cường tính minh bạch. Các hướng dẫn như Tiêu chuẩn Trái phiếu Khí hậu (Climate Bonds Standard), Nguyên tắc Trái phiếu Xanh (Green Bond Principles) và các tiêu chuẩn đánh giá độc lập đã được phát triển để đảm bảo tính nhất quán và đáng tin cậy của các trái phiếu xanh. Điều này đã góp phần nâng cao niềm tin của nhà đầu tư và thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
Từ phía cầu, sự quan tâm của nhà đầu tư đối với trái phiếu xanh đã tăng lên đáng kể. Các quỹ đầu tư lớn, quỹ hưu trí và định chế tài chính ngày càng chú trọng đến các khoản đầu tư có tác động tích cực đến môi trường và xã hội. Xu hướng này không chỉ thúc đẩy nhu cầu đối với trái phiếu xanh mà còn khuyến khích các tổ chức phát hành tìm kiếm cơ hội để phát hành các công cụ nợ bền vững.
Tóm lại, xu hướng phát hành và đầu tư vào trái phiếu xanh trên thế giới trong những năm gần đây cho thấy một sự chuyển đổi đáng kể trong cách thức huy động và phân bổ vốn cho các dự án bền vững. Với sự gia tăng nhận thức về biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường toàn cầu, thị trường trái phiếu xanh sẽ tiếp tục phát triển và đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp trong tương lai.
Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của khung pháp lý và tiêu chuẩn quốc tế đối với trái phiếu xanh? Những tiêu chuẩn nào đang được áp dụng rộng rãi nhất?
Trên thị trường trái phiếu xanh toàn cầu, hai tiêu chuẩn chính được áp dụng rộng rãi là Tiêu chuẩn Trái phiếu Khí hậu (CBS) của Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (CBI) và Nguyên tắc Trái phiếu Xanh (GBP) của Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA). Trong khu vực ASEAN thì có Khung phân loại xanh của ASEAN Taxonomy do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) khởi xướng.
CBS được xem là chuẩn mực uy tín nhất trong việc chứng nhận trái phiếu xanh, đã được áp dụng tại hơn 30 quốc gia. Để được chứng nhận theo CBS, tổ chức phát hành phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về minh bạch trong sử dụng vốn, đánh giá và lựa chọn dự án, quản lý vốn và báo cáo định kỳ. Dự án được tài trợ phải góp phần vào ít nhất 1 trong 5 mục tiêu môi trường cốt lõi.
GBP là bộ hướng dẫn tự nguyện quan trọng khác, bao gồm 4 trụ cột chính: (1) Sử dụng vốn, (2) Quy trình đánh giá và lựa chọn dự án, (3) Quản lý vốn và (4) Báo cáo. GBP khuyến khích đánh giá và xác nhận độc lập từ bên thứ ba để đảm bảo tuân thủ.
So sánh hai tiêu chuẩn này, CBS cung cấp một chương trình chứng nhận nghiêm ngặt hơn với các tiêu chí cụ thể cho dự án xanh, yêu cầu báo cáo bắt buộc và xác minh bên thứ ba. Trong khi đó, GBP đưa ra hướng dẫn thực hành tốt nhất tự nguyện, cho phép bên phát hành linh hoạt hơn trong việc xác định “xanh” và dựa vào báo cáo tự nguyện.
Cả hai tiêu chuẩn đều nhằm thúc đẩy tính toàn vẹn của thị trường trái phiếu xanh, nhưng CBS đặt ra tiêu chuẩn cao hơn để tạo sự tin tưởng lớn hơn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc tuân thủ GBP lại đang phổ biến hơn trên thị trường.
Tại Việt Nam, thực trạng phát triển của thị trường trái phiếu xanh đang như thế nào, thưa ông? FiinRatings đang đóng vai trò như thế nào trong việc tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát hành trái phiếu xanh?
Trước hết, trong phạm vi trái phiếu xanh tại Việt Nam được tính là các lô trái phiếu được phát hành bằng tiền VND tại thị trường trong nước, từ trước đến nay mới chỉ có hơn 3.650 tỷ đồng trái phiếu xanh được phát hành, đến từ EVN Finance và Ngân hàng BIDV.
Hiện nay có thể thấy các ngân hàng đã dần đi theo xu hướng tài chính xanh, tài chính bền vững với những động thái xây dựng khung tài chính bền vững và chuẩn bị cho những lô trái phiếu xanh, xã hội, bền vững tiếp theo. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu xanh Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Theo chúng tôi đánh giá, những rào cản chính bao gồm thiếu hành lang pháp lý đầy đủ, hạn chế về thông tin, dữ liệu và sự thiếu hiểu biết của các bên liên quan về trái phiếu xanh.
Điểm tích cực là các chính sách hỗ trợ đang trong quá trình dự thảo và hoàn thiện. Hiện Bộ Tài chính cũng đang trong quá trình dự thảo các chính sách hỗ trợ cho phát triển trái phiếu xanh, trong đó không chỉ dừng lại ở những chính sách hỗ trợ về phí lưu ký trái phiếu như trước đó. Trong dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung đã có những đề xuất hỗ trợ có tính thiết thực và mang ý nghĩa về lợi ích tài chính lớn hơn như việc quy định miễn thuế thu nhập tiền lãi từ trái phiếu xanh, thu nhập chuyển nhượng trái phiếu xanh. Nếu được thực hiện, theo chúng tôi, đây sẽ là động lực rất lớn để doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ hưởng ứng cho việc đẩy mạnh phát hành trái phiếu xanh.
Tính đến nay mới chỉ có FiinRatings (trong năm 2022) trở thành tổ chức đầu tiên của Việt Nam được CBI ủy quyền xác nhận trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế của CBI. Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn vốn xanh từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến tháng 4/2024, FiinRatings đã công bố Khung Tài chính Xanh đầu tiên tại Việt Nam đạt được chứng nhận của CBI, khung do Công ty Cổ phần Điện Gia Lai thực hiện với quá trình xác nhận khắt khe và toàn diện của FiinRatings.
Bên cạnh việc thực hiện xác nhận và đánh giá trái phiếu hoặc khoản vay xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế đã và đang thực hiện, trong khuôn khổ đảm bảo tránh mâu thuẫn lợi ích trong việc cung cấp dịch vụ, FiinRatings cũng sẽ đồng hành với doanh nghiệp trong các hoạt động liên quan như xây dựng khung tài chính bền vững, thực hiện các khóa đào tạo về chuẩn bị và thực hiện phát hành trái phiếu xanh cũng như các hoạt động nghiên cứu và phân tích về thị trường này nhằm góp phần đẩy mạnh và phổ biến những lợi ích của trái phiếu xanh qua việc thể hiện ở lãi suất và kỳ hạn tại Việt Nam.
Ông nhận thấy những rào cản chính nào đối với việc phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam? Làm thế nào để vượt qua những rào cản này?
Dù đã được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế nhắc tới nhiều lần, một trong những điểm quan trọng chính vẫn là việc ban hành Danh mục Phân loại xanh quốc gia. Thực tế hiện nay, nhiều nhà phát hành trái phiếu xanh tiềm năng mong muốn tham gia thị trường tài chính xanh, nhưng vẫn muốn chờ Danh mục phân loại xanh được ban hành để thực sự tự tin, để khi thực hiện sẽ không vướng mắc các quy định trong tương lai. Nếu không, họ vẫn có thể huy động từ các nguồn vốn khác chứ chưa cần phát hành trái phiếu xanh.
Vì vậy, khuyến nghị được quan tâm nhất hiện nay là hoàn thiện khung pháp lý về trái phiếu xanh, làm rõ các khái niệm, tiêu chí và quy trình chứng nhận trái phiếu xanh phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện trong nước. Đây là một việc không hề đơn giản, bởi các quy tắc vừa phải đủ chặt chẽ để tránh “tẩy xanh”, vừa phải dễ tiếp cận và rõ ràng để thị trường không e ngại trong việc tăng thêm nguồn lực và chi phí cho công tác chuẩn bị.
Đặc biệt, Việt Nam cần xây dựng danh mục phân loại các dự án xanh đủ điều kiện phát hành trái phiếu theo các tiêu chí môi trường phù hợp với chuẩn mực quốc tế và tình hình thực tiễn của đất nước. Danh mục này sẽ là cơ sở quan trọng để các tổ chức phát hành, nhà đầu tư và cơ quan quản lý xác định, đánh giá và giám sát các dự án được tài trợ bởi trái phiếu xanh, đảm bảo tính xanh và tác động tích cực đến môi trường.
Sau khi hoàn thành bước quan trọng là ban hành Danh mục phân loại xanh, Chính phủ có thể cần có các chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế, phí đối với hoạt động phát hành và đầu tư trái phiếu xanh, tạo động lực cho thị trường phát triển như có cơ chế ưu đãi từ các quỹ hỗ trợ đầu tư đặc thù, giảm phí lưu ký, phí niêm yết, phí giao dịch cho trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế… Trong quá trình nghiên cứu xây dựng chính sách, cần lưu ý rằng bên xác nhận độc lập sẽ đóng vai trò quan trọng quyết định đến việc các doanh nghiệp phát hành công cụ tài chính xanh có được tiếp cận với các chính sách ưu đãi hay không.
FiinRatings dự đoán như thế nào về triển vọng phát triển của trái phiếu xanh tại Việt Nam trong 5-10 năm tới? Những yếu tố nào sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng này?
Mặc dù tiến trình thực hiện hiện nay còn chậm, song triển vọng phát triển của trái phiếu xanh tại Việt Nam trong 5-10 năm tới được FiinRatings đánh giá là rất tích cực. Vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, tiềm năng tăng trưởng của hoạt động tài chính xanh hay trái phiếu xanh là xu thế không thể đảo ngược bởi đó là xu hướng chung của thế giới và khu vực về tài chính bền vững.
Thứ hai, nhiều yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng này, bao gồm: Cam kết của chính phủ về phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhu cầu đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng xanh và sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với các công cụ tài chính bền vững. Chính phủ Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu tham vọng về giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, điều này sẽ tạo ra nhu cầu lớn về vốn cho các dự án xanh trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, giao thông sạch và quản lý tài nguyên bền vững. Trái phiếu xanh được xem là một công cụ huy động vốn hiệu quả cho các dự án này, đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước còn hạn chế.
Thứ ba, chúng tôi đặt kỳ vọng vào những chính sách khuyến khích cụ thể như dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đang lấy ý kiến về miễn thuế thu nhập tiền lãi từ trái phiếu xanh, thu nhập chuyển nhượng trái phiếu xanh…
Thứ tư, mặc dù hiện nay, Việt Nam chưa ban hành Khung tiêu chuẩn phân loại xanh hay chính sách hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể nhưng trái phiếu xanh đã được các thành viên trên thị trường tự nguyện áp dụng. Các nhà đầu tư tổ chức, nhất là các định chế tài chính phát triển, đã chủ động đưa ra các yêu cầu về phát triển xanh, phát triển bền vững cho các doanh nghiệp Việt Nam trước khi cấp vốn xanh.
Ông có lời khuyên nào dành cho các doanh nghiệp Việt Nam đang xem xét việc phát hành trái phiếu xanh, họ nên chuẩn bị như thế nào?
Trước hết, doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng một chiến lược phát triển bền vững rõ ràng, trong đó xác định cụ thể các dự án và hoạt động đủ điều kiện để được tài trợ bởi trái phiếu xanh. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp định hướng việc sử dụng vốn mà còn tăng tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Tiếp theo, doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ và lựa chọn áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về trái phiếu xanh, như Tiêu chuẩn Trái phiếu Khí hậu (CBS) hoặc Nguyên tắc Trái phiếu Xanh (GBP). Việc tuân thủ các tiêu chuẩn này sẽ giúp tăng tính minh bạch và uy tín của đợt phát hành, đồng thời thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế.
Doanh nghiệp cũng cần xây dựng một hệ thống quản lý và giám sát chặt chẽ để đảm bảo việc sử dụng vốn từ trái phiếu xanh đúng mục đích và hiệu quả. Điều này bao gồm việc thiết lập các quy trình đánh giá và lựa chọn dự án, quản lý nguồn vốn riêng biệt và chuẩn bị báo cáo định kỳ về tác động môi trường của các dự án được tài trợ.
Ngoài ra, doanh nghiệp nên chú trọng việc nâng cao năng lực nội bộ về tài chính xanh và phát triển bền vững. Điều này có thể bao gồm việc đào tạo nhân viên, thuê các chuyên gia tư vấn và tham gia các diễn đàn và hội thảo về trái phiếu xanh để cập nhật các xu hướng và thực tiễn tốt nhất trên thị trường.
Cuối cùng, doanh nghiệp nên chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình đánh giá và chứng nhận từ bên ngoài. Việc có được xác nhận từ một bên thứ ba độc lập về tính “xanh” của trái phiếu sẽ giúp tăng đáng kể sự tin tưởng của nhà đầu tư và khả năng thành công của đợt phát hành.
Việc bắt đầu từ đâu trong những khuyến nghị trên quả thực không đơn giản, nhưng thực tế doanh nghiệp có thể bắt đầu từ bất kỳ giai đoạn nào, cũng như tìm kiếm sự trợ giúp của các tổ chức, trong đó FiinRatings.
Trân trọng cảm ơn ông!
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.