'Tô xanh than đá': Trung Quốc vẽ lại bức tranh ngành điện

Minh Ý - 16/08/2024 10:51 (GMT+7)

(VNF) - Trong một thời gian dài, Trung Quốc giữ vị thế là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất than và điện than. Giờ đây, trước các mục tiêu chuyển đổi xanh và giảm phát thải, Bắc Kinh đã có một cách tiếp cận rất khác với ngành công nghiệp khổng lồ này, đó là “tô xanh than đá”.

Vị thế hàng đầu trong ngành than và điện than

Trung Quốc là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới trong ngành sản xuất than đá và điện than. Sản lượng than đá của nước này chiếm tỷ lệ lớn trong sản lượng toàn cầu, đóng góp một phần quan trọng vào việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của quốc gia và thế giới.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nhà sản xuất than lớn nhất thế giới đã khai thác 4,66 tỷ tấn nhiên liệu vào năm ngoái, tăng 2,9% so với năm 2022 và đạt mức cao nhất mọi thời đại. Sản lượng này không chỉ đảm bảo nhu cầu năng lượng nội địa mà còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Với hệ thống nhà máy điện than hiện đại và công nghệ sản xuất tiên tiến, ngành công nghiệp điện than của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện năng cho sản xuất và dân sinh.

Theo Bộ Năng lượng Trung Quốc, vào năm 2023, ngành điện than của nước này đã sản xuất và cung cấp khoảng 4.200 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 57% tổng sản lượng điện năng của Trung Quốc. Đây cũng là quốc gia hiếm hoi bổ sung thêm các nhà máy điện than mới vào năm 2023, với tổng công suất bổ sung lên tới gần 50 gigawatt (GW).

Việc Trung Quốc giữ vững vị thế hàng đầu trong ngành sản xuất than đá và điện than đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế mạnh mẽ, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức liên quan đến tác động môi trường và sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch, đặc biệt khi quốc gia này đã đặt ra những mục tiêu gắt gao về việc giảm phát thải và chuyển đổi xanh.

Năm 2020, Trung Quốc đặt ra “mục tiêu kép” là đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 và trung hoà carbon vào năm 2060. Tuy nhiên, so với những mục tiêu về giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng, tiến độ thực hiện ở một số lĩnh vực cho thấy sự không đồng đều.

Trong đó, ngành sản xuất điện than của nước này, cũng là nguồn phát thải carbon chính, đồng thời vẫn đang là nguồn điện năng chính của quốc gia. Theo thống kê của Viện Tài nguyên Thế giới, Trung Quốc là quốc gia có lượng phát thải nhà kính lớn nhất thế giới, trong đó hơn 40% lượng khí thải của nước này đến từ các nhà máy điện nhiệt, khiến cho việc khám phá nhiều phương pháp khử carbon khác nhau trở nên quan trọng đối với quốc gia này.

Ông Lin Weibin, giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Năng lượng của Hiệp hội Nghiên cứu Năng lượng Trung Quốc, cho biết trong ngắn hạn, nhu cầu điện của nước này duy trì mức tăng trưởng nhanh chóng.

Tuy nhiên, sự gia tăng sử dụng năng lượng than đã dẫn đến lượng khí thải carbon dioxide trong ngành điện ngày càng tăng. Do đó, việc chuyển đổi điện than thành ngành carbon thấp có thể giúp giảm một phần lượng khí thải, trong khi vẫn duy trì được ngành sản xuất quan trọng này.

"Tô xanh than đá"

Ngày 15/7, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) và Cục Năng lượng Quốc gia (NEA) đã ban hành “Kế hoạch hành động về chuyển đổi và xây dựng nhà máy điện than carbon thấp (2024-2027)”. Theo đó, tất cả các nhà máy điện chạy bằng than ở Trung Quốc sẽ phải bắt đầu “quá trình chuyển đổi carbon thấp ban đầu” vào năm 2025 nhằm mục đích giảm 50% lượng khí thải CO2 vào năm 2027.

Kế hoạch hành động về chuyển đổi và xây dựng nhà máy điện than ít carbon đưa ra cho chủ sở hữu nhà máy điện than 3 phương pháp để giảm phát thải: Trộn than với sinh khối hoặc với amoniac xanh được sản xuất từ hydro tái tạo; hoặc thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS).

NDRC cho biết để pha trộn nhiên liệu, sinh khối và amoniac xanh phải chiếm hơn 10% hỗn hợp nhiên liệu, trong khi phải tận dụng các siêu dự án năng lượng tái tạo đang được xây dựng tại các vùng sa mạc xa xôi của Trung Quốc để sản xuất amoniac xanh.

Mục tiêu chính của kế hoạch là đến năm 2025, tất cả các dự án xây dựng và chuyển đổi năng lượng carbon thấp đầu tiên sẽ được khởi công, đồng thời một loạt công nghệ sản xuất điện năng lượng carbon thấp sẽ được chuyển đổi và áp dụng.

NDRC cho biết các đợt chạy thử sẽ giúp cắt giảm cường độ carbon của các nhà máy điện than khoảng 20% vào năm 2025 và 50% vào năm 2027 so với mức trung bình của ngành vào năm 2023. Theo đó, mức giảm phát thải 50% đồng nghĩa với việc các nhà máy điện than sẽ phát thải tương đương với các nhà máy điện khí.

Để thực hiện kế hoạch này, Bắc Kinh sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho các dự án chuyển đổi năng lượng than thành carbon thấp, dựa một phần vào các khoản tiền huy động được thông qua trái phiếu kho bạc đặc biệt siêu dài hạn và sẽ có hỗ trợ chính sách dựa trên các điều kiện của địa phương.

Ngoài ra, các dự án chuyển đổi năng lượng than thành carbon thấp sẽ được khuyến khích đa dạng hóa các kênh tài trợ của họ thông qua các phương pháp như phát hành trái phiếu xanh hoặc xin các khoản vay chuyển đổi công nghệ.

Ông Lin Boqiang, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng Trung Quốc tại Đại học Hạ Môn, chia sẻ với tờ Global Times rằng hỗ trợ tài chính và các chính sách cho vay ưu đãi sẽ thúc đẩy tài chính và nhiều nguồn vốn tư nhân hơn có thể được chuyển vào lĩnh vực chuyển đổi năng lượng than thành carbon thấp.

Mặc dù vậy, nhiều nhà phân tích vẫn đặt câu hỏi về tính khả thi của việc triển khai các công nghệ mới do chi phí cao.

Bà Shen Xinyi, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, cho biết: “Các nhà máy điện sinh khối ở Trung Quốc không khả thi về mặt tài chính nếu không có trợ cấp, chủ yếu là do nguồn cung cấp nhiên liệu không đủ. Ngoài ra, tôi không chắc việc đốt amoniac xanh trong các nhà máy điện than là khôn ngoan (do chi phí), đặc biệt là khi vẫn còn tiềm năng tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, chẳng hạn như bằng cách tăng cường buôn bán điện liên tỉnh và cải thiện tính linh hoạt của các nhà máy điện than”.

Lời kết

Việc chuyển đổi điện than thành ngành carbon thấp của Trung Quốc chắc chắn không phải một lộ trình dễ dàng, đặc biệt khi nó làm thay đổi cơ cấu năng lượng và hạ tầng công nghiệp. Với các nhà máy điện than chiếm 57% tổng sản lượng điện quốc gia, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và công nghệ sạch đòi hỏi đầu tư lớn về tài chính và công nghệ.

Thách thức thứ hai là từ sự phụ thuộc lớn vào ngành công nghiệp than đá, gây ra sự bất ổn trong việc điều chỉnh cơ cấu lao động và thay đổi cơ cấu kinh tế. Trung Quốc có hơn 3 triệu người làm việc trong ngành than đá, và việc tạo ra cơ hội việc làm mới và chuyển đổi nghề nghiệp là một vấn đề cấp bách.

Ngoài ra, việc chuyển đổi sang ngành công nghiệp carbon thấp cũng đối diện với thách thức về sự phát triển kỹ thuật, chi phí và hành vi của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, bất chấp những thách thức này, việc chuyển đổi từ điện than truyền thống sang ngành carbon thấp sẽ mang lại lợi ích bền vững cho Trung Quốc, bao gồm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm thiểu chi phí liên quan đến y tế do ô nhiễm và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Rõ ràng, nỗ lực “vẽ” lại bức tranh ngành điện của Bắc Kinh cũng là một “giáo trình” đáng tham khảo cho những quốc gia còn phụ thuộc nhiều vào điện than.

Điện than và thuỷ điện: Hiện tại là chủ đạo, tương lai mất dần vị thế

Điện than và thuỷ điện: Hiện tại là chủ đạo, tương lai mất dần vị thế

Đầu tư
(VNF) - Giới phân tích cho rằng, điện than và thuỷ điện sẽ hưởng lợi và nắm vai trò chủ đạo trong năm 2024 khi có sự hỗ trợ của hiện tượng La Nina (đối với thuỷ điện) và giá nhiên liệu giảm (đối với điện than).
Cùng chuyên mục
Tin khác