Doanh nghiệp ngành giao thông 'mắc kẹt' sau khi được chuyển về 'siêu Ủy ban'

Quang Toàn - 25/03/2020 10:35 (GMT+7)

Chưa đầy 2 năm chuyển giao 19 tập đoàn, Tổng công ty có vốn nhà nước về "siêu Ủy ban", nhiều đơn vị, trong đó có 5 doanh nghiệp của Bộ Giao thông Vận tải đang gặp những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Cuối năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải là nơi bàn giao sớm nhất quyền đại diện vốn chủ sở hữu tại 5 doanh nghiệp: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, sau quyết định của Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước nhằm tách bạch quyền quản lý vốn nhà nước và quyền quản lý chuyên ngành đối với các doanh nghiệp.

Mở đầu câu chuyện vướng mắc khó khăn của các đơn vị ngành giao thông khi chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp  phải kể đến Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), khi mà ngay từ cuối năm 2019, đơn vị này đã có nhiều văn bản gửi các cấp đề nghị tháo gỡ khó khăn cho đơn vị vì chưa được phê duyệt kinh phí bảo trì hạ tầng đường sắt quốc gia.

Dư luận và các cơ quan quản lý quan tâm là bởi VNR thay mặt Nhà nước quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, nhưng khi chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thì chỉ chuyển doanh nghiệp với quản lý vốn chủ sở hữu doanh nghiệp về, còn hạ tầng vẫn do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, dẫn đến tình trạng “đầu đi, chân ở lại”.

Đại diện VNR cho hay, hiện tại có 20 doanh nghiệp công ích thực hiện nhiệm vụ bảo trì hệ thống hạ tầng đường sắt quốc gia thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ  ngày 1/1/2020 không được ký kết hợp đồng, khiến các đơn vị này không có tiền trả lương cho khoảng 10.000 người lao động, đặc biệt nhiều hoạt động đảm bảo an toàn chạy tàu bị ảnh hưởng.

Sau khi VEC chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khó khăn của doanh nghiệp này lại nằm ở việc xác định cơ quan chủ quản phê duyệt nguồn vốn đầu tư dự án.

Câu chuyện của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sau khi chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp  lại nằm ở việc xác định cơ quan chủ quản phê duyệt nguồn vốn đầu tư dự án. Lãnh đạo VEC cho biết, về mặt danh nghĩa, Quốc hội đã phân bổ vốn từ ngân sách cho VEC, tiền đã có nhưng khi về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, dòng vốn đó bị tắc. Do chưa rõ Bộ Giao thông Vận tải hay Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận và giao vốn cho VEC.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Phó Tổng giám đốc VEC cho hay, Tổng công ty đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về kế hoạch vốn, chủ trương đầu tư, thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án, cũng như việc gia hạn các hiệp định vay vốn. Những vướng mắc này ảnh hưởng lớn đến các dự án, các nhà thầu thi công. Đến nay, tại hai dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành và Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tất cả các gói thầu gần như đã quá hạn và chưa được gia hạn, kể cả dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi phần vốn WB (Ngân hàng Thế giới).

“Sau khi chuyển giao từ Bộ Giao thông Vận tải sang Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đến nay, các cơ quan chưa thống nhất được về đơn vị chủ trì thực hiện xử lý/xin ý kiến các vấn đề giao kế hoạch vốn đầu tư công; điều chỉnh dự án đầu tư; điều chỉnh hiệp định vay; xem xét đầu tư các hạng mục bổ sung sử dụng vốn dư; kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mới… dẫn đến một số nội dung VEC đề trình Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhưng không xác định được cơ quan chủ trì xử lý”, ông Nguyễn Quốc Bình cho hay.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng bị ách tắc tương tự. Với ACV, hiện tại, đường băng, đường lăn sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài đều đang xuống cấp. Từ năm 2017, ACV đã báo cáo để tu sửa nhưng chưa được làm vì vướng quy định. Do việc đầu tư, sửa chữa sân bay thuộc trách nhiệm của Nhà nước, nên sau khi ACV chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải không thể quyết định giao cho ACV thực hiện công việc này. 

Đối với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền Tổng giám đốc Vinalines chia sẻ, từ khi Vinalines được chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý có thể nói gặp nhiều khó khăn hơn là thuận lợi.

Đi vào chi tiết những khó khăn này, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho hay, một trong những nhiệm vụ được chuyển từ Bộ Giao thông Vận tải về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là tiếp tục thực hiện việc cổ phần hóa Vinalines. Tuy nhiên, sau từng đấy thời gian Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp  cũng chưa cử người vào Ban chỉ đạo cổ phần hóa Vinalines mà lại đề xuất Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục cử người vào Ban này.

Về vấn đề này, Tổng công ty cũng đã có nhiều văn bản gửi Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp  nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Vì hiện tại Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp nên bắt buộc phải cử người vào thành phần của Ban chỉ đạo cổ phần hóa Vinalines. Từ việc này dẫn đến hiện trạng Vinalines chưa thể tổ chức được đại hội cổ đông lần đầu. Mặc dù đã IPO được 18 tháng. Nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi nhưng Tổng công ty cũng chỉ biết trả lời là do Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp  chưa có văn bản cho phép Vinalines điều chỉnh vốn và nhiều lý do khác. Lý do mà Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đưa ra khi chưa cử người vào Ban cổ phần hóa Vinalines, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh thông tin là vì sau khi thực hiện rà soát, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng còn nhiều vấn đề cần phải tham khảo, xin ý các bộ, ngành.

“Rõ ràng việc kéo dài đại hội cổ đông quá lâu sau khi đã IPO làm cho Vinalines rơi vào tình trạng công ty “lưỡng tính”, tức là chưa hẳn là cổ phần nhưng cũng  không phải là doanh nghiệp nhà nước nữa vì Vinalines đã có những cổ đông khác tham gia. Trong khi đó, Tổng công ty cũng đã xây dựng bộ nhận diện thương hiệu mới, chuẩn bị các kịch bản để chuẩn bị sang công ty cổ phần. Nhưng tất cả việc này đang bị trì hoãn. Điều này phần nào cũng gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh chia sẻ.

Các đơn vị của Bộ đã có ý kiến về khó khăn, vướng mắc của từng đơn vị và cũng đề xuất giải pháp xử lý. Dự kiến, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có báo cáo Chính phủ trong thời gian tới. 

Với góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận định: Vai trò của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không phải dự án đầu tư mà là giao mục tiêu (như tỷ lệ sinh lời, hệ số tài chính, cải thiện năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh…) để doanh nghiệp thực hiện, chứ không phải đi giao từng dự án. Ủy ban phải làm như thế, còn đầu tư vào đâu, đầu tư như thế nào là quyết định của doanh nghiệp. Ủy ban không phải nơi thẩm định dự án đầu tư của doanh nghiệp. Dự án chỉ là công cụ đạt được mục tiêu mà thôi.

Tại lễ chuyển giao 5 đơn vị của ngành giao thông vận tải về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp  cuối năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể từng nhấn mạnh, đây là các đơn vị máu thịt của ngành giao thông vận tải đã gắn bó và góp phần vào lịch sử xây dựng, phát triển ngành. Do đó, dù có chuyển giao về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp  thì kết quả hoạt động cũng như các tồn tại của các đơn vị liên quan đến chuyên môn, lĩnh vực vẫn sẽ có một phần trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải.

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ luôn bên cạnh hỗ trợ, giúp đỡ và đồng hành để 5 Tổng công ty hoạt động bình thường, thậm chí tốt hơn. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết lãnh đạo Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp  giải quyết căn bản các vấn đề còn tồn tại hiện nay của các đơn vị này.

Đại diện lãnh Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong gần 2 năm qua, Bộ đã nhiều lần họp, bàn với các bộ ngành và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp  để giải quyết những khó khăn, tồn tại của các doanh nghiệp trên.

Trước thực tế vướng mắc về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, ngày 2/3/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về vấn đề này. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành cho ý kiến về các phương án thực hiện việc giải ngân vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020. 

Ngay sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các phương án thực hiện. Cụ thể, theo văn bản số 1805/BC-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án giao dự toán kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị người đứng đầu Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích quy định tại Nghị quyết số 87/2019/QH14, ngày 14/11/2019 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 theo hướng đề nghị cho phép tiếp tục áp dụng cơ chế giao dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thông qua dự toán ngân sách nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải như đã thực hiện năm 2019.

Như vậy, đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải cũng chính là phương án 1 trong số 2 phương án xử lý những vướng mắc liên quan đến khoản kinh phí hơn 2.800 tỷ đồng phục vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp cho ý kiến.

Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) thông tin, trong khi chờ cấp có thẩm quyền quyết định phương án giải quyết những vướng mắc về giao nguồn vốn bảo trì cho ngành đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thống nhất chỉ đạo, kiểm tra 20 đơn vị đang thực hiện việc bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu. Hiện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã cho 20 đơn vị bảo trì đường sắt tạm vay 165 tỷ đồng để chi trả lương cho người lao động làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.

Về giải quyết khó khăn của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, ngày 6/3/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng chính phủ đề xuất giải pháp tháo gỡ cho dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Theo đó, để đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành Nghị quyết về xử lý vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng do VEC làm chủ đầu tư.

Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan chỉ đạo VEC rà soát tiến độ tổng thể của dự án và các gói thầu Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) để làm cơ sở tiếp tục đề xuất, thực hiện thủ tục gia hạn hiệp định nhằm hoàn thành dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành vào cuối năm 2023.

Về vướng mắc của các doanh nghiệp khác, trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Thu Hương, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, các đơn vị của Bộ đã có ý kiến về khó khăn, vướng mắc của từng đơn vị và cũng đề xuất giải pháp xử lý. Dự kiến, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có báo cáo Chính phủ trong thời gian tới.

Theo TTXVN
Cùng chuyên mục
Tin khác