Doanh nghiệp nhà nước: Không thể dựa vào lợi thế ảo

Khánh An - 20/09/2018 10:39 (GMT+7)

Trước thềm Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước dự kiến diễn ra vào ngày 28/9/2018, nhiều vấn đề về doanh nghiệp nhà nước lại được bàn tới.

VNF
Yêu cầu rà soát, sắp xếp lại phương án sử dụng đất trước khi cổ phần hóa đang được làm rất quyết liệt. Trong ảnh: Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ. Ảnh: Đ.T

Doanh nghiệp nhà nước trước hết là… doanh nghiệp

Đang dấy lên nhiều tranh luận về việc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đề xuất áp mức thuế suất thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón và thuế suất thuế nhập khẩu cao hơn với phân đạm nhập khẩu, để giá thành phân đạm do Vinachem sản xuất cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, tạo điều kiện cho Vinachem xử lý các doanh nghiệp yếu kém.

Điều đáng nói là đề xuất này được đưa ra ngay trước thềm Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước, nên mối quan tâm dường như không chỉ tập trung vào Vinachem - “chủ thể” của đề xuất trên.

“Doanh nghiệp nhà nước trước hết phải là doanh nghiệp. Phải kinh doanh theo cơ chế thị trường, bán được hàng thì tồn tại, không thì phải thay đổi, chứ không thể đề nghị thay đổi quy định để… bán được hàng”, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thẳng thắn nói khi được đề nghị bình luận về đề xuất này.

Tất nhiên, cũng phải nói thêm đề xuất đưa mặt hàng phân bón vào nhóm đối tương chịu thuế VAT với thuế suất 5% không phải của riêng Vinachem. Hiệp hội Phân bón Việt Nam đang theo đuổi đề xuất này khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế ban hành năm 2014 đã chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế khiến toàn bộ thuế VAT đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh phân bón không được khấu trừ.

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón đang phải hạch toán toàn bộ phần này vào chi phí sản xuất, kinh doanh, đẩy giá thành phân bón tăng từ 5-8%.

“Bộ Tài chính đã ghi nhận kiến nghị trên để nghiên cứu, trình Chính phủ, Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp. Mục tiêu là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, đảm bảo phân bón sản xuất trong nước cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa nhập khẩu cùng loại, chứ không điều chỉnh riêng cho Vinachem hay cho doanh nghiệp nhà nước”, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết.

Với đề nghị tăng thuế suất thuế nhập khẩu với mặt hàng phân bón, ông Tiến cho biết Vụ Chính sách thuế chưa nhận được. Hiện tại, thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng này là 6%, thấp hơn 0,5% so với cam kết cao nhất với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về mặt hàng này.

“Các kiến nghị của doanh nghiệp sẽ đều được nghiên cứu, xem xét nhưng với Vinachem, đây không phải là giải pháp căn cơ. Chúng tôi đang đề nghị Vinachem phải rà soát hoạt động, đánh giá lại 4 dự án đang thua lỗ, để xem có thể thay đổi gì, đi vào sản xuất có bán được hàng không, khả năng hoàn vốn ra sao… chứ không thể trông vào các giải pháp về thuế. Thuế phải bình đẳng theo pháp luật, còn doanh nghiệp kinh doanh theo thị trường. Nếu không thể cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân đều phải chấp nhận lui lại sau”, ông Tiến thẳng thắn.

Loại bỏ những lợi thế giả tạo

Ông Đặng Quyết Tiến gọi cách tư duy kiểu Vinachem là những lợi thế giả tạo của rất nhiều doanh nghiệp nhà nước.

Đây không phải là vấn đề mới. Cho dù không có bất cứ sự phân biệt hay ưu ái nào trong quy định pháp luật cho doanh nghiệp nhà nước, nhưng những nguồn lực mà khu vực này nắm giữ, từ vốn, đất đai, lĩnh vực kinh doanh… đều mang lại những lợi thế vô cùng lớn trong kinh doanh.

Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp nhà nước đang có lãi nhờ cho thuê quyền sử dụng đất chứ không phải từ ngành nghề kinh doanh chính. Hệ quả là nhiều nhà đầu tư nhắm lợi thế này khi tham gia các doanh nghiệp cổ phần hóa. Như vậy, mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trong ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cốt lõi không đảm bảo.

“Sẽ không còn những lợi thế giả tạo như vậy trong cổ phần hóa tới đây. Yêu cầu rà soát, sắp xếp lại phương án sử dụng đất trước khi cổ phần hóa đang được làm rất quyết liệt, được công khai rõ ràng. Nguyên tắc là công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện quản lý và sử dụng đất của doanh nghiệp theo đúng mục đích, đúng phương án được phê duyệt. Nghĩa là nếu ai nhắm vào Thép Thái Nguyên thì phải làm thép, chứ không nhìn vào diện tích đất của dự án để làm khu đô thị. Chúng ta sẽ tìm được các nhà đầu tư chiến lược thực sự thay vì các nhà đầu cơ”, ông Tiến cho biết.

Đặc biệt, minh bạch thông tin cũng đang là giải pháp được coi là hữu hiệu và có tính khả thi nhất để đẩy nhanh các kế hoạch cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Tính đến ngày 10/9/2018, Cục Tài chính doanh nghiệp đã nhận được 461 kiến nghị liên quan đến vướng mắc của các doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ. Mặc dù không chia sẻ cụ thể nội dung các kiến nghị, nhưng ông Đặng Quyết Tiến cho rằng nhiều vấn đề liên quan đến cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đang được đặt ra.

“Bộ Tài chính đã gửi các ý kiến này tới các đơn vị liên quan để trả lời. Chúng tôi tin là các giải đáp sẽ thúc dẩy tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo đúng tiến độ, hoàn thành mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực này”, ông Tiến nói.

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác