Bất động sản

Doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm, tài khoản chỉ còn hơn 800 nghìn đồng

(VNF) - Tính đến ngày 7/7, Cục Thuế TP. HCM đã thu được 20% tiền đặt cọc và tiền cưỡng chế trích từ tài khoản ngân hàng của 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Dream Republic và Công ty Cổ phần Sheen Mega.

Doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm, tài khoản chỉ còn hơn 800 nghìn đồng

Bốn lô đất trúng đấu giá ở Thủ Thiêm.

Sau khi nhận thông báo phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính, hai đơn vị trên vẫn chưa nộp đủ tiền vào ngân sách nên đã bị cưỡng chế thuế theo quy định. 

Tuy nhiên, khi trích tiền từ tài khoản ngân hàng của hai đơn vị này, Cục Thuế TP. HCM chỉ thu được hơn 40 triệu đồng từ tài khoản công ty Sheen Mega và vỏn vẹn 821.000 đồng từ tài khoản công ty Dream Republic. Ngoài ra, cơ quan thuế cũng đã phong tỏa hóa đơn của hai doanh nghiệp này.

Công ty Dream Republic thành lập năm 2017 với số vốn điều lệ đăng ký 300 tỷ đồng, trúng đấu giá lô đất 3-5 có diện tích 6.446 m2 khi ra giá 3.820 tỷ đồng. Tuy nhiên, thông tin từ Cục Thuế TP. HCM cho thấy tài khoản ngân hàng ở thời điểm cưỡng chế thuế chỉ có 821.000 đồng.

Công ty Sheen Mega mua lô đất 3-8 với diện tích 8.568 m2 với giá 4.000 tỷ đồng, vốn điều lệ đăng ký là 500 tỷ đồng nhưng tài khoản ngân hàng cũng chỉ có hơn 40 triệu đồng. 

Tính đến ngày 7/7, Công ty Cổ phần Sheen Mega đã đặt cọc gần 204 tỷ đồng tiền sử dụng đất và bị cưỡng chế gần 40,5 triệu đồng trích từ tài khoản ngân hàng. Tổng số tiền còn nợ tính đến ngày 6/7 hơn 3.892 tỷ đồng, trong đó tiền sử dụng đất còn nợ hơn 3.796 tỷ đồng và tiền phạt chậm nộp hơn 96,1 tỷ đồng.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Dream Republic đã cọc 115,6 tỷ đồng tiền sử dụng đất và bị cưỡng chế gần 821.000 đồng trích từ tài khoản ngân hàng. Tổng số tiền còn nợ gồm hơn 3.800 tỷ đồng tiền sử dụng đất còn nợ, 500 triệu đồng lệ phí trước bạ và hơn 94,5 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp.

Như vậy, tổng số tiền ngân sách đã thu về là hơn 360 tỷ đồng, tổng số tiền hai doanh nghiệp còn nợ là 7.692 tỷ đồng.

Ngoài ra, hai đơn vị này cũng không bị phạt gì thêm.  

Hai doanh nghiệp cũng từng đề xuất phương án thanh toán tiền sử dụng đất thành 6 đợt, từ tháng 4 đến tháng 9, nhưng không được chấp thuận. Do đó, 2 đơn vị xin nộp 100 tỷ đồng trước ngày 30/4 và cam kết hoàn thành thanh toán phần còn lại trong vòng 180 ngày kể từ ngày thông báo nộp tiền sử dụng đất, trễ nhất ngày 6/7. Tuy nhiên, đến trưa 6/7, cơ quan thuế TP. HCM vẫn chưa nhận được khoản tiền nào.

Một doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm đã bỏ cọc trước đó là Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Thương mại Bình Minh hiện đã tạm ngừng kinh doanh. Thông tin trên được cập nhật trên website của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh. Công ty này mới được thành lập vào tháng 9/2021, đúng 3 tháng trước thời điểm diễn ra phiên đấu giá đất Thủ Thiêm với vốn điều lệ đăng ký 200 tỷ đồng, đặt trụ sở ở Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật của Bình Minh là bà Thân Thị Liên, sinh năm 1992. 

Sau khi trúng đấu giá lô đất 3-9 có diện tích hơn 5.000 m2 với mức giá hơn 5.000 tỷ đồng, Bình Minh đã gửi văn bản đến các cơ quan chức năng TP. HCM xin thôi phát triển dự án trên lô đất đã đặt mua, đồng nghĩa với việc chấp nhận bỏ số tiền cọc gần 150 tỷ đồng. 

Đơn vị còn lại trúng đấu giá đất Thủ Thiêm là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có văn bản xin bỏ cọc lô đất 3-12 ngay trong tháng 1, chỉ ít ngày sau khi tham gia đấu giá, chấp nhận mất trắng gần 600 tỷ đồng tiền đặt cọc.

Ngôi Sao Việt là một trong những công ty con của Tân Hoàng Minh bị cơ quan quản lý chỉ ra có sai phạm về phát hành trái phiếu riêng lẻ và phải hoàn trả tiền cho nhà đầu tư. 

Như vậy, cả 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm vào tháng 12/2021 đều đã bỏ cọc. Bốn lô đất vẫn thuộc quyền sở hữu của TP. HCM. Ngân sách thành phố thu được hơn 1.000 tỷ đồng tiền đặt cọc của 4 đơn vị. 

Tin mới lên