Doanh thu chất bán dẫn toàn cầu lần đầu vượt 500 tỷ USD

Quỳnh Anh - 16/02/2022 16:18 (GMT+7)

(VNF) - Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA), doanh thu chất bán dẫn toàn cầu đã lần đầu vượt mốc nửa nghìn tỷ USD vào năm 2021, nhờ các công ty trong ngành tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh thiếu chip toàn cầu.

VNF
Doanh thu chất bán dẫn toàn cầu lần đầu vượt 500 tỷ USD.

Vào năm 2021, doanh số ngành bán dẫn toàn cầu đạt kỷ lục 555,9 tỷ USD, là tổng doanh thu hàng năm cao nhất từ trước đến nay và tăng 26,2% so với tổng doanh thu năm 2020 là 440,4 tỷ USD, SIA thông báo ngày 15/2.

Ngành công nghiệp này đã xuất xưởng kỷ lục 1.150 tỷ đơn vị bán dẫn vào năm 2021, khi các công ty chip tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu cao trong bối cảnh thiếu chip toàn cầu.

Doanh thu toàn cầu trong tháng 12/2021 là 50,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với tổng số tháng 12/2020 và nhiều hơn 1,5% so với tổng số từ tháng 11/2021.

Doanh thu trong quý IV là 152,6 tỷ USD, cao hơn 28,3% so với doanh số quý IV/2020 và cao hơn 4,9% so với quý III/ 2021.

Tính theo khu vực, doanh số bán hàng vào thị trường châu Mỹ tăng mạnh nhất (27,4%) vào năm 2021. Trung Quốc vẫn là thị trường riêng lẻ lớn nhất cho chất bán dẫn, với tổng doanh số đạt 192,5 tỷ USD vào năm 2021, tăng 27,1%.

Doanh số hàng năm cũng tăng vào năm 2021 ở châu Âu (27,3%), châu Á - Thái Bình Dương (25,9%) và Nhật Bản (19,8%). Doanh số bán hàng trong tháng 12/2021 tăng so với tháng 11/2021 ở châu Mỹ (5,2%), Trung Quốc (0,8%), châu Âu (0,3%) và châu Á - Thái Bình Dương (0,1%), nhưng giảm nhẹ ở Nhật Bản (- 0,3%).

Analog, một loại chất bán dẫn thường được sử dụng trong xe ô tô, hàng tiêu dùng và máy tính, có tốc độ tăng trưởng hàng năm cao nhất là 33,1%, đạt doanh thu 74 tỷ USD vào năm 2021.

Logic (doanh thu 154,8 tỷ USD năm 2021) và bộ nhớ (153,8 tỷ USD) là những danh mục bán dẫn lớn nhất tính theo doanh số. Doanh số hàng năm của các sản phẩm logic tăng 30,8% so với năm 2020, trong khi doanh số bán các sản phẩm bộ nhớ tăng 30,9%.

Doanh số bán vi mạch tăng 15,1% lên 80,2 tỷ USD vào năm 2021. Doanh số của tất cả các sản phẩm không có bộ nhớ tăng 24,5% vào năm 2021. Doanh số bán vi mạch ô tô tăng 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao kỷ lục 26,4 tỷ USD.

Doanh số hàng tháng được tổng hợp bởi tổ chức Thống kê Thương mại Chất bán dẫn Thế giới (WSTS) và đại diện cho đường trung bình động ba tháng. SIA đại diện cho 99% ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ theo doanh thu và gần 2/3 các công ty chip ngoài Mỹ.

John Neuffer, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của SIA cho biết: “Trong bối cảnh tình trạng thiếu chip toàn cầu diễn ra, các công ty bán dẫn về cơ bản đã tăng cường sản xuất lên mức chưa từng có để giải quyết nhu cầu cao liên tục, dẫn đến doanh số bán chip và số lượng chip được xuất xưởng kỷ lục”.

“Nhu cầu sản xuất chất bán dẫn được dự báo sẽ tăng đáng kể trong những năm tới, vì chip thậm chí còn được sử dụng nhiều hơn vào các công nghệ thiết yếu của hiện tại và tương lai”, ông John nói thêm.

Cuộc khủng hoảng chip toàn cầu trong năm qua đã ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp từ điện tử tiêu dùng đến các nhà sản xuất ô tô, khiến không ít các công ty buộc phải hạn chế sản xuất do không đủ nguồn cung, dẫn tới thiếu hụt sản lượng.

Nó cũng dẫn đến việc các chính phủ và các nhà lập pháp trên khắp thế giới phải tranh giành để đảm bảo nguồn cung cấp chip và đầu tư để đưa việc sản xuất chất bán dẫn về trong nước hoặc gần nhất có thể.

Năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dành 50 tỷ USD cho sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn như một phần của gói kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD. Một dự luật được gọi là Đạo luật CHIPS cho Mỹ cũng đang được thúc đẩy nhằm mục đích thúc đẩy nghiên cứu và phát triển để đảm bảo chuỗi cung ứng.

Trong tháng này, Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, đã công bố Đạo luật chip châu Âu mới sẽ cho phép đầu tư thêm 15 tỷ euro (17,11 tỷ USD) vào công và tư cho đến năm 2030.

Xem thêm >> Volvo phải ngừng sản xuất xe tải do thiếu chất bán dẫn

Theo SIA, CNBC
Cùng chuyên mục
Tin khác