Đối mặt 'bất ổn cực kỳ cao’, Nhật Bản vẫn kiên trì với chính sách tiền tệ nới lỏng

Thuỷ Bình - 19/12/2023 14:56 (GMT+7)

(VNF) - Trong cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2023, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) đã nhất trí giữ lãi suất ở mức -0,1%, đồng thời tuân thủ chính sách đường cong lợi suất lấy giới hạn trên 1% đối với trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm.

VNF
Ông Kazuo Ueda, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản.

Theo đó, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo tại cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm nay do “những bất ổn cực kỳ cao” ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, đẩy mọi khả năng tăng lãi suất sang năm mới.

“Với những bất ổn cực kỳ cao xung quanh các nền kinh tế và thị trường tài chính trong và ngoài nước, Ngân hàng sẽ kiên nhẫn tiếp tục nới lỏng tiền tệ, đồng thời ứng phó nhanh chóng với những diễn biến trong hoạt động kinh tế và giá cả, cũng như các điều kiện tài chính”, BOJ tuyên bố sau cuộc họp chính sách ngày 19/12.

Đồng yên Nhật suy yếu sau quyết định của BOJ và đang giao dịch ở mức khoảng 143,5/USD trong phiên giao dịch trưa 19/12, trong khi chỉ số chứng khoán Nikkei 225 tăng 1%. 

Trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản đang chậm lại và lạm phát hạ nhiệt, hầu hết các nhà kinh tế đều kỳ vọng Thống đốc BOJ Kazuo Ueda sẽ chỉ thực hiện những thay đổi chính sách tiền tệ từ năm tới, khi những cuộc đàm phán về lương vào đầu năm sẽ cho thấy rõ ràng hơn về xu hướng tăng lương.

Trong cuộc gặp mặt báo chí ở Tokyo vào thứ Ba tuần sau (26/11), Thống đốc Ueda được kỳ vọng sẽ đưa ra hướng dẫn về con đường hành động trong tương lai của BOJ.

Trước đó, từ đầu tháng 12, những phát ngôn của Thống đốc BOJ đã làm dấy lên kỳ vọng về sự thay đổi trong chính sách tiền tệ, nhằm hỗ trợ đồng Yên. Tuy nhiên, BOJ vẫn tiếp tục thận trọng trong chính sách tiền tệ của mình, cảnh giác rằng bất kỳ động thái sớm nào cũng có thể gây nguy hiểm cho những cải thiện mới đạt được gần đây.

Triển vọng lạm phát

Cuối tuần vừa qua, ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng cho biết họ dự kiến ​​lạm phát lõi, tức lạm phát không bao gồm giá thực phẩm, sẽ ở mức trên 2% cho đến năm tài chính 2024. Mặc dù lạm phát lõi vượt quá mục tiêu 2% đã nêu trong 19 tháng liên tiếp, BOJ vẫn “tiếp tục kiên nhẫn” với chính sách tiền tệ siêu thích ứng.

BOJ tin rằng lạm phát hiện được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước, do đó mức tăng lương tương ứng sẽ là giải pháp vừa khuyến khích chi tiêu, vừa đưa lạm phát về gần mức mục tiêu.

Liên đoàn lao động ô của Nhật Bản, Rengo, cho biết hồi tháng 10 rằng họ sẽ yêu cầu tăng lương ít nhất 5% trong các cuộc đàm phán lương vào mùa xuân năm tới. Liên minh đã đạt được mức tăng lương lớn nhất trong 3 thập kỷ tại cuộc đàm phán vào tháng 3 năm nay.

Chính sách tiền tệ của BOJ rất phức tạp do cơ quan này sử dụng nhiều công cụ nới lỏng định lượng khác nhau để phục hồi nền kinh tế trong 3 thập kỷ qua.

Chính sách tiền tệ "lỏng lẻo" cũng khiến BOJ trở thành một ngoại lệ vào thời điểm mà các ngân hàng trung ương lớn khác đã tăng lãi suất để chống lại lạm phát cao. Sự khác biệt về chính sách này phần nào đã gây áp lực lên đồng yên Nhật và trái phiếu chính phủ.

Xem thêm >> BOJ điều chỉnh kiểm soát lợi suất trái phiếu, đồng Yên vẫn 'chìm sâu'

Theo CNBC
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.