Tiêu điểm

Đối mặt 'cơn gió ngược' trong 2023, những kịch bản tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng

(VNF) - VNDirect vừa hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 xuống 6,2% so với dự báo trước đó là 6,7%. Trong khi đó, Ciem cũng đưa ra kịch bản tăng trưởng thấp trong 2023 chỉ 6,47%.

Đối mặt 'cơn gió ngược' trong 2023, những kịch bản tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng

Chuyên gia đánh giá Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức từ môi trường lãi suất cao, lạm phát thế giới giảm nhưng vẫn ở mức cao, thanh khoản thắt chặt và gia tăng áp lực nợ xấu ở lĩnh vực bất động sản.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng vĩ mô năm 2023 vừa công bố, VnDirect hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 xuống còn 6,2% trong kịch bản cơ sở.

Theo đó, GDP của Việt Nam tăng trưởng chậm lại  xuống 6,2% (+/-0,3 điểm %) so với dự báo trước đó là 6,7%. Nguyên nhân từ tác động mạnh hơn dự kiến của suy giảm tăng trưởng toàn cầu đối với ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức từ môi trường lãi suất cao, lạm phát thế giới giảm nhưng vẫn ở mức cao, thanh khoản thắt chặt và gia tăng áp lực nợ xấu ở lĩnh vực bất động sản.

Về ba trụ cột chính của nền kinh tế, VnDirect hạ dự báo tăng trưởng ngành công nghiệp và xây dựng xuống 5,6% so với cùng kỳ từ mức dự báo tăng trưởng trước đó là 7,1% so với cùng kỳ do đơn đặt hàng cho hoạt động sản xuất giảm trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu suy yếu.

Trong khi đó, nâng dự báo tăng trưởng ngành dịch vụ lên 7,5% so với cùng kỳ từ mức dự báo trước đó là 7,3% so với cùng kỳ và nâng dự báo tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản lên mức 3,1% so với cùng kỳ từ mức dự báo trước đó là 2,9%. Điều chỉnh đối với ngành dịch vụ và nông nghiệp để phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ đang diễn ra và triển vọng tươi sáng hơn nhờ việc Trung Quốc mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến.

Nhìn chung, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm những quốc gia tăng trưởng hàng đầu trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2023.

Trong khi đó, cũng cách đây ít ngày, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng nền kinh tế năm 2023 sẽ chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố hơn so với các năm trước như khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể virus corona, các dịch bệnh mới; mức độ thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế chủ chốt nhằm xử lý áp lực lạm phát; xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài; khả năng đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới,...

Trong kịch bản 1, CIEM dự báo kinh tế năm nay có thể tăng trưởng 6,47%. Ở kịch bản 2, với điều kiện kinh tế thế giới lạc quan hơn, GDP Việt Nam sẽ tăng 6,83%, cao hơn mục tiêu của Chính phủ.  

Theo đó, Báo cáo triển vọng kinh tế năm 2023 của CIEM đưa ra 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2023: Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,47%. Xuất khẩu tăng 7,21% và thặng dư thương mại đạt 5,64 tỷ USD; lạm phát sẽ ở mức 4,08%; Kịch bản 2, CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 sẽ tích cực hơn lên mức 6,83%. Xuất khẩu tăng 8,43% và thặng dư thương mại đạt 8,15 tỷ USD. Tuy nhiên, lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức 3,69%.

Đồng tình với 2 kịch bản mà CIEM đưa ra nhưng TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam phân tích, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với những “cơn gió ngược” trong bối cảnh kinh tế quốc tế bất định, khôn lường, tiềm ẩn những rủi ro, thách thức... Do đó, mức tăng trưởng được đưa ra là khá cao so với điều kiện hiện nay của nền kinh tế. Bởi vậy, báo cáo cần nhấn mạnh thêm về nội lực của nền kinh tế để đạt mục tiêu đó và đồng thời hạn chế được những rủi ro, thách thức. Nhất là về đầu tư công, thị trường bán lẻ.

Trước đó, các tổ chức quốc tế lần lượt dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,2%. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo là 6,3%. Ngân hàng Standard Chartered (Anh) dự báo GDP Việt Nam tăng 7,2%. Ngân hàng HSBC (Anh) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,8%.

Tin mới lên