Dominic Scriven trải lòng về hai thập kỷ đầu tư tài chính ở Việt Nam

Trường Anh - 22/09/2016 18:32 (GMT+7)

Năm 2014, ông Dominic Scriven được Chính phủ trao tặng huân chương lao động hạng ba nhờ những đóng góp của ông và Dragon Capital vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam. Theo Financial Times, đây là một vinh dự "đặc biệt".

Ông Scriven thành lập một công ty quản lý tài sản ở Việt Nam vào năm 1994 và tiếp tục hoạt động cho đến ngày hôm nay.

Khi được hỏi về những đóng góp của ông vào công cuộc đổi mới của Việt Nam, vị Chủ tịch Dragon Capital - quỹ đầu tư 1,5 tỷ USD trụ sở tại TP.HCM - đã không ngần ngại chia sẻ rằng: "Chúng tôi cam kết lâu dài về những đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế Việt Nam".

Ông Dominic Scriven là nhà đầu tư tài chính người Anh, sang Hà Nội năm 1992. Lúc đầu, ông chỉ có ý định học tiếng Việt, nhưng nhận thấy Việt Nam là đất nước có lịch sử đặc biệt và có triển vọng phát triển kinh tế khi Chính phủ thực hiện cải cách đổi mới, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, nên năm 1993 khi học xong, thay vì về nước hoặc sang Hồng Kông như dự định, Dominic ở lại Việt Nam cho đến bây giờ.

Kể về quyết định đến Việt Nam, ông nói: "Tôi đã có chuyến đi tới Việt Nam cùng một số nhà quản lý quỹ khác. Chúng tôi lái xe từ Bắc vào Nam và khi chuyến đi kết thúc, tôi nghĩ tại sao tôi lại ở Hồng Kông trong khi có một đất nước thú vị đến thế này".

Ông làm việc cho một ngân hàng Hồng Kông có văn phòng ở Việt Nam. Ngay từ đầu, Dominic muốn lập một quỹ đầu tư, nhưng ngân hàng không tập trung nhiều vào đầu tư tài chính, nên ý tưởng của ông không được ủng hộ. Sau đó, năm 1994, Dominic cùng một số người bạn tách ra lập nên Dragon Capital, với mục đích huy động vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Sau hơn 20 năm và trải qua 3 cuộc khủng hoảng kinh tế, Dragon Capital đã trở thành quỹ đầu tư thâm niên và lớn nhất Việt Nam với giá trị tài sản ròng lên tới 1,5 tỷ USD.

Trả lời phỏng vấn Financial Times, Dominic Scriven nói: "Việt Nam là cuộc sống của tôi. Dragon là cuộc sống của tôi. Đó là tất cả cuộc sống của chúng tôi, vì vậy chúng tôi đang chờ ở đó, cùng xắn tay áo lên để làm việc".

Theo Financial Times, khi ông Scriven đến Việt Nam, đất nước vẫn đang chịu lệnh cấm vận thương mại từ Mỹ. Nhưng trải qua một cuộc cải tổ kinh tế mạnh mẽ, hiện Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực, sau khi phải chống chọi với những hậu quả trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Việt Nam đã mở cửa thị trường tài chính cho các nhà đầu tư nước ngoài và mới đây là kế hoạch cổ phần hóa hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước lớn. Năm 2015, chính phủ Việt Nam đã gỡ bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài tại một số doanh nghiệp để thu hút vốn đầu tư.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với những chỉ trích bởi khó khăn mà nhà đầu tư nước ngoài đang gặp phải cùng tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không diễn ra như dự kiến.

Từ lâu, Dragon Capital đã đầu tư vào những đợt cổ phần hóa lớn tại các công ty nhà nước, trong đó trường hợp điển hình là đầu tư vào Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Dragon Capital đã thực hiện giao dịch khi công ty này lần đầu kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư ngoài nhà nước.

Ông Dominic cho biết Dragon Capital đã giúp công ty có giá trị thị trường lớn nhất Đông Nam Á này tìm cách phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Vinamilk đã trở thành hình mẫu cho các công ty khác khi thực hiện cổ phần hóa.

Dragon Capital là một trong những nhà đầu tư đại chúng đầu tiên của Vinamilk từ hơn 10 năm trước, thời điểm giá trị của công ty đạt khoảng 100 triệu USD. Tới nay, khi nới room ngoại lên 100%, giá trị vốn hóa của Vinamilk đã đạt hơn 9 tỷ USD.

Mới đây, Dragon Capital đã tư vấn cho chính phủ về việc phát triển chương trình quỹ hưu trí mà thành quả mới nhất là nghị định mới cho hệ thống hưu trí tự nguyện. Dragon Capital hy vọng sẽ cho ra mắt quỹ hưu trí trong năm 2017 để tận dụng những thay đổi trên.

"Một số người tôi có xung đột lợi ích hay không khi vừa tư vấn lại vừa mở dịch vụ. Quan điểm của chúng tôi là sự liên kết lâu dài về lợi ích", ông nói.

Ông Scriven hiện đang chờ đợi để trở thành một công dân chính thức của Việt Nam và vẫn giữ quốc tịch Anh. Năm 2006, ông đã được chính phủ Anh trao tặng giải thưởng OBE với những đóng góp cho dịch vụ tài chính của Anh tại Việt Nam.

Mùa hè năm nay, ông Scriven đã quay trở về Anh để niêm yết quỹ đầu tư Vietnam Enterprise Investments (VEIL) trên sàn chứng khoán London. Trong vòng 5 năm qua, lợi nhuận của quỹ đạt gần 16%/năm nhưng giảm xuống 4% nếu tính trong vòng 10 năm qua. Điều này cho thấy những bất ổn mà các nhà đầu tư phải đối mặt khi đầu tư vào các thị trường mới nổi.

Theo ông Scriven, đầu tư vào Việt Nam thời điểm này đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết bởi tốc độ tăng trưởng 6,7%, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2007. "Đây là câu chuyện của một nền kinh tế đang phục hồi, nhưng cũng có một câu chuyện khác là cơ cấu trong dài hạn".

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.