Diễn đàn VNF

Đón đại bàng không đơn giản là dọn đất xây nhà máy

(VNF) - Tiềm năng và cơ hội phát triển của công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam là điều không còn phải bàn cãi. Song, để có thể thực sự đón đầu làn sóng bán dẫn, Việt Nam vẫn phải đương đầu với nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là về nhân lực.

Đón đại bàng không đơn giản là dọn đất xây nhà máy

Ảnh minh hoạ

Đất lành chim đậu

Trong chuyến thăm đến Việt Nam cuối năm 2023, ông Jensen Huang - Chủ tịch Nvidia đã thốt lên rằng: “Đây là cơ hội phi thường cho Việt Nam. Các bạn đã chuẩn bị tốt và đây là thời cơ của các bạn” khi nói đến cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nước ta.

Lời khẳng định của Chủ tịch Nvidia được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài quan tâm và bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam càng củng cố niềm tin về một xu thế mới của FDI đổ vào Việt Nam thời gian tới.

Quy mô thị trường bán dẫn toàn cầu được định giá 527,88 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến đạt 1.380,79 tỷ USD vào năm 2029 với tốc độ CARG 12,2% trong giai đoạn 2022 – 2029. Trong đó, Châu Á – Thái Bình Dương sẽ là khu vực thống trị thị trường bán dẫn toàn cầu khi chiếm thị phần hơn 54% vào năm 2022.

Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn là rất lớn. Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á, thị trường bán dẫn Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,12% trong giai đoạn 2022 – 2027. Tính đến năm 2024, ngành công nghiệp bán dẫn của nước ta được dự báo sẽ vượt mức 6,16 tỷ USD.

Không phải tự nhiên CEO của Nvidia khẳng định “đây là cơ hội phi thường” của Việt Nam. Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành điểm đến được nhiều “ông lớn” trong ngành bán dẫn toàn cầu lựa chọn. Sự hiện diện ngày càng sâu rộng của các công ty hàng đầu thế giới như Intel, Samsung, Foxconn, Amkor,… là minh chứng cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trên bản đồ bán dẫn toàn cầu.

Ông John Neuffer - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ, từng khẳng định: “Người Mỹ hiểu rằng chuỗi cung ứng bán dẫn cần có sự hợp tác quốc tế, trong đó có Việt Nam”.

Trước những cơ hội tỷ USD, Việt Nam đã nhanh chóng “trở mình” để đón đầu làn sóng bán dẫn. Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quốc gia về Công nghiệp bán dẫn và sẽ bắt đầu thực hiện trong năm 2024. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh việc Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực cũng như thu hút các “đại bàng” trong ngành bán dẫn sản xuất, nghiên cứu phát triển tại Việt Nam.

Trước đó, Việt Nam cũng đã triển khai nhiều chính sách ưu tiên phù hợp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn về thuế, đất đai… Việt Nam còn thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và ba khu công nghệ cao trên cả nước, sẵn sàng “dọn ổ” đón “đại bàng”.

Không chậm chân trong đào tạo nhân lực

Tuy nhiên, để có thể phát triển ngành công nghiệp bán dẫn theo hướng đột phá, mạnh mẽ và có vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong đoạn đường phía trước, nhất là khó khăn về nguồn nhân lực.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghiệp số của Việt Nam rơi vào khoảng 150.000 kỹ sư/năm, nhưng hiện mới đáp ứng được 40 - 50%. Riêng nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm, song số lượng nhân lực thực tế mới chỉ đáp ứng chưa đến 20%. Theo dự báo, lĩnh vực bán dẫn trong 5 năm tới cần khoảng 20.000 nhân lực và khoảng 50.000 kỹ sư từ trình độ đại học trở lên trong 10 năm tới.

Chia sẻ với VietnamFinance, PGS.TS. Nguyễn Văn Quy, Trưởng khoa Vật liệu điện tử và Linh kiện, trường Vật liệu (Đại học Bách Khoa) - một trong những đơn vị đào tạo nhân lực ngành bán dẫn hàng đầu nước ta, cho hay: “Để có thể đón được đại bàng, Việt Nam cần làm tốt hai nhiệm vụ về nhân lực và công nghệ, chứ không phải đơn thuần chỉ là dọn bãi đất trống cho họ đến đặt nhà máy”, ông khẳng định.

Theo ông Quy, Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế về nhân lực và cần phải tận dụng những lợi thế này để thu hút các doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài.

“Độ nhanh, độ nhạy, độ khéo và độ tư duy của người Việt Nam không hề kém cạnh, thậm chí còn nhỉnh hơn so với nhân lực của nhiều quốc gia khác”, ông nói.

Chi phí lao động ở Việt Nam cũng là một điểm cộng. Theo ông Quy “Nếu như ở Hàn Quốc, lương của một kỹ sư làm việc trong phòng R&D có thể đủ để chi trả cho 3 đến 5 kỹ sư ở Việt Nam với trình độ và tính năng đáp ứng công việc gần như tương đương nhau”.

“Chúng ta sở hữu nhiều kỹ sư ngành gần như vật lý, vật liệu bán dẫn, điện tử viễn thông,… có kiến thức cơ bản về bán dẫn. Bằng việc tham gia một số khóa đào tạo ngắn hạn về thiết kế (IC design) hay chế tạo chip, những kỹ sư này hoàn toàn có thể đáp ứng kịp thời được các tiêu chuẩn tuyển dụng của các công ty bán dẫn”, ông Quy khẳng định.

Thêm vào đó, bên cạnh các chương trình chuyển đổi cho những nhân lực ngành gần, hiện các cơ sở đào tạo cũng đã và đang triển khai các chương trình đào tạo chuẩn, chuyên sâu hơn về bán dẫn. Đơn cử như tại Đại học Bách Khoa trong năm vừa qua đã bắt đầu tuyển sinh cho các ngành đào tạo trực tiếp.

“Nói về chương trình đào tạo chuyên sâu về bán dẫn, Việt Nam có thể được xem là tiên phong, không chỉ không chậm mà còn đi trước Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác trong vấn đề này”, đại diện Khoa Vật liệu điện tử và linh kiện, trường vật liệu (Đại học Bách Khoa) cho hay.

Việc các công ty bán dẫn đã và đang mở rộng các phòng R&D tại Việt Nam cũng là tín hiệu đáng mừng. Theo ông Quy, nếu như một doanh nghiệp FDI đến Việt Nam chỉ thuê nhân công lắp ráp, lắp ghép thì nhân lực trong nước chỉ tiếp xúc với những giai đoạn đơn giản nhất. Chính vì thế, việc các DN mở rộng các phòng R&D để nghiên cứu, phát triển các công nghệ hiện đại sẽ tạo cơ hội cho nhân lực Việt Nam được làm việc và tiếp cận nhiều công nghệ mới, dần dần nắm được cốt lõi của các ngành công nghệ cao, trong đó có bán dẫn.

Tuy nhiên, ngoài những lợi thế kể trên, ông Quy cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức Việt Nam phải đối mặt trong quá trình đào tạo nhân lực ngành bán dẫn.

“Đặc thù của ngành bán dẫn là rất tốn kém. Chi phí đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn chắc chắn là con số không nhỏ. Những thứ cần thiết cho đào tạo nhân lực ngành bán dẫn như máy móc, vật liệu bán dẫn, phòng sạch,… đều có chi phí đắt đỏ, không phải đơn vị đào tạo nào cũng có đủ kinh phí để đáp ứng”, ông Quy nhận định.

Tiếp đến là sự thiếu hụt việc hợp tác với doanh nghiệp bán dẫn. Trên thực tế, hầu hết các cơ sở đào tạo ở Việt Nam mới chỉ đào tạo về tư duy, kiến thức liên quan bán dẫn là chủ yếu. Nếu có cũng chỉ được thực hành cũng chỉ ở phạm vi phòng thí nghiệm, chỉ có số ít cơ sở có liên kết với các doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài. Do đó, các đơn vị đào tạo cần đẩy mạnh hợp tác với các DN bán dẫn, tạo cơ hội cho nhân lực trong ngành được tiếp xúc nhiều hơn với các công nghệ thực tế, từ đó nâng cao năng lực và khả năng làm việc”.

Ngoài ra, vì phạm vi của ngành công nghệ bán dẫn là rất rộng nên Việt Nam cần xác định, lựa chọn các phân khúc phù hợp.

Theo ông Quy, “Việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn không hề dễ dàng và rất tốn kém, vậy nên cần xác định rõ phân khúc nào là phù hợp, ai là người làm phân khúc đơn giản, ai là người làm phân khúc phức tạp. Điều này sẽ giúp nhân lực trong nước đáp ứng được các yêu cầu đa dạng của doanh nghiệp nước ngoài. Thay vì tất cả đều dồn sức vào đào tạo chuyên sâu, vừa gây lãng phí, tốn kém lại vừa dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực chỗ này thừa nhân lực chỗ kia”.

“Ngành bán dẫn luôn là cái cốt lõi cho những ngành khác phát triển và nó sẽ tồn tại mãi mãi. Khoa học công nghệ không bao giờ có giới hạn, chỉ có đi lên. Chúng ta không nên ngồi lo lắng rằng Việt Nam chậm chân trong việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn, thay vào đó, điều cần làm ở đây là cần tập trung vào những nhiệm vụ then chốt. Nếu nắm bắt được cơ hội hiện có, phát triển được nguồn lực tốt hơn cũng như công nghệ mới và hiện đại hơn, Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua nhiều đối thủ khác trong cuộc đua bán dẫn”, PGS - TS. Nguyễn Văn Quy nhấn mạnh.

Những thách thức từ làn sóng FDI Trung Quốc

(VNF) - Dấu ấn của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam ngày càng rõ nét, được thể hiện qua dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng tăng. Tuy vậy, đằng sau đó là những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước. Liên quan vấn đề này, Đầu tư Tài chính - VietnamFinance đã trao đổi với ông Ngô Nghị Cương, chuyên gia tư vấn đầu tư nước ngoài, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư C+.
Tin mới lên