Tiêu điểm

Đơn hàng mới có trong ngắn hạn, nửa cuối năm còn nhiều 'chật vật'

(VNF) - Các chuyên gia nhận định, nền kinh tế còn đang khá “chật vật”, tình hình đầu năm khá chậm nên còn nhiều việc phải làm trong nửa cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Đơn hàng mới có trong ngắn hạn, nửa cuối năm còn nhiều 'chật vật'

Nền kinh tế đang chật vật trước khó khăn: Mục tiêu GDP 6.0-6.5% khó khả thi?

Kinh tế Việt Nam chật vật, kinh tế toàn cầu chậm lại…

Theo GS.TS Nguyễn Đức Khương - Giám đốc AVSE Global, Việt Nam hiện là một trong những điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng biến động, cạnh tranh địa chính trị ngày một gay gắt, các quốc gia trong đó có Việt Nam đều đặt câu hỏi về việc đối mặt với các thách thức và tận dụng các cơ hội ra sao.

Kinh tế Việt Nam chật vật, kinh tế toàn cầu chậm lại…

Cụ thể, GS.TS Nguyễn Đức Khương cho rằng, dù năm 2024 Việt Nam vẫn được các tổ chức quốc tế dự báo ở mức cao trong khu vực (5 - 6%) song nhiều chỉ báo vĩ mô cho thấy nền kinh tế đang khá “chật vật” với những khó khăn.

Trong khi đó, bà Tamara Henderson, chuyên gia kinh tế cao cấp Bloomberg Economics  nhận định Việt Nam sẽ đối diện nhiều thách thức để đạt mục tiêu GDP tăng 6 - 6,5%, khi nhu cầu và kinh tế toàn cầu đang chậm lại.

"Tôi cho rằng 5 - 5,5% sẽ là mức trong tầm tay cho kinh tế Việt Nam", bà Tamara Henderson đánh giá.

Chuyên gia này phân tích, nhu cầu nội địa Việt Nam dần phục hồi tích cực, nhưng thị trường bất động sản cần nhiều thời gian hơn để phục hồi. Chưa kể, nền kinh tế mở, phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, nên Việt Nam gặp bất lợi khi cầu thế giới vẫn yếu, xung đột địa chính trị khó lường.

TS Jonathan Pincus - Kinh tế gia quốc tế cao cấp Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), nói tình hình đầu năm khá chậm nên còn nhiều việc phải làm trong nửa cuối năm để đạt mục tiêu.

"Con số 6% rất nhiều thách thức và phụ thuộc vào điều kiện bên ngoài", ông Jonathan Pincus nhận định.

Doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt các cơ hội

Dù nền kinh tế còn chật vật, nhưng theo đánh giá, vẫn có những cơ hội để đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất.

Môt tín hiệu tích cực là Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam hai tháng đầu năm trên mốc 50, tức sản xuất mở rộng nhưng vẫn khá yếu.

Vì thế, theo ông Jonathan Pincus: "Năm nay PMI  có thể đi ngang, tăng trưởng sản xuất khó phát triển trong ngắn hạn", ông nói thêm.

Với thực tế sản xuất của DN cho thấy, đơn hàng có trở lại, nhiều ngành hàng có hợp đồng xuất khẩu đến hết quý II. Song, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) nhận xét, đơn hàng mới có trong ngắn hạn.

"Tình hình nửa cuối năm ra sao, thì doanh nghiệp phải tiếp tục vận động, tìm kiếm khách hàng", bà Thuỷ nói.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam hai tháng đầu năm trên mốc 50, tức sản xuất mở rộng nhưng vẫn khá yếu,

Phía doanh nghiệp cũng có cái nhìn tích cực trong bối cảnh khó khăn còn nhiều. Tasco Auto - cổ đông chi phối của hệ thống phân phối Savico với 86 đại lý toàn quốc của 14 thương hiệu lớn gần đây vẫn mở rộng hệ thống và đưa thêm thương hiệu mới về Viêt Nam

Tổng giám đốc Tasco Auto - Trần Thị Hồng Bích chia sẻ, đã nhìn thấy triển vọng thị trường ôtô ở nửa cuối năm nay, khi tăng trưởng, đầu tư công được thúc đẩy, lãi suất vay mua xe về mức thấp và một số chính sách thuế, phí và thủ tục đăng kiểm được đơn giản hóa.

"Về trung hạn, thị trường có tiềm năng tốt và đang phát triển mạnh mẽ", Tổng giám đốc Tasco Auto nói thêm.

Để Việt Nam vượt qua các cơn gió ngược, TS Jonathan Pincus khuyến nghị lĩnh vực tài chính cần cải thiện theo hướng minh bạch, phát triển thêm thị trường thứ cấp - mảnh ghép còn thiếu, để thu hút vốn nước ngoài.

Cùng với đó, Việt Nam cũng cần lưu tâm đến các thách thức dài hạn, như tỷ lệ sinh giảm, biến đổi khí hậu. "Đây là lúc chính phủ cần nhanh chóng cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ lao động, quản trị, và giảm thiếu hụt về dữ liệu", bà Tamara khuyến nghị.

Về phần mình, bà Phạm Thị Ngọc Thủy lưu ý sức ép đến từ đổi mới công nghệ, chuyển đổi xanh, bền vững, đòi hỏi doanh nghiệp chủ động tiềm hiểu và nắm bắt.

Tin mới lên