Tiêu điểm

'Đóng bảo hiểm xã hội hiện quá cao': 13 hiệp hội muốn về mức 14 năm trước

(VNF) - Đại diện nhiều hiệp hội cho rằng tỷ lệ đóng bảo hiểm bắt buộc tại Việt Nam là quá cao so với các nước khác nhưng chế độ hưởng lại có một số điểm bất hợp lý. Tỷ lệ đóng được đề xuất giảm 8% so với quy định hiện hành.

'Đóng bảo hiểm xã hội hiện quá cao': 13 hiệp hội muốn về mức 14 năm trước

13 hiệp hội trên gồm: Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP), Hiệp hội Sữa (VDA), Hiệp hội Da giày - Túi xách (LEFASO), Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát (VBA), Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hiệp hội các Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham), Hiệp hội Gỗ và lâm sản (VFA), Hiệp hội Chè (VITAS), Hiệp hội Nhựa (VPAS), Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP HCM.

Góp ý về dự thảo Luật BHXH, 13 Hiệp hội đánh giá, dự thảo quy định tỷ lệ đóng bảo hiểm bắt buộc (BHXH) gồm BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với người lao động và người sử dụng lao động có hợp đồng lao động vẫn giữ như Luật BHXH 2014, nghĩa là người lao động đóng 10,5% (8% BHXH, 1,5% BHYT và 1% BHTN) và người sử dụng lao động đóng 21,5% (17,5 BHXH, 3% BHYT 2 và 1% BHTN). 

Như vậy, "tỷ lệ đóng của cả người lao động và người sử dụng lao động là 32%. Chúng tôi đều nhận thấy tỷ lệ đóng BHXH này là rất cao", 13 hiệp hội trên nêu quan điểm.

Nguyên nhân, theo các doanh nghiệp là do tổng mức đóng vào quỹ BHXH của cả người lao động và người sử dụng lao động dựa trên tỷ lệ đóng (từ 23% năm 2007, 25% năm 2009 do đóng thêm 1% BHTN của người lao động và người sử dụng lao động , tăng lên 32% từ năm 2017 đến nay) và mức lương tối thiểu vùng (tăng hàng năm từ năm 2007 đến năm 2022, trừ năm 2021 không tăng do Covid-19) thì mức đóng năm 2022 đã cao hơn gần 10 lần so với năm 2007.

So với khu vực và thế giới, tỷ lệ đóng BHXH của người sử dụng lao động ở Việt Nam đang cao hơn rất nhiều nước, cụ thể Malaysia đóng 16,5%, Ấn Độ 15,25%, Indonesia 10,26%, Campuchia 6,1%, Thái Lan 5%, Myanmar 2%, Bangladesh 0%....; hầu hết các nước này đều đóng BHXH trên nền đóng giống Việt Nam.

Và tại Thái Lan, "nguồn quỹ BHXH không chỉ từ người lao động và người sử dụng lao động mà Chính phủ cũng đóng góp thêm", các doanh nghiệp cho biết. 

Vì vậy, 13 hiệp hội trên đề nghị đưa tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc của người lao động và người sử dụng lao động về mức đóng của năm 2009, tức là người lao động đóng 5% và người sử dụng lao động đóng 15%, tổng cộng 20%, chứ không phải 25,5% hiện nay (người sử dụng lao động đóng 17,5%, trong đó 3% quỹ ốm đau thai sản, 14% quỹ hưu trí và tử tuất và 0,5% bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và người lao động đóng 8%).

Đối với tỷ lệ đóng bảo hiểm tự nguyện, hiện Quỹ Bảo hiểm Tự nguyện đã kết dư quá nhiều. Trong khi mục đích của quỹ Bảo hiểm tự nguyện nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, và khi quỹ đã kết dư quá nhiều thì cần giảm mức đóng để điều chỉnh quỹ về mức cân bằng. "Chúng tôi xin đề xuất giảm tỷ lệ đóng vào quỹ BHTN của NLĐ còn 0,5% và của người sử dụng lao động còn 0,5% và có lộ trình giảm tiếp cho phù hợp với điều kiện thực tế", các doanh nghiệp nêu.

Cũng theo đề xuất của các doanh nghiệp, đối với tỷ lệ đóng vào quỹ BHYT, người lao động đóng 1% và người sử dụng lao động đóng 2%. Như vậy, tỷ lệ đóng của người lao động sẽ là 6,5% gồm 5% BHXH, 1% BHYT và 0,5% BHTN (giảm 4% so với hiện nay). Tỷ lệ đóng của người sử dụng lao động là 17,5% gồm 15% BHXH, 2% BHYT và 0,5% BHTN (giảm 4% so với hiện nay).

Tin mới lên