Dòng tiền lớn vẫn đổ về ngân hàng, lãi suất huy động sẽ ra sao?

Khánh Tú - 05/11/2024 15:00 (GMT+7)

(VNF) - Trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục neo ở mức thấp, lượng tiền gửi vào các ngân hàng trong hệ thống vẫn tăng trưởng ấn tượng, đạt hơn 10,775 triệu tỷ đồng tính đến hết quý III/2024, tăng 7,2% so với hồi đầu năm.

Lượng tiền lớn đổ vào hệ thống ngân hàng

Theo báo cáo tài chính của 29 ngân hàng trong nước (gồm 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán và PVComBank, BaoVietBank), tổng tiền gửi của các ngân hàng đạt hơn 10,775 triệu tỷ đồng tính đến hết quý III/2024, tăng 7,2% so với hồi đầu năm.

Trong đó, danh sách 10 ngân hàng dẫn đầu về lượng tiền gửi trong 9 tháng năm 2024 vẫn giữ nguyên so với quý II/2024.

Xét về quy mô, nhóm ngân hàng quốc doanh (trừ Agribank chưa công bố báo cáo tài chính), BIDV, VietinBank và Vietcombank đều chứng kiến mức tăng trưởng cao về tiền gửi. BIDV tiếp tục dẫn đầu nhóm Big4 và toàn ngành khi ghi nhận 1,87 triệu tỷ đồng số dư tiền gửi tính đến cuối quý III/2024, tăng gần 10% so với đầu năm.

Tiếp đến là VietinBank với số dư tiền gửi đạt 1,43 triệu tỷ đồng, tăng 7,5% so với đầu năm và Vietcombank với 1,43 triệu tỷ đồng, tăng 2,46% so với đầu năm 2024. Tính chung, số dư tiền gửi của khách hàng tại 3 ngân hàng quốc doanh trong 9 tháng năm 2024 đạt hơn 4,8 triệu tỷ đồng.

Ở nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, MB đang là ngân hàng dẫn đầu với 627.567 tỷ đồng, tăng 10,5% so với đầu năm. Theo sau là Sacombank với 566.724 tỷ đồng, tăng gần 11% so với đầu năm.

Những vị trí tiếp theo lần lượt là ACB với 512.123 tỷ đồng (tăng 6,1%), Techcombank với 494.954 tỷ đồng (tăng 8,8%), VPBank với 475.782 tỷ đồng (tăng 7,5%), SHB với 471.799 tỷ đồng (tăng 5,4%) và HDBank với 397.018 tỷ (tăng 7,08%) so với đầu năm.

Trong 9 tháng năm 2024, chỉ có 3 ngân hàng ghi nhận mức giảm về tiền gửi, bao gồm PVcomBank giảm 2%, ABBank giảm 8,9% và Saigonbank giảm 0,5% so với đầu năm 2024.

Xét về tốc độ tăng trưởng tiền gửi, NCB là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất, lên tới 17,57% trong 9 tháng năm 2024. Ngoài ra, LPBank, MSB, Sacombank và MB cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng dẫn đầu ngành, lần lượt là 14,28%, 12,18%, 10,96% và 10,58%.

Lãi suất huy động có tăng trở lại?

Có thể thấy rằng lượng tiền chảy vào hệ thống ngân hàng vẫn ở mức cao dù lãi suất huy động liên tục duy trì ở mức thấp trong nhiều tháng qua.

Theo thống kê của KBSV Research, tính đến cuối tháng 9/2024, lãi suất huy động của các ngân hàng hiện vẫn đang ở mức thấp và có sự phân hóa rõ ràng ở các nhóm ngân hàng.

Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm tăng thêm 0,2% ở các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ, 0,1% đối với các ngân hàng thương mại quy mô lớn (gồm Techcombank, MB, ACB, VPBank) so với cuối quý II/2024. Trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn duy trì lãi suất huy động đi ngang ở mức 4.68% từ tháng 4 đến nay.

Nhận định về đà tăng của lãi suất trong những tháng cuối năm 2024, các chuyên gia KBVS dự đoán sẽ tăng nhẹ 0,1 – 0,3% khi các ngân hàng sẽ đẩy mạnh huy động hơn để đáp ứng nhu cầu tín dụng thường tăng tốc vào quý IV.

Tuy nhiên, nhìn chung, lãi suất huy động vẫn sẽ duy trì ở mặt bằng thấp từ nay đến cuối năm. Một trong những lý do là yếu tố tỷ giá đã bớt rủi ro hơn, qua đó NHNN không cần phải áp dụng các chính sách tiền tệ quyết liệt để bảo vệ đồng nội tệ như giai đoạn quý II, đầu quý III/2024.

Các chuyên gia cho rằng khả năng cao ngân hàng quốc doanh sẽ có đợt điều chỉnh tăng lãi suất huy động vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.

“Các ngân hàng quốc doanh chưa có đợt điều chỉnh tăng lãi suất nào từ đầu năm đến nay nhờ nguồn tiền gửi Kho bạc Nhà nước (tăng mạnh trong quý 2/2024) đã giúp hỗ trợ thanh khoản.

Tuy nhiên, hiện tại tỷ lệ LDR của BIDV hay VietinBank đã gần ngưỡng 85%, và theo quy định mới TT26/2022 kể từ ngày 1/1/2025, 80% tiền gửi Kho bạc Nhà nước sẽ không được bao gồm trong phần tiền gửi để tính LDR (quy định cũ là 60%). Từ đó, các NHTM vốn nhà nước có thể sẽ điều chỉnh tăng huy động khách hàng cuối năm nay hoặc đầu năm 2025 để duy trì tỷ lệ LDR theo đúng quy định”, chuyên gia KBSV Research nhận định.

Đối với nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, với kỳ vọng lãi suất liên ngân hàng được tái định ở mặt bằng thấp hơn (giảm thêm 0,5 -1%), các chuyên gia cho rằng các ngân hàng tư nhân tái gia tăng tỷ trọng huy động từ thị trường 2, từ đó áp lực huy động từ thị trường 1 được giảm bớt. Dự kiến, lãi suất huy động của nhóm ngân hàng này sẽ tăng thêm 0,1 – 0,3% trong quý IV, trong đó, ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ sẽ có mức tăng lớn hơn.

Cùng chuyên mục
Tin khác