Dòng vốn xanh: Ấm dần lên nhưng vẫn chưa đủ nhiệt

Thái Hà - Thứ bảy, 07/12/2024 07:00 (GMT+7)

(VNF) - Dù thị trường vốn xanh đang có dấu hiệu ấm lên nhưng chừng đó vẫn là chưa đủ so với nhu cầu thực tế. Để “tăng nhiệt”, không chỉ cần cải cách chính sách, mà còn phải thay đổi tư duy, hành động của các tổ chức và doanh nghiệp.

Thị trường vốn xanh “ấm” dần: Liệu đã đủ “nhiệt”?

Ngày 13/11/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ đại chúng cho Quỹ đầu tư cổ phiếu ESG Eastspring Investments Việt Nam (EVESG) do Công ty TNHH Quản lý quỹ Eastspring Investments quản lý, đánh dấu sự ra đời của quỹ đầu tư xanh mới trên thị trường chứng khoán.

Với sự xuất hiện của EVESG, Quỹ đầu tư cổ phiếu United ESG Việt Nam (UVEEF) đã không còn “đơn độc” trong hành trình thúc đẩy dòng vốn đầu tư bền vững. Ra mắt tháng 11/2022, UVEEF do Công ty Cổ phần Quản lý quỹ UOB Asset Management Việt Nam (UOBAM) quản lý, là quỹ mở đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam áp dụng đánh giá chuẩn mực ESG song song với các tiêu chuẩn thông thường để lựa chọn cổ phiếu. Theo cập nhật mới nhất, giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ hiện đạt khoảng 437 tỷ đồng, tăng 36,95% so với thời điểm thành lập.

Tăng trưởng NAV cuẩ quỹ UVEEF

Như vậy, phải mất tới 2 năm sau sự xuất hiện của UVEEF, thị trường chứng khoán mới có thêm một quỹ đầu tư “thuần” ESG. Đây là một tín hiệu đáng mừng nhưng cũng vô tình phản chiếu một thực tế rằng thị trường cổ phiếu xanh vẫn còn đó những khoảng trống cần được lấp đầy.

Thực tế, từ năm 2017, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã giới thiệu Chỉ số Phát triển Bền vững Việt Nam (VNSI) với kỳ vọng tạo ra động lực phát triển thị trường vốn xanh thông qua việc lựa chọn 20 doanh nghiệp có thực hành ESG xuất sắc. Thế nhưng, 7 năm trôi qua, vẫn chưa có quỹ ETF nào lựa chọn chỉ số này làm tham chiếu.

Trong khi đó, báo cáo của Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV chỉ ra rằng đa phần công ty niêm yết Việt Nam vẫn chưa có sự chủ động trong việc đưa ESG vào định hướng kinh doanh và quản trị doanh nghiệp mà chủ yếu chỉ thực hiện để đáp ứng yêu cầu pháp lý. Chỉ có 8% doanh nghiệp niêm yết công bố các mục tiêu giảm phát thải và 35% thực hiện các cam kết và kế hoạch ESG. “Nguồn hàng” cho các quỹ đầu tư, vì thế, vẫn còn hạn chế.

Trên thị trường trái phiếu, dòng vốn xanh đang dần trở nên sôi động hơn. Báo cáo Thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới nhất của FiinRatings ghi nhận, tính từ đầu năm đến ngày 20/11, đã có 4 lô trái phiếu xanh được phát hành theo nguyên tắc xanh của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) với tổng giá trị 6.875 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% tổng giá trị phát hành trong kỳ.

FiinRatings đánh giá thị trường trái phiếu xanh đang sôi động trở lại

Gần nhất, ngày 14/11/2024, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) đã phát hành thành công lô trái phiếu xanh trị giá 2.000 tỷ đồng với lãi suất 4,9%/năm, kỳ hạn 2 năm, nhằm tài trợ cho các dự án thuộc 7 lĩnh vực gồm năng lượng tái tạo, giao thông bền vững, quản lý nước, công trình xanh, quản lý chất thải, nông – lâm – thủy sản bền vững và năng lượng hiệu quả. Đây là thương vụ phát hành trái phiếu xanh đầu tiên của nhà băng số một Việt Nam.

Một thương vụ đáng chú ý khác được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc gia I.D.I (HoSE: IDI). Ngày 31/10/2024, “ông lớn” thuỷ sản này đã huy động thành 1.000 tỷ đồng, trở thành doanh nghiệp phi tài chính đầu tiên phát hành trái phiếu xanh.

Đáng chú ý, cả hai đều theo tiêu chuẩn trái phiếu xanh quốc tế và được phát hành tại thị trường trong nước. Đây được xem là tín hiệu tích cực đối với thị trường trái phiếu xanh Việt Nam. Cần biết, kể từ năm 2016 đến đầu năm nay, chỉ có hai lô trái phiếu doanh nghiệp xanh theo chuẩn quốc tế được phát hành trên thị trường nội địa.

Cũng theo báo cáo của của FiinRatings, giai đoạn 2016-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,1 tỷ USD (khoảng gần 27.000 tỷ đồng) trái phiếu xanh. Tuy nhiên, trái phiếu do tổ chức phi ngân hàng phát hành có số dư khiêm tốn khi chỉ chiếm 1,8% tổng giá trị thị trường, thấp hơn đáng kể so với mức 5% - 7% của các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Philippines.

Theo các chuyên gia, mặc dù đã có những bước đi mang tính đột phá, nhưng thị trường trái phiếu xanh Việt Nam vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng của nó. Số lượng đợt phát hành còn nhỏ giọt, quy mô khiêm tốn và chủ yếu dựa vào các tổ chức phát hành lớn, trong khi các doanh nghiệp nhỏ hơn vẫn dè dặt vì nhiều rào cản pháp lý và chi phí liên quan.

Trên kênh tín dụng, tính đến hết tháng 9/2024, đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665.000 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2023. Tín dụng xanh chủ yếu tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (trên 30%) cho thấy sự quan tâm ngày càng cao của các ngân hàng đối với các lĩnh vực thân thiện với môi trường.

Theo thống kê, trong vòng 5 năm qua, tín dụng xanh tại Việt Nam đã tăng trưởng 21%, vượt xa tốc độ tăng trưởng tín dụng chung là 15%. Đây là dấu hiệu khích lệ cho thấy yếu tố bền vững đang dần trở thành trọng tâm trong thị trường vốn nợ. Tuy nhiên, bất chấp mức tăng trưởng mạnh mẽ này, tín dụng xanh hiện chỉ chiếm dưới 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, còn cách khá xa mục tiêu 10% vào cuối năm 2025. Mặt khác, con số này vẫn còn quá khiêm tốn, nhất là khi đặt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng.

World Bank ước tính để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050 như đã cam kết tại các Hội nghị COP 26, 27 và 28, Việt Nam cần huy động khoảng 368 - 380 tỷ USD (tương đương 6,8% GDP mỗi năm) từ nay cho đến năm 2040. Theo đó, thị trường vốn xanh, dù đã dần ấm lên nhưng theo các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng vẫn còn chậm so với yêu cầu cấp thiết của thực tiễn.

Vướng ở đâu, gỡ thế nào?

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiêm giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, dòng vốn xanh chưa thể chảy mạnh trên thị trường vốn do nhiều nguyên nhân.

Trước hết, thị trường vẫn chưa có các sản phẩm tín dụng xanh, chứng khoán xanh đặc thù/cụ thể. Thứ hai, khung pháp lý và các chính sách liên quan đến tài chính xanh chưa đầy đủ và đồng bộ, đặc biệt là các quy định về phân loại xanh và các tiêu chí xác nhận các dự án đủ điều kiện nhận tín dụng xanh hoặc phát hành trái phiếu xanh. Thứ ba, việc thẩm định và đánh giá các yếu tố môi trường, xã hội cũng gặp nhiều khó khăn, bởi đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn hạn chế về số lượng và năng lực. Thứ tư là thiếu các cơ chế phối hợp hiệu quả cùng với các ưu đãi tài chính như thuế, phí, hạn mức tín dụng hay lãi suất cho các hoạt động tài chính xanh. Thứ năm, các dự án xanh thường có thời gian thu hồi vốn dài, có thể lên đến 20 năm, và đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, trong khi các tổ chức tín dụng chủ yếu huy động vốn ngắn và trung hạn, gây khó khăn cho việc cung cấp vốn cho các dự án này. Thứ sáu, nhận thức của thị trường đối với các yếu tố ESG cũng như tài chính xanh và bền vững vẫn còn thấp và chưa đồng đều. Cuối cùng, nhiều công ty niêm yết chưa tích cực đưa ESG vào chiến lược phát triển kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, việc phát hành cổ phiếu xanh gần như chưa xuất hiện, trong khi báo cáo về phát triển bền vững của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.

Tuy nhiên, thị trường vốn xanh cũng đứng trước nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ, bởi lẽ xu hướng chuyển sang phát triển bền vững là một yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược trong bối cảnh toàn cầu. Trong khi đó, hành lang pháp lý cho các sản phẩm tài chính xanh như tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu xanh và quỹ đầu tư xanh tại Việt Nam đang dần được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và tổ chức tài chính tham gia. Mặt khác, chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đang đặt ra nhu cầu lớn về vốn cũng được xem là động lực quan trọng cho sự phát triển của các công cụ tài chính xanh như tín dụng và chứng khoán xanh. Cùng với đó là cam kết của Việt Nam tại COP26 yêu cầu đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực then chốt như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, nông nghiệp xanh và vận tải carbon thấp. Cuối cùng, nguồn vốn quốc tế dành cho tăng trưởng xanh đã sẵn sàng và đang chờ đợi để được huy động, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Do đó, để đẩy nhanh tốc độ phát triển của thị trường vốn xanh, theo TS Cấn Văn Lực, cần có sự cố gắng từ phía Chính phủ và doanh nghiệp. Về phía Chính phủ, ông Lực cho rằng, trước hết, cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp đó là sớm ban hành danh mục “phân loại xanh” (danh mục xanh/Green Taxonomy), trong đó xác định lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên và tổ chức thẩm định/xác nhận đủ tiêu chuẩn xanh; đồng thời có cơ chế, tiêu chí, phương thức đo lường/kiểm kê mức độ phát thải khí nhà kính của các lĩnh vực, ngành nghề, đối tượng khác nhau để có định hướng chính sách điều tiết phù hợp…

Kế đến là ban hành chính sách định hướng thay đổi hành vi (nhất là tiêu dùng, sinh hoạt..); đầu tư cơ cơ sở hạ tầng “xanh” (năng lượng tái tạo, công nghệ khai khoáng….); khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo (xe điện, xe tiết kiệm năng lượng). Cùng với đó là nghiên cứu hỗ trợ tài chính (thuế, phí, lãi suất, gồm cả chi phí xác nhận xanh nếu có…) cho các sản phẩm, dịch vụ “xanh”; nghiên cứu thành lập “Quỹ chuyển đổi xanh”, “Quỹ đầu tư mạo hiểm xanh”, “Quỹ tăng trưởng xanh”; thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư “xanh”.

TS Cấn Văn Lực cũng đề xuất xây dựng hệ sinh thái tài chính xanh – mô hình 5Is: (i) Công cụ thị trường vốn (Instruments); (ii) Nền tảng nhà đầu tư (Investors); (iii) Hệ sinh thái các tổ chức phát hành (Issuers); (iv) Văn hóa quản trị nội bộ đối với rủi ro môi trường trong tổ chức (Internal governance culture); và (v) Hạ tầng thông tin (Information).

Bên cạnh đó là thành lập thị trường tín chỉ carbon; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc ban hành tiêu chí, chuẩn mực và huy động nguồn lực; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tham gia quá trình xanh hóa (bao gồm cả cơ quan quản lý, nhà đầu tư, ngân hàng, nhà trường…); tăng cường giáo dục tài chính. Cuối cùng là xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu phục vụ dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro môi trường, biến đổi khí hậu.

Về phía doanh nghiệp, theo TS Cấn Văn Lực, doanh nghiệp cần làm 3 việc. Thứ nhất, doanh nghiệp phải tự xây dựng cho mình tiêu chí xanh cho sản phẩm, dịch vụ, lĩnh vực kinh doanh của chính mình. Thứ hai, doanh nghiệp phải tự nghiên cứu làm thế nào để đo lường được mức độ phát thải trong bản thân doanh nghiệp trên cơ sở bộ tiêu chí của Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng như Bộ Tài chính, từ đó đưa doanh nghiệp tham gia vào thị trường tín chỉ carbon. Cuối cùng, doanh nghiệp phải chủ động và tiên phong trong văn hóa kinh doanh xanh.

Thị trường vốn cần “đòn bẩy” từ quỹ bảo hiểm, hưu trí

Thị trường vốn cần “đòn bẩy” từ quỹ bảo hiểm, hưu trí

Tài chính tiêu dùng  - 7h
(VNF) - Để nâng tầm thị trường vốn Việt Nam, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa việc phát triển mô hình Quỹ hưu trí tự nguyện, đồng thời thúc đẩy người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ, vừa đảm bảo an sinh xã hội vừa gia tăng khả năng huy động vốn một cách bền vững.
Bộ trưởng Tài chính: 'Tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn xanh'

Bộ trưởng Tài chính: 'Tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn xanh'

(VNF) - Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Hội nghị xúc tiến đầu tư “Việt Nam của tôi - Điểm đến đầu tư của bạn” tổ chức tại thủ đô Singapore ngày 6/8.

Dòng vốn xanh ngược chiều, gần 10 tỷ USD đầu tư FDI đổ vào Việt Nam

Dòng vốn xanh ngược chiều, gần 10 tỷ USD đầu tư FDI đổ vào Việt Nam

(VNF) - Báo cáo thường niên FDI năm 2023 do Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) công bố cho thấy vốn FDI đổ vào lĩnh vực tăng trưởng xanh tại các nước đang phát triển tăng tới 37% so với năm 2022. Tại Việt Nam, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các ngành liên quan đến tăng trưởng xanh.

Luồng vốn xanh đang chờ ở biên giới Việt Nam: 'Chưa bao giờ nhiều đến thế'

Luồng vốn xanh đang chờ ở biên giới Việt Nam: 'Chưa bao giờ nhiều đến thế'

(VNF) - Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, chưa bao giờ dòng vốn xanh lại “chờ” ở biên giới Việt Nam nhiều đến thế và nếu doanh nghiệp Việt không thể đáp ứng thì sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

Ý kiến ( )
Tài chính xanh: Việt Nam 'đi trước về sau'

Tài chính xanh: Việt Nam 'đi trước về sau'

(VNF) - “Sau khi tổng kết giai đoạn 2010 – 2020 về thực hiện chiến lược xanh quốc gia, về cơ bản, Việt Nam mới chỉ làm được 1/4 kế hoạch đề ra. Những gì chúng ta đã làm được chủ yếu chỉ là xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách, còn phần thực thi thì hầu như không có gì”, PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho biết.

Phó Thống đốc NHNN: Dư nợ tín dụng xanh đã đạt hơn 636.000 tỷ đồng

Phó Thống đốc NHNN: Dư nợ tín dụng xanh đã đạt hơn 636.000 tỷ đồng

(VNF) - Theo thông tin từ Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, tính đến ngày 31/3/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với giá trị 636.964 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

'Thúc đẩy tài chính xanh là ưu tiên dài hạn của UBCKNN'

'Thúc đẩy tài chính xanh là ưu tiên dài hạn của UBCKNN'

(VNF) - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương khẳng định việc thúc đẩy tài chính xanh và tài chính bền vững là ưu tiên dài hạn của UBCKNN. Trong đó, phát triển thị trường vốn xanh là một trong những mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.

Tìm nguồn tài chính xanh: Doanh nghiệp vướng từ khâu chuẩn bị

Tìm nguồn tài chính xanh: Doanh nghiệp vướng từ khâu chuẩn bị

(VNF) - Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi để đủ điều kiện huy động vốn xanh. Tuy nhiên, trong quá trình này, DN phải đối mặt với không ít khó khăn, thậm chí là ngay từ khi khâu chuẩn bị.

Thị trường trái phiếu xanh Việt Nam: Sẽ sớm thoát cảnh 'chợ chiều'?

Thị trường trái phiếu xanh Việt Nam: Sẽ sớm thoát cảnh 'chợ chiều'?

(VNF) - Với sự gia tăng nhận thức về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, ngày càng có nhiều doanh nghiệp và tổ chức tài chính bắt đầu chú trọng đến việc phát hành trái phiếu xanh như một phương tiện để tài trợ cho các dự án có lợi cho môi trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự phát triển của kênh huy động vốn này tại thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Tham vọng trăm tỷ USD tài chính xanh: Việt Nam đối mặt thực tế '3 thiếu'

Tham vọng trăm tỷ USD tài chính xanh: Việt Nam đối mặt thực tế '3 thiếu'

(VNF) - Mặc dù nhiều văn bản thúc đẩy tài chính xanh đã được ban hành nhưng nguồn vốn dành cho phát triển bền vững này hiện nay vẫn còn rất khiêm tốn, nguyên nhân là do “ba thiếu”: Thiếu cơ chế, thiếu ưu đãi và thiếu nhân lực.

Quỹ nội tìm cách dẫn vốn ngoại vào doanh nghiệp xanh

Quỹ nội tìm cách dẫn vốn ngoại vào doanh nghiệp xanh

(VNF) - Ông Quan Đức Hoàng, Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Amber, Chủ tịch Quỹ A+ đánh giá, dư địa cho quỹ đầu tư xanh tại Việt Nam đang ngày càng rộng mở, mang lại cơ hội thu hút nguồn vốn lớn cho các dự án xanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để khai thác tối đa cơ hội này, doanh nghiệp cần “hiểu mình”, “hiểu người”.

'Tín dụng xanh chưa bao giờ là con đường dễ đi'

'Tín dụng xanh chưa bao giờ là con đường dễ đi'

(VNF) - Theo ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp của HSBC Việt Nam, thị trường tài chính xanh ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng với rất nhiều tiềm năng song vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng, vướng mắc khiến Việt Nam vẫn mới chỉ ở giai đoạn đầu trong hành trình phát triển bền vững.

'Tiền hiện có rất nhiều, vấn đề là làm thế nào để tiếp cận được'

'Tiền hiện có rất nhiều, vấn đề là làm thế nào để tiếp cận được'

(VNF) - Không phải cứ "xanh hóa" là kêu gọi được đầu tư, vì cốt lõi trong kinh doanh vẫn là lợi nhuận, doanh nghiệp cần chứng minh rằng họ có thể mang lại lợi nhuận đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội. Các chuyên gia nhấn mạnh: “Tiền hiện có rất nhiều, vấn đề là làm thế nào để tiếp cận được”.