Tham vọng trăm tỷ USD tài chính xanh: Việt Nam đối mặt thực tế '3 thiếu'
(VNF) - Mặc dù nhiều văn bản thúc đẩy tài chính xanh đã được ban hành nhưng nguồn vốn dành cho phát triển bền vững này hiện nay vẫn còn rất khiêm tốn, nguyên nhân là do “ba thiếu”: Thiếu cơ chế, thiếu ưu đãi và thiếu nhân lực.
Tài chính xanh: Ba rào cản lớn
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022 - 2040 để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon, hướng giảm phát thải ròng bằng 0.
Còn theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần huy động thêm 144 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2050, nhằm hiện thực hóa cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Để thực hiện được điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này rất lớn, ước tính hàng chục nghìn tỷ USD trên phạm vi toàn cầu, tập trung vào các dự án thân thiện môi trường (năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, nông nghiệp xanh, vận tải bền vững).
"Thống kê cho thấy, việc phát hành trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững đạt mức cao. Việt Nam đang tích cực tham gia vào quá trình này. Về pháp lý, nhiều văn bản thúc đẩy tín dụng xanh đã được ban hành. Tổng dư nợ tín dụng xanh đạt 665 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,5% tổng dư nợ) và dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,2 triệu tỷ đồng (hơn 22% tổng dư nợ) tính đến tháng 9/2024", ông Cấn Văn Lực cho biết.
Tuy nhiên, ông Lực cũng nhìn nhận thị trường trái phiếu xanh còn khiêm tốn khi mới đạt giá trị khoảng 1,52 tỷ USD từ năm 2019 đến tháng 10/2024. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện chưa có các sản phẩm tài chính xanh (gồm cả sản phẩm tín dụng xanh) đặc thù; chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, nhất quán liên quan đến tài chính xanh (quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh…).
“Việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội còn gặp nhiều khó khăn do đội ngũ chuyên gia, nhân sự trong lĩnh vực này còn hạn chế. Bên cạnh đó, còn thiếu cơ chế phối hợp và ưu đãi cho các hoạt động tài chính xanh”, TS. Cấn Văn Lực cho biết thêm.
Trong một buổi chia sẻ về chủ đề tài chính xanh gần đây, Tổng giám đốc của Bangkok Bank Vietnam, ông Tharabodee Serng-Adichaiwit cũng cho hay việc thiếu rõ ràng về quy định, thiếu tính phối hợp và thiếu ưu đãi tài chính có thể sẽ là những thách thức trong quá trình phát triển tài chính xanh tại Việt Nam.
“Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để đầu tư vào năng lượng tái tạo và điều này cần rất nhiều vốn. Chúng tôi cũng hy vọng các chính sách của Chính phủ với những hướng dẫn rõ ràng cho tất cả các tỉnh/thành. Khi đó, các nhà đầu tư sẽ biết phải làm gì và biết cách hành động. Các nhà đầu tư Thái Lan thực sự quan tâm đến Việt Nam, nếu chính sách được ban hành với hướng dẫn rõ ràng, sẽ có rất nhiều nhà đầu tư Thái Lan đầu tư ngày càng nhiều vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam”, ông Tharabodee Serng-Adichaiwit cho biết.
Ông Mohammad Mudasser, Giám đốc Quản lý vốn lưu động của PwC Vietnam cũng cho rằng nếu nhìn vào thực tế hiện nay, ước tính chỉ có 4-5% tín dụng thương mại được phân loại là tài chính xanh tại Việt Nam, trong đó, hơn 80% nguồn tài chính xanh tập trung vào các lĩnh vực như điện, tiện ích, nông nghiệp và các tòa nhà xanh.
Một trong những thách thức trong quá trình thúc đẩy tài chính xanh là sự thiếu rõ ràng trong việc xác định danh mục và tiêu chí của “kinh tế xanh”, cũng như khó khăn trong việc chứng nhận nguồn năng lượng hoàn toàn xanh.
Tỷ lệ tài chính xanh tăng gấp 3 vào năm 2030
Mặc dù vậy, đại PwC Vietnam vẫn bày tỏ sự lạc quan về triển vọng phát triển của nền tài chính xanh Việt Nam và dự báo rằng tỷ lệ tài chính xanh nước ta có thể tăng từ 5% lên 10 - 15% vào năm 2030, nhờ sự xuất hiện của các ngành mới như ô tô và cơ sở hạ tầng công cộng, cũng như sự hỗ trợ tốt hơn từ các quy định pháp lý.
Bàn về giải pháp phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, từng nhấn mạnh rằng các ngân hàng và doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, không chỉ tập trung vào lợi nhuận tài chính mà còn phải xem xét tác động môi trường. Theo ông Hùng, các ngân hàng cần phát triển năng lực tư vấn xanh, hướng dẫn doanh nghiệp lồng ghép các yếu tố môi trường vào hoạt động kinh doanh và sử dụng khung tiêu chuẩn xanh phù hợp để xác định và hỗ trợ các dự án xanh.
Đối với các tổ chức tín dụng, ông Hùng khuyến nghị có thể tham khảo các chuẩn mực ASEAN đưa ra, xây dựng hệ thống dễ thực hiện với chi phí thấp để có thể thúc đẩy nhiều doanh nghiệp chuyển đổi xanh hiệu quả hơn. Việc lượng hoá các tác động sẽ giúp việc đánh giá hiệu quả của công tác tài chính xanh tốt hơn, góp phần nâng cao khả năng đóng góp vào những nỗ lực chung về phát triển xanh, như phát thải ròng bằng không.
TS. Cấn Văn Lực cũng đề xuất các giải pháp như ban hành Danh mục "phân loại xanh," cơ chế đánh giá tác động môi trường, chính sách định hướng hành vi và hỗ trợ tài chính (thuế, phí, lãi suất, quỹ chuyển đổi xanh), thu hút đầu tư tư nhân, xây dựng hệ sinh thái tài chính xanh (mô hình 5Is), thành lập thị trường tín chỉ carbon, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở dữ liệu.
Đối với tín dụng xanh, theo ông Lực, Việt Nam cần xây dựng quỹ tái cấp vốn, quy trình thẩm định chuyên biệt và đào tạo cán bộ. Chứng khoán xanh cũng cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp phát hành và tăng cường tuyên truyền. Mặt khác, việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam cũng là mục tiêu quan trọng để thu hút đầu tư quốc tế.
Chủ động chuyển 'nâu sang xanh', đón dòng tài chính xanh toàn cầu
- Trái phiếu xanh: 'Cuộc chơi' đang nóng dần lên 23/11/2024 12:30
- Tỷ phú Bill Gates ra mắt 'siêu du thuyền xanh' đầu tiên trên thế giới 23/11/2024 10:30
- ‘Cú bắt tay’ Vingroup - PV Power: Loạt trạm sạc sắp ‘phủ xanh’ giao thông Việt Nam 22/11/2024 03:22
Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.