Thị trường vốn cần “đòn bẩy” từ quỹ bảo hiểm, hưu trí
(VNF) - Để nâng tầm thị trường vốn Việt Nam, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa việc phát triển mô hình Quỹ hưu trí tự nguyện, đồng thời thúc đẩy người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ, vừa đảm bảo an sinh xã hội vừa gia tăng khả năng huy động vốn một cách bền vững.
- Bảo vệ nhà đầu tư cá nhân để thị trường vốn phát triển bền vững 03/12/2024 12:00
Nâng tầm thị trường vốn: Cần thêm động lực từ các quỹ
Trong vài năm trở lại đây, cùng với đà phát triển của thị trường tài chính, việc quản lý và tối ưu nguồn quỹ khổng lồ từ bảo hiểm xã hội luôn là đề tài thu hút nhiều sự quan tâm đến từ giới chuyên môn và đông đảo người dân. Tính đến hết năm 2024, dự kiến quỹ tài chính ngoài ngân sách có quy mô lớn nhất này sẽ có kết dư khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Trong bối cảnh cơ cấu dân số vàng đang dần trôi qua, tỷ lệ già hóa dân số tại Việt Nam sẽ là một thách thức không nhỏ cho nguồn quỹ hưu trí mà Chính phủ đang quản lý cũng như bức tranh tài chính của người dân.
Một bài toán với hai áp lực ngược chiều nhau, vừa phải đảm bảo tính an toàn gần như tuyệt đối cho quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng cũng cần đảm bảo tính tăng trưởng phù hợp trước áp lực của lạm phát cũng như tương quan với các kênh đầu tư ngày càng phát triển đa dạng. Theo quy định hiện hành cũng như thông lệ tại nhiều quốc gia, quỹ BHXH bị giới hạn danh mục đầu tư chủ yếu vào trái phiếu chính phủ (khoảng 80%) và một số ngân hàng thương mại quốc doanh.
Tuy nhiên, thay vì quá tập trung vào khía cạnh đầu tư đa dạng hóa, việc cần thiết hơn cho quỹ BHXH, đó là giới chuyên môn nên và cần quan tâm để hiến kế cho việc đảm bảo quỹ ngay từ bên trong. Cụ thể, đó là việc đóng và hưởng phải cân bằng, khi mà tỷ lệ hưởng lương hưu của chúng ta đang là 75% mức tối đa, nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ cao nhất thế giới. Kế đến, tỷ lệ người dân tham gia BHXH vẫn chưa cao, chưa đến 50% lực lượng lao động, trong khi việc già hóa dân số cũng không còn quá xa.
Xét về bài toán đa dạng đầu tư cho các nguồn quỹ lớn trong nền kinh tế hiện nay, chúng tôi cho rằng việc đa dạng danh mục ở thời điểm hiện tại nên xem xét cho nguồn quỹ hưu trí tự nguyện và lớn hơn đó là từ các công ty bảo hiểm. Cụ thể hơn, Quỹ hưu trí tự nguyện và các nguồn quỹ từ các công ty bảo hiểm sẽ là kênh dẫn vốn dài hạn cần thiết trong bức tranh vốn tại Việt Nam hiện nay.
Theo xu hướng toàn cầu hơn 50 năm qua, có thể thấy, Quỹ hưu trí tự nguyện đóng vai trò khá đến rất quan trọng cho sự phát triển của thị trường vốn, kể cả trái phiếu doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu. Thường các kỳ hạn đối với Quỹ hưu trí tự nguyện sẽ kéo dài từ 10-30 năm. Điều đó có nghĩa nguồn quỹ này sẵn sàng cung cấp cho thị trường vốn những khoản đầu tư dài hạn và ổn định.
Tại Việt Nam, hiện nay, hệ thống chương trình hưu trí tự nguyện gồm 2 mô hình. Thứ nhất là Quỹ hưu trí tự nguyện được tổ chức dưới mô hình tín thác (Quỹ hưu trí được quản lý bởi doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ), thực hiện theo Thông tư số 115/2013/TT-BTC hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và Quỹ hưu trí tự nguyện áp dụng cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện tại Việt Nam.
Thư hai là mô hình hưu trí tự nguyện do công ty quản lý quỹ quản lý thực hiện theo hướng tại Thông tư số 86/2017/TT-BTC ngày 15/08/2017 của Bộ Tài chính về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 88/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện. Theo hình thức này, lợi ích hưu trí chi trả cho người lao động khi về hưu hoàn toàn phụ thuộc vào số tiền đóng góp vào quỹ hưu trí và hiệu quả đầu tư của quỹ hưu trí. Do đó việc lựa chọn danh mục đầu tư có khả năng chấp nhận rủi ro ngắn hạn để hướng đến mục tiêu lợi nhuận cao trong dài hạn là rất phù hợp, cho cả kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và cổ phiếu.
Tương tự, đó là bài toán tối ưu dòng tiền từ các công ty bảo hiểm để có thể tái đầu tư vào nền kinh tế một cách hiệu quả và bền vững. Nguồn vốn dồi dào của các công ty bảo hiểm được tích lũy từ phí bảo hiểm theo cơ chế hợp đồng đóng góp dài hạn. Đây là nguồn lực ổn định, có dư địa tăng trưởng cực kỳ lớn theo đà phát triển của ngành và quan trọng phần lớn trong đây đều là nguồn vốn có tính dài hạn.
Về cơ bản, để hạn chế rủi ro, Chính phủ sẽ có khung pháp lý để đảm bảo các quỹ này phải tập trung vào các kênh đầu tư ổn định, do áp lực đảm bảo khả năng chi trả quyền lợi cho người tham gia. Danh mục này bao gồm trái phiếu chính phủ, tiền gửi ngân hàng, các công cụ tài chính cho thu nhập cố định khác. Tuy nhiên, từ khi khái niệm bảo hiểm liên kết đầu tư chính thức xuất hiện tại thị trường Việt Nam thông qua 2 hình thức liên kết đơn vị và liên kết chung, khách hàng đã được giao quyền lựa chọn quỹ đầu tư của mình và tính rủi ro tương ứng.
Đặc biệt với quỹ liên kết đơn vị, đây thật sự là một dòng vốn khổng lồ và đang dần thể hiện sức ảnh hưởng lên thị trường chứng khoán thông qua tốc độ thu hút dòng vốn dưới đà thúc đẩy của các công ty bảo hiểm nhân thọ và sự quan tâm ngày một nhiều đến đầu tư của người dân.
Tại thời điểm cuối năm 2023, chỉ riêng tổng giá trị ủy thác đầu tư tại 3 công ty quản lý quỹ, như của Manulife Việt Nam, Prudential Việt Nam, Dai-ichi Life Việt Nam đã đạt trên 310.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 12,8 tỷ USD. Trong đó, cơ cấu danh mục cuối kỳ của Eastspring Investments Việt Nam hiện đang nhận ủy thác 144.473 tỷ đồng, bao gồm trái phiếu 54%, cổ phiếu 9%, tiền gửi dài hạn 28%. Tương tự, danh mục phía Dai-ichi Life Việt Nam đang rót nhiều nhất vào chứng khoán nợ (trái phiếu) (82%), tiền gửi có kỳ hạn (gần 14%) và chứng khoán vốn (cổ phiếu/chứng chỉ quỹ) (hơn 4%).
Thực tế cho thấy, thời gian qua, ở Việt Nam, các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện và các quỹ từ các công ty bảo hiểm đã và đang có những đóng góp rõ nét vào sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam. Trước tiên là việc giúp đa dạng hoá sản phẩm tài chính trên thị trường chứng khoán, mở rộng các kênh đầu tư và cơ hội đa dạng hoá đầu tư cho các nhà đầu tư trên thị trường. Số lượng và hình thức của các quỹ cũng tăng lên và đa dạng. Tiếp theo, với quy mô giao dịch lớn, các mô hình quỹ đại chúng như quỹ mở, quỹ hoán đổi danh mục… giúp các nhà đầu tư cá nhân hưởng lợi từ chi phí giao dịch thấp hơn, tăng cường tính hiệu quả của thị trường.
Ngoài ra, với sự phát triển về nhận thức quản lý tài chính cá nhân, ngày càng thu hút đông đảo người dân, đặc biệt người trẻ tham gia đầu tư dài hạn vào các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, góp phần tăng nguồn cung vốn dài hạn cho thị trường, giảm thiểu sự phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng.
Cách nào khơi thông dòng vốn từ các quỹ bảo hiểm, hưu trí?
Chúng tôi cho rằng để nâng tầm thị trường vốn của Việt Nam, khơi thông dòng vốn từ các nguồn quỹ hưu trí tự nguyện và các công ty bảo hiểm nhân thọ, chúng ta cần vài biện pháp. Thứ nhất, Chính phủ rất cần có cơ chế, chính sách khuyến khích và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc phát triển mô hình Quỹ hưu trí tự nguyện, cả góc độ người sử dụng lao động và người lao động. Cụ thể, cần gia tăng sự hỗ trợ từ chính sách thuế, vì hiện tại mức hỗ trợ rõ ràng đang không đủ cho sự tham gia trước tiên là tầng lớp trung lưu tại các đô thị, trước khi có thể lan tỏa ra sâu rộng trong xã hội. Tiếp theo, cần khuyến khích sự phát triển đa dạng và phù hợp các sản phẩm hưu trí bổ sung để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của xã hội. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy người dân tham gia vào bảo hiểm nhân thọ. Điều này vừa đảm bảo an sinh xã hội vừa gia tăng khả năng huy động vốn một cách bền vững cho sự phát triển chất và lượng của thị trường vốn
Thứ hai, cần tập trung vào việc nâng hạng thị trường chứng khoán và thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển theo đúng lộ trình kỳ vọng. Các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu đã được nhắc đến nhiều, nhưng quan trọng nhất vẫn là tăng cường tính minh bạch thông tin và tái cấu trúc cơ cấu nhà đầu tư. Về cơ cấu nhà đầu tư, cần xây dựng hạ tầng phù hợp để khơi thông dòng vốn mạnh mẽ từ các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện và ngân hàng thương mại vào kênh trái phiếu. Đồng thời, để thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia là một mục tiêu cực kỳ quan trọng.
Cuối cùng, không kém phần quan trọng, đó là sự tăng cường phổ cập kiến thức về quản lý tài chính cá nhân, vì chỉ có nhìn trên bức tranh tài chính tổng thể và dài hạn, nhu cầu hưu trí hay bảo vệ tài chính mới trở nên cấp thiết trong cách nhìn của người dân.
Với mong muốn góp phần phát triển mạnh mẽ thị trường vốn nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đặt ra, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) phối hợp với Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance tổ chức hội thảo “Toàn cảnh Thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025” với chủ đề: “Phát triển bền vững thị trường vốn Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”.
Hội thảo diễn ra từ 8h00 đến 12h00 thứ Sáu, ngày 6/12/2024 tại Hội trường tầng 3, Tòa nhà 37 Bà Triệu, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Link đăng ký tham dự hội thảo: docs.google.com
Liên hệ: 0989 254 170 (Ms. Vân Anh)
Rủi ro mua bảo hiểm: Hợp đồng khó hiểu, chưa có cơ chế bảo vệ khách hàng
- Kiện hãng bảo hiểm ra toà: Cách để người mua nắm phần thắng 26/11/2024 12:30
- Bị khách kiện, hãng bảo hiểm liền 'quay xe', buộc phải chi tiền 25/11/2024 04:00
- Năm lý do hợp đồng bảo hiểm vô hiệu: Làm gì để tránh bị thiệt? 10/11/2024 12:30
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.