Đợt thoái vốn khủng của 'ông lớn' đường sắt

Anh Minh - 07/02/2018 07:18 (GMT+7)

Sau thời gian dài ế ẩm, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hy vọng sẽ thoái toàn bộ vốn góp tại 15 công ty thành viên, công ty liên kết ngay trong năm 2018.

VNF
Đợt thoái vốn khủng của 'ông lớn' đường sắt.

"Hàng ế" giá cao

Sau hai tháng chờ đợi, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã nhận được tín hiệu đồng thuận của Bộ Giao thông vận tải về chủ trương thoái vốn tại 15 công ty có vốn góp.

Cụ thể, trong văn bản số 1142/BGTVT-QLDN được ký giữa tuần trước, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã phê duyệt chủ trương VNR tiến hành chuyển nhượng toàn bộ vốn đầu tư tại 15 công ty cổ phần.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hy vọng sẽ thoái toàn bộ vốn góp tại 15 công ty thành viên, công ty liên kết ngay trong năm 2018.

"HĐTV Tổng công ty nghiên cứu ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và căn cứ thẩm quyền, quyết định việc chuyển nhượng số cổ phần hiện nắm giữ tại các công ty cổ phần nêu trên và có trách nhiệm triển khai, thực hiện việc chuyển nhượng vốn theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước, công khai và minh bạch", Thứ trưởng Đông yêu cầu.

Được biết, 15 công ty cổ phần này có tổng vốn điều lệ là 680,5 tỷ đồng, trong đó VNR nắm giữ 139,1 tỷ đồng (tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần), được chia làm 3 nhóm.

Nhóm 1 gồm 9 công ty VNR đã tiến hành thoái vốn, nhưng chỉ bán được một phần: Tư vấn đầu tư và xây dựng Bộ Giao thông vận tải, Xây dựng công trình Đà Nẵng, Viễn thông - Tín hiệu đường sắt, Vĩnh Nguyên, In đường sắt Sài Gòn, Hải Vân Nam, Tư vấn đầu tư và xây dựng công trình 1, Hạ tầng đô thị đường sắt, Tư vấn đầu tư và xây dựng đường sắt.

Nhóm 2 gồm 4 công ty cổ phần VNR đã tiến hành thoái, nhưng không có nhà đầu tư tham gia hoặc nhà đầu tư bỏ cọc toàn bộ không mua: Tư vấn đầu tư và xây dựng Bộ Giao thông vận tải; Đầu tư và xây dựng công trình 3; Công trình 6; Tổng công ty Công trình đường sắt.

Nhóm 3 gồm 2 công ty VNR bắt đầu triển khai thoái vốn lần đầu: Đá Đồng Mỏ; Đá Mỹ Trang.

Mặc dù đang rơi vào tình trạng khá ế ẩm, nhưng cổ phiếu của phần lớn những công ty này vẫn được tư vấn định giá khá cao, trong đó có những đơn vị như Đá Mỹ Trang được định giá 11,2 lần mệnh giá; Đá Đồng Mỏ 4,2 lần; Tổng công ty Công trình đường sắt 2,3 lần; Công ty cổ phần Viễn thông - Tín hiệu đường sắt 2,7 lần…

Như vậy, nếu quá trình thoái vốn suôn sẻ, VNR sẽ thu được số tiền lớn hơn 139 tỷ đồng giá trị chuyển nhượng theo mệnh giá, giúp đẩy nhanh tiến trình đầu tư mua sắm toa xe, chỉnh trang các nhà ga lớn mà đơn vị này theo đuổi trong năm 2018.

Đa dạng phương án thoái vốn

Để tăng tính khả thi cho đợt thoái vốn có quy mô lớn này, vào tháng 11/2017, VNR đã trình Bộ Giao thông vận tải phương án khá cụ thể, bao gồm giá khởi điểm, phương án chào bán.

Cụ thể, VNR muốn được chào bán cạnh tranh theo lô thông qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) hoặc tổ chức tài chính trung gian đối với 9 đơn vị là: Viễn thông - Tín hiệu đường sắt; Vĩnh Nguyên; Xây dựng công trình Đà Nẵng; In đường sắt Sài Gòn; Hải Vân Nam; Tư vấn đầu tư và xây dựng công trình 1; Hạ tầng và đô thị đường sắt; Tư vấn đầu tư và xây dựng đường sắt; Đầu tư và xây dựng Bộ Giao thông vận tải.

Đối với 4 công ty, gồm: Tư vấn đầu tư và xây dựng Bộ Giao thông vận tải; Công trình 6; Đầu tư và xây dựng công trình 3; Tổng công ty Công trình đường sắt - những đơn vị đang niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán (HNX, UPCoM), "ông lớn đường sắt" xin lựa chọn thời điểm thích hợp để cháo bán khớp lệnh trên sàn giao dịch chứng khoán. Hai đơn vị còn lại (Đá Mỹ Trang, Đá Đồng Mỏ) sẽ tiến hành chào bán công khai qua HNX.

Nếu quá trình thoái vốn suôn sẻ, VNR sẽ thu được số tiền lớn hơn 139 tỷ đồng giá trị chuyển nhượng theo mệnh giá.

Về giá khởi điểm chào bán cổ phần, VNR kiến nghị áp dụng kết quả thẩm định giá trị cổ phiếu của tổ chức tư vấn thẩm định giá (đối với cổ phiếu bán đấu giá công khai hoặc chào bán cạnh tranh theo lô); không thấp hơn giá trị cổ phiếu do tổ chức tư vấn đề xuất (đối với cổ phiếu bán khớp lệnh trên sàn chứng khoán).

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đây cũng là phương án được Bộ Giao thông vận tải thống nhất xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Trong văn bản trả lời Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, phương án thoái vốn do Bộ Giao thông vận tải đề xuất đối với 4 công ty cổ phần đang niêm yết tại HNX, UPCoM và Đá Đồng Mỏ, Đá Mỹ Trang, về cơ bản, phù hợp với quy định tại điều 38, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với trường hợp 4 công ty dự kiến thoái trên sàn UPCoM, hiện giá cổ phiếu đang giao dịch trên sàn đều thấp hơn giá trị sổ sách và giá trị do tư vấn đề xuất, trong đó nổi cộm là trường hợp của Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng Bộ Giao thông vận tải. Cổ phiếu của đơn vị này đang giao dịch trên sàn chỉ có 900 đồng/cổ phiếu, trong khi giá trị tư vấn đề xuất là 16.682 đồng/cổ phiếu.

"Bộ Giao thông vận tải cần chỉ đạo VNR làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này, đồng thời lựa chọn thời điểm thích hợp để thoái vốn, tích cực thông tin về phương án thoái vốn đến các đối tượng tiềm năng", văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi rõ.

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.