Dự án Cát Linh - Hà Đông: Tổng thầu không thực hiện kết luận của Kiểm toán

Viết Long - 11/10/2021 07:46 (GMT+7)

Bộ Giao thông vận tải vừa gửi Thủ tướng dự thảo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trong đó nêu ra một số khó khăn trong việc đưa dự án vào khai thác thương mại.

VNF
Dự án Cát Linh - Hà Đông: Tổng thầu không thực hiện kết luận của Kiểm toán

Về tiến độ dự án, Bộ Giao thông vận tải cho biết tuyến này đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt thiết bị và vận hành thử toàn hệ thống vào tháng 12/2020. Công tác nghiệm thu cũng được Bộ Giao thông vận tải hoàn thành và gửi Hội đồng nghiệm thu nhà nước đề nghị tiến hành kiểm tra và có ý kiến.

Tuy nhiên, dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam nên quá trình hoàn thiện thủ tục nghiệm thu bàn giao kéo dài. Hiện nay, cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu nhà nước thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát hồ sơ, tài liệu trong quá trình thực hiện dự án, đồng thời đã tiến hành kiểm tra tổng thể hiện trường. Dự kiến hội đồng sẽ tổ chức họp để ra thông báo kết quả kiểm tra cuối cùng trong tháng 10/2021.

“Sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng kiểm tra nhà nước, Bộ Giao thông vận tải sẽ bàn giao dự án cho UBND thành phố Hà Nội tiếp nhận, vận hành khai thác theo quy định...” - Bộ Giao thông vận tải khẳng định.

Trong dự thảo này, Bộ Giao thông vận tải một lần nữa nêu rõ nguyên nhân dự án chậm tiến độ, đội vốn. Chẳng hạn việc giải phóng mặt bằng chậm; quy định của Việt Nam về hình thức hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công) chưa rõ ràng, có nhiều khác biệt với thông lệ quốc tế nên hợp đồng EPC ký kết ban đầu chưa hoàn chỉnh, thiếu chặt chẽ.

Cạnh đó, Việt Nam chưa lường hết các yêu cầu về kỹ thuật công nghệ. Các đơn vị tư vấn tham gia lập, thẩm tra dự án chưa có nhiều kinh nghiệm dẫn đến thiết kế cơ sở ban đầu sơ sài, chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng, phải điều chỉnh tại bước thiết kế kỹ thuật.

Từ đó, dự án phải điều chỉnh nhà ga tăng 2 - 3 tầng, điều chỉnh vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox, thay đổi vị trí bãi đúc dầm… làm tăng tổng mức đầu tư lên 9.231 tỉ đồng (từ hơn 8.769 tỷ đồng lên hơn 18.001 tỷ đồng).

Theo Bộ Giao thông vận tải, vướng mắc chủ yếu của dự án hiện nay là việc thanh toán và thực hiện ý kiến kết luận của Kiểm toán Nhà nước, gây ảnh hưởng đến tiến độ nghiệm thu, bàn giao để vận hành khai thác.

Cụ thể, năm 2018, dự án được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư. Trên cơ sở kết luận của kiểm toán, Bộ Giao thông vận tải đã rà soát và xử lý các nội dung liên quan đến việc quản lý tài chính, kế toán…

Tuy nhiên, do đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam và thực hiện theo hình thức EPC, việc thực hiện một số nội dung theo kết luận của KTNN gặp khó. Cụ thể, tổng thầu EPC là nhà thầu nước ngoài (được chỉ định trong hiệp định vay) cho rằng mình không có nghĩa vụ phải thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

“Tổng thầu cũng thiếu hợp tác và từ chối thực hiện, nhất là các nội dung liên quan đến chi phí bổ sung, phát sinh, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước…” - Bộ Giao thông vận tải cho hay.

Hiện Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tiếp tục tập trung rà soát, hoàn tất thủ tục trong việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước và làm việc với đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam, với tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc… để giải quyết dứt điểm vướng mắc trên.

Theo PLO
Cùng chuyên mục
Tin khác