ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông: 'Trả 7,8 triệu USD cho chi phí Tư vấn giám sát'

Đức Thọ - 12/09/2021 08:22 (GMT+7)

(VNF) - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông vừa có văn bản số 9159/BGTVT - KHĐT trả lời Bộ Tài chính về việc trích 7,835 triệu USD từ Hiệp định vay vốn bổ sung để trả cho tư vấn giám sát (TVGS) tại Dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông.

VNF

Nói như Đại biểu quốc hội Thuận Hữu (Hải Phòng), Đường sắt Cát Linh - Hà Đông là "nhát dao chém vào lòng tin của người dân". Dự án đã quá nhiều lần chậm tiến độ và đội vốn.

Trước đó, cuối năm 2019, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ rõ hàng loạt nhức nhối tại dự án khi đội vốn tới 207% và 8 lần trễ hẹn.

Cụ thể, đường sắt Cát Linh – Hà Đông có tổng chiều dài 13,05 km, gồm 12 ga và 1 khu depot. Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên tới 18.002 tỷ đồng (tăng hơn 9.000 tỷ đồng).

Dự án được khởi công tháng 10/2011, dự kiến kế hoạch hoàn thành đưa vào khai thác vào năm 2015. Tuy nhiên, dự án đã 8 lần chậm trễ nên chốt mốc vận hành vào năm 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa rõ bao giờ về đích.

Trong báo cáo trình Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rõ hàng loạt sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Theo đó, Bộ GTVT đã lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.769,97 tỉ đồng lên 18.001,59 tỉ đồng (tăng 205,27%) khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội.

Đáng buồn là con số chưa dừng lại ở đó khi Tổng thầu EPC Trung Quốc tiếp tục "đòi" thêm 50 triệu USD để thực hiện công tác vận hành hệ thống. Tuy nhiên Bộ GTVT đã không đồng ý với đề xuất của Tổng thầu. Đến nay, dự án tai tiếng trên chưa thể xác định được mốc thời gian về đích.

Cũng vì dự án bị chậm trễ kéo dài, đến nay, Hợp đồng Tư vấn giám sát dự án phải trả 7,8 triệu USD (khoảng 180 tỷ đồng).

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Hiện tại, nguồn vốn đối ứng của Dự án còn lại rất ít, trong khi Hiệp định vay bổ sung còn dư khoảng 26,421 triệu USD. Vì thế, sẽ trích 7,8 triệu từ nguồn vốn này.

"Việc trích nguồn vốn trên cũng đã được Ngân hàng XNK Trung Quốc trả lời tại Thư ngày 16/3/2021 là “Phụ lục hợp đồng EPC đã được hai bên xác nhận và không cần thiết phải sửa đổi điều 1.7 của Hiệp định vay” và “Hợp đồng tư vấn giám sát không thể được tài trợ bởi khoản vay", ông Đông nêu.

Được biết, Dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông là Dự án đường sắt đô thị đầu tiên được thí điểm triển khai tại Hà Nội. So với 2 Dự án khác đang được triển khai tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đến nay Dự án Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành và đang thực hiện các thủ tục còn lại theo, quy định của pháp luật để đưa vào khai thác vận hành.

Chính vì vậy, lãnh đạo cấp cao 2 nước thường xuyên trao đổi và đưa Dự án vào nội dung làm việc, đối thoại, tọa đàm để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc với mục đích sớm đưa Dự án vào khai thác.

Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã sang làm việc tại Việt Nam, trong các cuộc tiếp xúc, nói chuyện với Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, hai bên đều thể hiện quyết tâm để đưa Dự án vào vận hành.

Cùng chuyên mục
Tin khác