Dự báo VN-Index sẽ vượt đỉnh 1.200 điểm, KBSV nêu 4 chủ đề đầu tư lớn trong năm 2021

Thanh Long - 31/12/2020 10:16 (GMT+7)

(VNF) - KBSV kỳ vọng VN-Index sẽ vượt vùng đỉnh lịch sử quanh 1.200 điểm trong năm 2021 trước khi chịu áp lực điều chỉnh và quay trở lại giao dịch ổn định quanh mốc này.

VNF
Dự báo VN-Index sẽ vượt đỉnh 1.200 điểm, KBSV nêu 4 chủ đề đầu tư lớn trong năm 2021

Sau khi lao dốc vào tháng 3/2020 với cú sốc Covid-19, thị trường chứng khoán Việt Nam đã nhanh chóng lấy lại đà phục hồi mạnh mẽ, vượt qua cột mốc trước dịch.

Theo quan điểm của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) trong báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021 công bố mới đây, sự phục hồi này là nhờ những biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; bộ đệm hỗ trợ mạnh mẽ đến từ chính sách nới lỏng tiền tệ và mở rộng tài khóa ở trong nước cũng như quốc tế và kỳ vọng vào việc vaccine sớm được phân phối vào năm sau.

So sánh P/E của các thị trường trong khu vực, KBSV cho hay P/E dự kiến năm 2021 của VN-Index thấp hơn tương đối so với các nước khác. Ngoài ra, tương quan P/E dự kiến 12 tháng với 2 chỉ số tiêu chuẩn khác là FTSE EM Index thì giá trị so sánh của VN-Index đang ở mức thấp trong nhiều năm qua.

Đối với kỳ vọng thị trường năm 2021, nhóm chuyên gia của KBSV tiếp tục nghiêng về khả năng mở rộng đà tăng của chỉ số khi hội tụ nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực.

"Mặc dù đã phục hồi mạnh và vượt qua mức trước dịch bệnh nhưng chúng tôi đánh giá nền giá hiện tại vẫn ở mức hợp lý và còn nhiều dư địa để phản ánh thêm những cơ hội trong năm 2021. Trong đó, kỳ vọng của chúng tôi bao gồm việc dịch bệnh Covid- 19 vẫn được kiểm soát tốt ở Việt Nam; phân phối vaccine có thể diễn ra vào giữa năm 2021, qua đó chấm dứt dịch bệnh; nền kinh tế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ hồi phục về giai đoạn bình thường trước dịch trong môi trường nới lỏng tiền tệ; cùng với những căng thẳng thương mại có phần hạ nhiệt khi tổng thống Mỹ, ông Biden, có thể sẽ tiếp cận một cách ôn hòa hơn", công ty chứng khoán nêu quan điểm.

KBSV kỳ vọng VN-Index sẽ vượt vùng đỉnh lịch sử quanh 1.200 điểm trong năm 2021 trước khi chịu áp lực điều chỉnh và quay trở lại giao dịch ổn định quanh mốc này, tương ứng với mặt bằng P/E dự kiến xấp xỉ 16,5 và EPS dự kiến tăng 20%.

Tuy nhiên, nhóm chuyên gia lưu ý quý I/2021 được xem là giai đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất với thị trường bởi số ca nhiễm dịch bệnh trên toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, có thể làm chậm quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu, trong khi việc chuyển giao chính quyền mới ở Mỹ có thể không diễn ra suôn sẻ. Dù vậy, đây được xem là cơ hội tốt để nhà đầu tư có thể gia tăng/mở lại tỷ trọng nếu thị trưởng giảm điểm.

Dự báo của KBSV về lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM trong năm 2021

Đáng chú ý, KBSV đã nêu ra 4 chủ đề đầu tư lớn trong năm 2021.

Đầu tiên là nương theo dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo đánh giá của KBSV, Việt Nam, trong gần 10 năm trở lại đây, đã luôn là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn FDI nhờ kinh tế tăng trưởng cao, tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do FTA, nền chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, chi phí nhân công thấp và hạ tầng đang từng bước được cải thiện. Trong 3 năm gần đây đây, sức hút của Việt Nam đã được gia tăng đáng kể trước ảnh hưởng của 2 yếu tố là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19.

"Với việc dòng vốn FDI vào Việt Nam giảm mạnh trong năm nay do dịch bệnh cản trở hoạt động đi lại của các nhà đầu tư khiến nhiều dự án lớn bị trì hoãn sang năm sau, cùng với đó là kỳ vọng dịch Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát trên quy mô toàn cầu giúp các hoạt động kinh tế phục hồi, kết hợp với sức hút từ các FTA mới đây được ký kết (RCEP, EVFTA), chúng tôi kỳ vọng dòng vốn FDI sẽ quay trở lại mạnh mẽ trong năm sau và là động lực quan trọng hỗ trơ nền kinh tế", nhóm chuyên gia bày tỏ quan điểm.

Các nhóm ngành hưởng lợi trực tiếp gồm: Bất động sản khu công nghiệp, Logistics.

Câu chuyện thoái vốn - cổ phần hóa cũng được kỳ vọng sẽ khởi sắc trong năm 2021, trở thành chủ đề đầu tư lớn.

Cơ sở cho nhận định này được KBSV chỉ ra là do phần lớn hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn chưa thực hiện được trong năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ được dồn sang năm 2021. Cùng với đó là lực đẩy từ nhu cầu cấp thiết bổ sung nguồn thu ngân sách khi dịch bệnh khiến ngân sách thâm hụt nặng, trong khi Chính phủ tiếp tục có định hướng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm 2021.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang hoàn thiện Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2017/NĐ-CP tháo gỡ vướng mắc quan trọng liên quan tới phương án sử dụng đất. Ngoài ra, mức độ hấp thụ của nhà đầu tư với các thương vụ thoái vốn, cổ phần hóa được cải thiện khi TTCK năm 2021 được kỳ vọng ở trong điều kiện thuận lợi với thanh khoản được duy trì ở mức cao, dòng tiền dồi dào, khối ngoại quay trở lại mua ròng trong bối cảnh các yếu tố rủi ro toàn cầu suy giảm.

Một số thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn lớn có tác động mạnh tới thị trường có thể diễn ra trong năm 2021 bao gồm: cổ phần hóa Agribank, Mobifone và thoái vốn tại Viglacera (HoSE: VGC), Vinatex (UPCoM: VGT), VNSteel (UPCoM: TVN).

Chủ đề đầu tư lớn tiếp theo là chính sách tiền tệ nới lỏng và đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.

KBSV kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ diễn biến thuận lợi hơn trong năm 2021 nhờ cầu tín dụng phục hồi sau đại dịch cùng với việc các ngân hàng cũng cởi mở hơn trong việc cho vay khi các điều kiện vĩ mô được cải thiện giúp giảm thiểu rui ro nợ xấu. Kết hợp với chính sách nới lỏng tiền tệ được Ngân hàng Nhà nước duy trì trong bối cảnh lạm phát dự báo không có biến động bất thường, kéo theo biên lợi nhuận NIM của các ngân hàng được giữ ở mức cao, nhóm ngân hàng thương mại sẽ có điều kiện thuận lợi để gia tăng thu nhập lãi thuần; bên cạnh thu nhập về phí, dịch vụ, được hỗ trợ bởi mảng bancassurance, tiếp tục xu hướng tăng trưởng.

Theo nhóm chuyên gia, mặc dù khi Thông tư 01/2020 hết hiệu lực có thể làm gia tăng nợ xấu và trích lập dự phòng của các ngân hàng, nhưng với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, những tác động này sẽ không quá lớn và các ngân hàng sẽ có sự chủ động trong việc ghi nhận và trích lập dự phòng.

Kênh tín dụng tích cực sẽ là yếu tố hỗ trợ cho nhóm ngành bất động sản, kéo theo động lực tăng trưởng cho nhóm ngành liên quan như xây dựng, nguyên vật liệu…, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung bất động sản năm sau được kỳ vọng sẽ diễn biến khởi sắc.

Ngoài ra, chính sách tài khóa mở rộng với việc đầu tư công tiếp tục được chính phủ đẩy mạnh trong năm sau sẽ giúp cho nhu cầu vật liệu xây dựng duy trì ở mức tốt. Đối dự án đầu tư công trọng điểm như đường cao tốc Bắc – Nam, việc trúng thầu PPP sẽ là cú huých hoạt động kinh doanh cho một số doanh nghiệp xây dựng, hạ tầng.

Đối tượng hưởng lợi trực tiếp dự báo là nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, xây dựng hạ tầng, nguyên vật liệu.

Chủ đề đầu tư lớn thứ tư là sự ảnh hưởng của các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Với việc 2 hiệp định FTA lớn được ký kết trong năm 2020 là RCEP và EVFTA, cùng với Hiệp định CPTPP trước đó, nhóm cổ phiếu xuất khẩu được kỳ vọng hưởng lợi mạnh mẽ khi hàng loạt các loại thuế quan vào các thị trường lớn được cắt giảm theo lộ trình, KBSV nêu quan điểm. Cụ thể hơn, các nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp là nông nghiệp, thủy sản, dệt may và hóa chất.

Cùng chuyên mục
Tin khác