Thị trường

Du lịch golf: Mới nhưng đầy tiềm năng

(VNF) - Với tất cả tiềm năng vốn có, du lịch Golf Việt Nam chính là thị trường ngách mang về lợi nhuận lớn nếu biết khai phá đúng hướng phát triển.

Du lịch golf: Mới nhưng đầy tiềm năng

Tiềm năng màu mỡ

Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/1/2020 xác định “việc phát triển hạ tầng và xây dựng sản phẩm du lịch golf là một trong những định hướng trọng tâm trong phát triển của ngành du lịch Việt Nam”. Với bờ biển dài hơn 3.260km, địa hình đa dạng 3/4 đồi núi, nhiều bãi biển nổi tiếng thế giới cùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam có lợi thế phát triển các loại hình du lịch phong phú, trong đó có du lịch golf.

Du lịch golf (Golf Tourism) được hiểu là loại hình du lịch thể thao kết hợp giữa hoạt động chơi golf và khám phá, tham quan, nghỉ dưỡng tại điểm đến. Khác với khách du lịch truyền thống, du khách golf thường là giới thu nhập cao, có thời gian lưu trú kéo dài do kết hợp giữa chơi golf và du lịch khám phá. Vì thế, phát triển du lịch golf không những giúp đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh du lịch mà còn thu hút được đối tượng khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, kích thích phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp.

Vào tháng 3 vừa qua, Research and Markets - công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu ra mắt báo cáo về “Thị trường du lịch Golf toàn cầu 2023” với những con số hết sức ấn tượng. Báo cáo cho biết thị trường du lịch golf toàn cầu đã tăng từ 4,93 tỷ USD vào năm 2022 lên 4,76 tỷ USD vào năm 2023, dự kiến sẽ tăng lên 6,07 tỷ USD vào năm 2027, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 23,1%.

Theo khảo sát của Tổ chức Du lịch golf thế giới (IAGTO), có trên 60 triệu người chơi golf trên thế giới và mục đích đi du lịch golf đứng thứ ba về động cơ du lịch trong khu vực châu Á. Toàn cầu hiện có khoảng 700 công ty du lịch golf thuộc 61 quốc gia là thành viên của IAGTO, mỗi năm thực hiện khoảng 2,5 tỷ USD giá trị các hợp đồng cung cấp dịch vụ, phục vụ khoảng 1,9 triệu người chơi golf. Như vậy, phát triển du lịch golf không những giúp đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh du lịch mà còn thu hút được đối tượng khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, kích thích phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp.

Tại Việt Nam, du lịch golf đang là mảng có tiềm năng rất lớn khi kinh tế golf đang trong giai đoạn bùng nổ. Trên bình diện quốc tế, theo số liệu nghiên cứu được công bố bởi The R&A và Sports Marketing Surveys (SMS), từ năm 2016 đến nay, số người chơi golf trên toàn thế giới đã tăng hơn 5,5 triệu người, nâng tổng số người chơi lên tới 66,6 triệu người. Các khu vực có mức tăng nhiều nhất là: châu Á (từ 20,9 triệu người lên 23,3 triệu người); châu Âu (từ 7,9 triệu người lên 10,6 triệu người), Bắc Mỹ (từ 29,9 triệu người lên 30,6 triệu người). Đây cũng là những thị trường khách trọng điểm của Việt Nam.

Golf Việt Nam cũng ngày càng “sáng giá” trên bản đồ golf quốc tế. Tại lễ trao giải thưởng golf thế giới lần thứ 9 (World Golf Award - WGA) diễn ra vào tháng 11/2022 ở Park Hyatt Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Việt Nam đã được công nhận là “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới và châu Á năm 2022”. Đây là giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực golf trên thế giới, thuộc hệ thống giải thưởng World Travel Awards.

Tại World Golf Award lần thứ 9, Việt Nam thắng ba hạng mục quốc tế gồm: Điểm đến du lịch golf tốt nhất châu Á, Hiệp hội golf tốt nhất thế giới cho Hiệp hội du lịch golf Việt Nam (VGTA) và Sân par 3 tốt nhất thế giới cho sân Học viện Els Performance, Hưng Yên. Từ năm 2017 đến nay, Việt Nam liên tục giữ danh hiệu “Điểm đến tốt nhất châu Á”, riêng năm 2021 Việt Nam đứng đầu hạng mục này ở cấp thế giới. Bà Nà Hills Golf Club (Đà Nẵng) do Luke Donald thiết kế liên tục đoạt giải “sân tốt nhất châu Á” từ năm 2017 đến năm 2021.

Thị trường nội địa đầy tiềm năng

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 khiến ngành công nghiệp “không khói” trong nước bị đóng băng, du lịch golf được xem là “chìa khóa” để ngành du lịch Việt Nam tăng giá trị doanh thu, thoát khó khăn trong giai đoạn hồi sức hậu Covid-19.

Ông Phạm Thành Trí, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam, cho biết những năm gần đây, Việt Nam đã khẳng định danh tiếng là điểm đến chơi golf hàng đầu châu Á với danh hiệu Điểm đến chơi golf tốt nhất thế giới năm 2019 và 2021, 5 năm liên tiếp trở thành “Điểm đến chơi Golf tốt nhất Châu Á (2017 - 2021) theo bình chọn của World Golf Awards.

Trước thời điểm dịch Covid-19, du lịch golf đã là điểm sáng của du lịch Việt Nam. Năm 2019, có 1,5 triệu lượt khách du lịch golf quốc tế trong số 18 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Sau Covid-19, du lịch thể thao đặc biệt là du lịch golf lại càng tăng. 7 tháng đầu năm 2023, đã có 1 triệu lượt khách du lịch golf quốc tế trong số 6,6 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

“Du lịch golf là thế mạnh của du lịch Việt Nam. Một khách du lịch golf sẽ chi khoảng 40 triệu đồng trong 5 ngày ở Việt Nam chưa kể vé máy bay, trong khi khách du lịch khác chi tiêu chi thấp hơn rất nhiều”, ông Phạm Thành Trí nói.

Thị trường khách du lịch golf chính đến Việt Nam hiện nay là khách Hàn Quốc, tiếp đến là Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á. Ngoài ra, với thực trạng và hướng phát triển golf, hoàn toàn có thể khẳng định du lịch golf Việt Nam còn có dư địa lớn để phát triển, thu hút nhiều khách đến từ các thị trường du lịch golf của Mỹ, Tây u và Đông Bắc Á, thậm chí là khách nội địa. Điều này không hẳn không có căn cứ khi tầng lớp giàu có của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo báo cáo của Knight Frank, Tập đoàn tư vấn bất động sản có trụ sở chính tại Anh, dự báo đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng của giới siêu giàu Việt Nam đạt 31%, tương đương 511 người sở hữu khối tài sản trên 30 triệu USD và hơn 25.800 người sở hữu khối tài sản trên 1 triệu USD. Công ty này cũng chỉ ra rằng một bộ phận là các doanh nhân sẵn sàng chi khoảng 10-20% tổng tài sản để chơi những bộ môn thể thao cao cấp, trong đó có chơi golf hoặc sở hữu bất động sản gắn liền với golf.

Một số nguồn thống kê cho hay Việt Nam hiện có gần 150.000 người chơi golf, tần suất trung bình khoảng 20 trận/năm. Nhu cầu chơi golf trong nước khoảng 2 triệu lượt chơi/năm, và số lượng người chơi tại Việt Nam không ngừng gia tăng theo từng năm, dự kiến đạt khoảng 300.000 người vào năm 2025.

Ông Mark Siegel, giám đốc điều hành Công ty Golfasian, chuyên tổ chức giải thi đấu golf lớn nhất châu Á, đánh giá Việt Nam nằm trong số những điểm đến chơi golf đang lên của thế giới. Du lịch kết hợp chơi golf có thể mang lại cho Việt Nam 200 - 300 triệu USD doanh thu một năm.

“Việt Nam có dân số gần 100 triệu, đông thứ 15 trên thế giới. Đi liền với đó, các đường bay ngày càng đa dạng, chi phí cũng hợp lý, nên dự báo số người chơi golf hay đến các khu nghỉ dưỡng có sân golf sẽ tiếp tục tăng”, giám đốc điều hành Công ty Golfasian cho hay.

Sân golf hút mạnh nhà đầu tư

Cuộc đua sân golf càng trở nên sôi động hơn khi Nghị định 52/2020/NĐ-CP về đầu tư kinh doanh sân golf được Chính phủ ban hành. Cùng với đó, Luật quy hoạch (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019) cũng mở cửa thông thoáng hơn cho việc đầu tư kinh doanh dự án sân golf. Theo đó, quy hoạch sân golf sẽ được các địa phương lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố. Cũng theo luật này, sẽ không có quy hoạch sân golf quốc gia giai đoạn sau năm 2020, đồng nghĩa với việc địa phương được cấp phép đầu tư sân golf theo nhu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của mỗi tỉnh. Ngay cả các địa phương không có thế mạnh về du lịch như Bắc Giang, Tiền Giang, Kon Tum,… cũng nhảy vào “cuộc đua” này.

Theo quy hoạch Bắc Giang thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, tỉnh này sẽ quy hoạch 12 khu chức năng tổng hợp sân golf và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí với 13 sân golf. Hầu hết các sân golf bố trí trong và gần vùng trọng điểm kinh tế, các khu du lịch của tỉnh, thuận tiện cho việc di chuyển. Mục tiêu đưa Bắc Giang thành trung tâm golf của cả nước. Để thực hiện được tham vọng này, ngày 28/6/2023, UBND tỉnh Bắc Giang đã có quyết định phê duyệt dự án Khu đô thị mới sân golf núi Nham Biền tại xã Đồng Sơn, TP Bắc Giang và xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng. Theo UBND tỉnh Bắc Giang, dự án sẽ khai thác tiềm năng và lợi thế về cảnh quan và sinh thái của núi Nham Biền, từ đó hình thành một khu vui chơi giải trí cao cấp, đáp ứng các yêu cầu về dân cư, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan môi trường.

Còn theo quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, giai đoạn 2026 - 2030, Thanh Hoá sẽ phát triển 13 sân golf gắn với phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái cao cấp. Hiện tỉnh này đang tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án sân golf 18 lỗ tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương.

Gần đây nhất, tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra thông tin về loạt dự án sân golf, đi kèm với đó là các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp chuẩn bị kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021 – 2020, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh sẽ có các sân golf gồm: Dự án khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng và sân golf tại thị trấn Thiên Cầm (tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng); dự án khu đô thị, du lịch và sân golf Kỳ Nam (tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng); dự án Tổ hợp nghỉ dưỡng, sân golf quốc tế Thịnh Lộc (rộng 165ha, tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng),…

Theo thống kê mới nhất từ Câu lạc bộ Golf Hoàng gia (R&A) và dữ liệu toàn cầu của National Golf Foundation, Việt Nam có gần 80 sân golf đã đi vào hoạt động và hơn 40 sân khác đang hoàn thiện. Sức hấp dẫn của môn thể thao đẳng cấp dành riêng cho giới thượng lưu này vẫn chưa hết “nóng” khi hàng loạt dự án sân golf được chấp thuận chủ trương đầu tư và rục rịch khởi động ngay trong năm 2023. Điển hình như Dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng sinh thái Glory được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH MDA E&C (công ty có 100% vốn đầu tư từ Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư trên 387 tỷ đồng; hay dự án Khu thể thao sân golf tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ của Công ty Cổ phần golf Tân Thái (diện tích hơn 84,2ha với tổng vốn đầu tư trên 586 tỷ đồng),… Hay như Tập đoàn T&T Group vào tháng 2/2023 đã chính thức khởi động dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông với quy mô gần 500ha, tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng tại Phú Thọ.

Bên cạnh các dự án đã được phê duyệt chấp thuận chủ trương, nhiều doanh nghiệp khác vẫn tiếp tục đề xuất dự án sân golf như: Tập đoàn Hòa Phát đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận cho doanh nghiệp thực hiện dự án xây dựng sân golf quốc tế và đô thị sinh thái có quy mô khoảng 385ha, thuộc hai xã Đức Xương, Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc và xã Hồng Đức, huyện Ninh Giang; Công ty Cổ phần D&N Group đề xuất khảo sát và lập quy hoạch làm dự án Tổ hợp khu đô thị nghỉ dưỡng và sân golf tại huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh (tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng); BIM Group đề xuất ý tưởng đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái, dịch vụ du lịch, sân golf tại thị xã Tịnh Biên, An Giang; hay CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt đề xuất thực hiện dự án Khu đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch và sân golf Đức Trọng (600ha) tại Lâm Đồng….

Chưa tương xứng với tiềm năng

Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển du lịch golf, tuy nhiên, so với thế giới, thị trường du lịch golf Việt Nam còn nhiều thách thức. Du lịch golf của chúng ta chỉ mới chập chững những bước phát triển đầu tiên, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh với các nước trong khu vực. Thực tế hiện nay, các sân golf đang phục vụ đến 60% là người Việt, trong khi lượng khách quốc tế, nhất là những người chơi golf trên thế giới với khối tài sản không hề nhỏ vẫn chưa “hạ cánh” tại Việt Nam.

Theo số liệu ước tính, tỷ lệ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chơi golf mới chỉ chiếm 0,8% trên tổng số 15 triệu lượt khách, trong khi đó ở Malaysia là 2% trên tổng số 25 triệu lượt, Thái Lan là 9% trên tổng số 35 triệu lượt khách. Đối tượng khách chơi golf thường là người giàu có, có mức chi tiêu gấp đôi so với khách du lịch bình thường. Tại các quốc gia, doanh thu từ du lịch golf từ các sân golf chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng doanh thu du lịch, chiếm tới 9% tại Mauritius, 3,46% tại Mexico, 3% tại Thái Lan,... Đây là thực tế đáng suy nghĩ đối với một quốc gia được đánh giá là có tiềm năng về du lịch golf như Việt Nam.

Ngành du lịch golf ở Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng cũng gặp không ít trở ngại và khó khăn. Theo ông Phạm Thành Trí, trước hết mức thuế cao ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh; hầu hết các công ty lữ hành chưa quan tâm mạnh mẽ đến du lịch golf; nhân lực du lịch chưa được đào tạo đầy đủ về golf; sản phẩm du lịch golf nghèo nàn, đơn giản; các thành phần của ngành du lịch Việt Nam chưa kết nối với golf; chưa có các chuyến bay charter tới các điểm chơi golf. Bên cạnh đó, truyền thông về du lịch golf còn thiếu và yếu, chưa sử dụng công nghệ trong du lịch golf.

Để phát triển ngành du lịch golf hiệu quả, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam gợi ý cần tăng cường sự kết nối, làm tốt công tác truyền thông để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân hiểu được golf là một môn thể thao và là một ngành kinh tế gồm xuất khẩu dịch vụ chơi golf, ăn uống, tham quan cho khách du lịch golf quốc tế. Tiếp đến là tăng cường sự kết nối, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để kết nối thuận tiện nhất về thông tin, giao lưu giữa các câu lạc bộ golf, sân golf.

Bên cạnh đó, cần mở rộng thị trường du lịch golf cho khách du lịch châu Âu, Mỹ, Australia, Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ, Nam Phi, Đông Nam Á... bằng cách tổ chức các giao lưu golf giữa đội tuyển golf các nước và đội tuyển golf Việt Nam. Ông Trí cũng cho biết sắp tới hiệp hội sẽ cho ra mắt hệ sinh thái Đông Nam Á trên cơ sở của hệ sinh thái du lịch golf Việt Nam từ tháng 10/2023, để có thể đặt tour golf tại Việt Nam hoặc từ nước ngoài qua web, app. Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam kỳ vọng nếu triển khai tốt và có sự đồng lòng, mục tiêu năm 2023 sẽ đưa được 2 triệu du khách du lịch golf quốc tế đến Việt Nam và tới năm 2026 sẽ đạt con số 5 triệu với doanh thu khoảng 200.000 tỷ đồng.

Tọa đàm Đầu tư ngành golf Việt Nam và ra mắt ấn phẩm "Toàn cảnh Đầu tư ngành golf Việt Nam sẽ diễn ra tại Hà Nội vào sáng thứ 5 (12/10) nhân kỷ niệm 19 năm Ngày doanh nhân Việt Nam với sự tham dự của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nhân và golf thủ. Bạn đọc quan tâm đến chủ đề này, vui lòng liên hệ Tòa soạn.

Ấn phẩm "Toàn cảnh Đầu tư ngành golf Việt Nam" dày 300 trang, giá bán 198 ngàn đồng. Liên hệ mua ấn phẩm: Cô Thu Trang, điện thoại: 0989631133. Email: [email protected].

Tin mới lên