Ngân hàng

Dữ liệu quốc gia dân cư: Nền tảng tăng tốc dịch vụ ngân hàng số

(VNF) - Để chuyển đổi số, một vấn đề cốt lõi là cơ sở dữ liệu chuẩn. Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đã xác lập nền tảng công dân số để từ đó ứng dụng và phát triển các ứng dụng, dịch vụ số. Với ngành ngân hàng, khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ hội để tăng tốc dịch vụ ngân hàng số.

Dữ liệu quốc gia dân cư: Nền tảng tăng tốc dịch vụ ngân hàng số

Kết nối và khai thác

Với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGvDC), lần đầu tiên Việt Nam có một kho dữ liệu thống nhất, tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin. Đến nay, Bộ Công an đã số hóa và lưu trữ thông tin hơn 98 triệu dân cư tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ cơ sở dữ liệu này, Bộ Công an đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân và triển khai cấp căn cước có gắn chíp điện tử cho hàng chục triệu người…

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án đặt mục tiêu trong giai đoạn 2022 – 2023, nghiên cứu, thí điểm ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên thẻ căn cước công dân đối với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng… Tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước... lên ứng dụng VNeID, mã QR của thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử. Triển khai việc ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên thẻ căn cước công dân đối với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng như mở tài khoản, nhận biết khách hàng, thanh toán, cho vay, ví điện tử…

Tại cuộc họp mới đây của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngân hàng triển khai Đề án 06 với 2 nhóm công việc chính: Kết nối, khai thác CSDLQGvDC phục vụ dịch vụ công và các nghiệp vụ của NHNN; kết nối, khai thác CSDLQGvDC phục vụ phát triển kinh tế xã hội của ngành ngân hàng.

Thời gian qua, ngành ngân hàng cùng Bộ Công an triển khai xong hệ thống dịch vụ công kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; từng bước triển khai làm sạch cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng khách hàng; thử nghiệm cung cấp một số giải pháp xác thực khách hàng điện tử qua căn cước công dân gắn chíp khi giao dịch với ngân hàng;…

Đến nay, ngân hàng đã làm sạch dữ liệu 15 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu của Trung tâm tín dụng quốc gia (CIC); tiến tới kết nối cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác phòng, chống rửa tiền. Đối với kết CSDLQGvDC để thúc đẩy các hoạt động của tổ chức tín dụng trên kênh số. Các TCTD cùng với C06 - Bộ Công an triển khai các giải pháp xác thực khách hàng qua thẻ CCCD gắn chip, ứng dụng phần mềm VNEID và kết nối khai thác cơ sở dữ liệu ứng dụng trong một số nghiệp vụ của ngân hàng thương mại…

“Việc xác thực chính xác người sử dụng dịch vụ ngân hàng rất quan trọng, góp phần ngăn ngừa tội phạm, lừa đảo, vừa giúp các ngân hàng kiểm soát rủi ro, vừa giúp đảm bảo an toàn tài sản cho doanh nghiệp và người dân”, Thống đốc nhấn mạnh.

Đến nay, một số ngân hàng như BIDV, Vietcombank, Vietinbank đã kết nối, triển khai thí điểm trong giao dịch nộp, rút tiền, dịch vụ mở tài khoản… trên cơ sở xác thực khách hàng trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện có 120 triệu tài khoản thanh toán tại các tổ chức tín dụng và 51 triệu hồ sơ khách hàng tại CIC với lượng giao dịch lên tới 30 tỷ USD/ngày qua hệ thống ngân hàng, thì việc ứng dụng các giải pháp trên sẽ giúp các giao dịch thuận tiện, phòng tránh tội phạm, lừa đảo.

Một nội dung quan trọng khác là việc các ngân hàng hướng đến cung cấp tín dụng trên cơ sở số - nghĩa là khách hàng không cần đến ngân hàng mà vẫn được vay vốn tín dụng. Đến nay, một số ngân hàng đã thử nghiệm hệ thống chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư. Qua đó, có thể cho vay tín chấp đối với các món vay giá trị nhỏ. Điều này góp phần hạn chế tín dụng đen. Đồng thời, giúp giảm chi phí, từ đó giảm lãi suất cho vay tín dụng tiêu dùng.

Để tạo cơ sở pháp lý cho vay tín chấp với dân cư, NHNN sẽ ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, cho phép cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử. Việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cho vay tiêu dùng thành công sẽ tạo cơ sở để tiến tới cho vay các doanh nghiệp khi có cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp được kết nối với các hệ thống khác.

Dữ liệu chuẩn giúp mở rộng không gian số

Trong năm 2023, NHNN cho biết sẽ kết nối, khai thác các thông tin, cơ sở dữ liệu xuất nhập cảnh hỗ trợ công tác phòng chống rửa tiền; mở rộng các giải pháp giúp xác thực khách hàng qua CCCD gắn chíp ứng dụng phần mềm VNeID, kết nối cơ sở dữ liệu để đa dạng hóa các dịch vụ khác; hoàn thiện hành lang pháp lý về cho vay và mở tài khoản để có thể xác thực chính danh khách hàng khi thực hiện… Cụ thể, thúc đẩy giải pháp ứng dụng xác thực người dân qua thẻ căn cước công dân gắn chíp trong một số nghiệp vụ của ngân hàng thương mại; mở tài khoản cho công dân trên ứng dụng mobile banking thông qua định danh khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chip; kết nối tài khoản VNEID phục vụ chi trả an sinh xã hội…

Để đẩy mạnh việc sử dụng dữ liệu dân cư trong ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng cần đẩy nhanh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; xây dựng quy trình làm sạch cơ sở dữ liệu khách hàng, loại bỏ các tài khoản “rác”… để ngăn chặn việc gian lận, lừa đảo, cho thuê mượn tài khoản ngân hàng, góp phần phòng, chống rửa tiền, ngăn ngừa tội phạm gian lận, lừa đảo tại các tổ chức tín dụng. Cùng với đó, xây dựng quy trình xác thực khách hàng chính xác, ngăn ngừa tội phạm gian lận hồ sơ giấy tờ, mở tài khoản mạo danh hoặc lừa đảo khách hàng chiếm quyền truy cập các dịch vụ ngân hàng số trong cung cấp các dịch vụ ngân hàng số trên môi trường mạng; kết nối nguồn dữ liệu từ CSDLQGvDC sử dụng cho việc xác minh nhân thân khách hàng và tra cứu các thông tin để đánh giá khả năng trả nợ từ đó đẩy nhanh thủ tục cho vay, góp phần giảm tín dụng đen.

Lãnh đạo NHNN cho biết trong năm 2023, NHNN xác định đòi hỏi đầu tiên là xây dựng hoàn thiện thể chế. Tập trung chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định thanh toán không dùng tiền mặt; lên kế hoạch sửa đổi, bổ sung loạt văn bản quy phạm pháp luật cắt giảm thành phần hồ sơ, giấy tờ, thông tin phải khai báo và chia sẻ dữ liệu khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến… Đồng thời, tích hợp với các dịch vụ công của NHNN; kết nối, khai thác CSDLQGvDC, trong việc quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền; kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư liên quan đến nghiệp vụ thông tin tín dụng. Ưu tiên việc kết nối cơ sở CSDLQGvDC, hệ thống định danh và xác thực điện tử trong ứng dụng xác thực người dân qua thẻ căn cước công dân gắn chíp và tài khoản định danh điện tử khi cung cấp dịch vụ ngân hàng

Ngay trong 2023, NHNN sẽ nâng cấp, tích hợp, kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến NHNN, hệ thống một cửa điện tử NHNN sử dụng danh tính điện tử, tài khoản định danh điện tử tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an.

Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) tiếp tục khai thác thông tin từ CSDLQGVDC để làm sạch toàn bộ 51 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia bằng phương thức offline. Cục Phòng chống rửa tiền cùng các đơn vị Bộ Công an để lên kế hoạch khai thác các dịch vụ về nhân thân, thông tin xuất nhập cảnh phục vụ nghiệp vụ phòng chống rửa tiền của NHNN.

Ngoài ra, các TCTD sẽ phối hợp cùng C06 - Bộ Công an mở rộng giải pháp xác thực khách hàng qua thẻ CCCD gắn chíp (Match on Card - MoC), ứng dụng phần mềm VNEID và triển khai kết nối, khai thác CSDLQGvDC để phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng.

Tin mới lên