Ngân hàng

Được gỡ nút thắt, tỷ giá tăng mạnh, doanh nghiệp lo lắng

(VNF) - Biên độ tỷ giá vừa được điều chỉnh tăng như là động thái “gỡ nút thắt” khiến tỷ giá giao dịch USD tăng mạnh. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá VND/USD đã tăng 6%,  khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể chịu áp lực.

Được gỡ nút thắt, tỷ giá tăng mạnh, doanh nghiệp lo lắng

Tỷ giá VND/USD tăng hơn 6% từ đầu năm

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 17/10 đã điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và USD từ 3% lên 5%. Như vậy, so với trước đó, tỷ giá tại các ngân hàng sẽ có thêm dư địa 2% để điều chỉnh tăng hoặc giảm.

Đây là lần đầu tiên sau 7 năm, biên độ tỷ giá được điều chỉnh. Cơ quan điều hành cho biết, động thái này là nhằm ổn định tâm lý thị trường ngoại tệ, ngăn chặn đầu cơ, đồng thời thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và chính sách thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Lạm phát toàn cầu gia tăng, đồng USD tăng giá mạnh, tạo áp lực mất giá lớn đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi. Từ đầu năm 2022 đến nay, đồng Euro mất 20-30% giá trị, các đồng tiền trong khu vực Đông Nam Á mất giá khoảng 10-12%. Đồng Việt Nam là một trong những đồng tiền mất giá thấp nhất so với USD, khoảng gần 5,5%.

Hiện kinh tế toàn cầu chịu áp lực rất lớn từ việc USD tăng giá. Do đó, việc điều chỉnh biên độ tỷ giá giữa đồng USD và đồng Việt Nam là cần thiết.

Giới phân tích nhận định động thái này không chỉ kiểm soát tỷ giá mà còn làm giảm áp lực cung - cầu ngoại tệ. 

Tuy nhiên, nới biên độ điều chỉnh tỷ giá chỉ là một trong nhiều giải pháp, công cụ mà NHNN thực hiện nhằm giúp tỷ giá ổn định. Trước đó, để ổn định tỷ giá, NHNN đã dùng nhiều biện pháp như: sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất, chuyển phương thức giao dịch ngoại tệ từ bán kỳ hạn 3 tháng sang phương thức bán giao ngay…

Gần đây, NHNN cũng liên tục điều chỉnh tỷ giá trung tâm tăng mạnh. Tỷ giá trung tâm đến ngày 18/10 là 23.637 đồng/USD. Việc nới biên độ tỷ giá giao ngay và nâng tỷ giá trung tâm khiến tỷ giá VND/USD tại các NHTM đã tăng hơn 6% kể từ đầu năm.

Bên cạnh đó, NHNN cũng nhiều lần tiến hành điều chỉnh tăng giá bán USD nhằm phù hợp với biến động mạnh và liên tục gia tăng của tỷ giá USD/VND trong thời gian gần đây.

Ngày 17/10, NHNN đã nâng giá bán ra USD từ 23.925 đồng/USD lên 24.380 đồng/USD, tương đương mức tăng 455 đồng/USD. Đây là mức tăng mạnh chưa từng có của giá bán USD từ Sở Giao dịch NHNN trong nhiều năm qua.

Tính từ đầu năm đến nay, NHNN đã có 5 lần điều chỉnh tăng mạnh giá bán USD với tổng mức tăng 1.330 đồng/USD, tương đương tăng 5,7%. Đáng chú ý, mỗi lần tăng giá bán USD là tỷ giá USD/VND tại các NHTM lại tăng rất mạnh.

Ngay sau động thái quyết liệt của nhà điều hành, giá USD tại các NHTM loạt được điều chỉnh tăng rất mạnh. Chiều 18/10, có ngân hàng bán ra USD với mức cao nhất tới 24.660 đồng/USD.

Trên thị trường tự do, giá USD cũng tăng mạnh. Ngày 18/10, USD "chợ đen" được mua - bán ở mức 24.600 - 24.700 VND/USD

Áp lực lớn lên doanh nghiệp

Các chuyên gia cho rằng, biên độ tỷ giá tăng thêm sẽ không tác động quá lớn đến động thái khối ngoại do thị trường chứng khoán ảnh hưởng bởi lãi suất nhiều hơn tỷ giá.

Nhưng doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể chịu áp lực từ việc tăng biên độ tỷ giá, bởi đồng USD đắt lên sẽ tạo áp lực chi phí với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hóa. Vì vậy, việc tăng biên độ tỷ giá sẽ tạo áp lực cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thời gian tới. 

Các doanh nghiệp cũng cần tính toán đến chênh lệch tỷ giá khi vay ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp vay ngoại tệ ở thời điểm giá đồng USD rẻ. Song tới kỳ thanh toán trả nợ, giá USD lại tăng cao dẫn tới doanh nghiệp phải chịu thêm khoản bù chênh lệch tỷ giá khá lớn.

Nhiều người băn khoăn, việc điều chỉnh biên độ tỷ giá liệu có làm mất giá tiền Đồng. Giới phân tích cho rằng, biên độ tỷ giá tăng thêm sẽ không tác động quá lớn đến việc mất giá tiền Đồng. Bởi đồng Việt Nam mất giá ít hơn so với các đồng tiền khác trong khu vực. Từ đây tới cuối năm, đồng Việt Nam có thể chỉ giảm thêm khoảng 1%.

Một điểm tích cực từ việc điều chỉnh biên độ giao ngay là chênh lệch giá USD ở thị trường chính thống và thị trường “chợ đen” sẽ giảm. Theo đó, các NHTM có thể bán được USD giá cao so với mức quy định trước đây của NHNN, cũng có thể mua được USD giá thấp.

Từ đó, hoạt động đầu cơ USD được giảm đi. Động thái điều chỉnh biên độ tỷ giá trên của NHNN sẽ tạo điều kiện để tỷ giá điều chỉnh linh hoạt hơn, phản ánh sát tình hình cung cầu ngoại tệ trên thị trường, góp phần hạn chế nhập siêu và khuyến khích xuất khẩu, bảo đảm tăng trưởng kinh tế hợp lý, phù hợp với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế.

Nói về việc này, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, nhận định: “Việc nới biên độ tỷ giá tác động rất nhiều chiều cạnh từ lạm phát, lãi suất, xuất nhập khẩu, thanh toán nợ, nhất là nợ nước ngoài. Tuy nhiên, điểm cân bằng mới này đã nằm trong tính toán để vừa đảm bảo tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hoá, vừa không gây tác động tiêu cực lớn lên lạm phát và nhập khẩu”.

Tin mới lên