Được ông Trump mời dự lễ nhậm chức, ông Tập có nhận lời hay không?
(VNF) - Một quan chức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington ngày 12/12 cho hay việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới dự lễ nhậm chức là một "tín hiệu chào đón", nhưng không nói liệu ông Tập có tham dự buổi lễ vào ngày 20/1 hay không.
Chưa từng có tiền lệ
Thư ký báo chí mới của ông Trump, bà Karoline Leavitt, ngày 12/12 đã xác nhận các thông tin trước đó của giới truyền thông rằng ông Trump đã mời ông Tập dự lễ nhậm chức tổng thống Mỹ của ông vào tháng tới, nhưng cho biết "vẫn chưa xác định" liệu ông Tập có tham dự hay không.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh cho hay họ "không có thông tin nào để cung cấp" về lời mời này.
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc dường như không thể chấp nhận lời mời của ông Trump xét theo nghi thức ngoại giao và tiền lệ lịch sử.
Không có ghi chép nào về việc bất kỳ nguyên thủ quốc gia Trung Quốc nào tham dự lễ chuyển giao quyền lực tổng thống Mỹ. Kể từ khi trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình chưa từng tham dự một sự kiện như vậy ở nước ngoài, thay vào đó là cử một đại diện hoặc đắc phái viên tham dự.
Thông thường, một chủ tịch Trung Quốc muốn thăm Mỹ cũng phải trải qua nhiều vòng chuẩn bị, một quá trình có thể kéo dài tới vài tháng.
Hồ sơ của Washington có từ năm 1874 cho thấy không có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham gia lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, mặc dù các nhà chức sắc và nhà ngoại giao nước ngoài thường tham dự, một thông lệ mà Bắc Kinh cũng đã áp dụng.
Ví dụ, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ lúc bấy giờ là Chu Văn Trung đã tham dự lễ nhậm chức tổng thống của ông Barack Obama năm 2009 với tư cách là đại diện của chính phủ Trung Quốc.
Nhưng vào năm 2021, Bắc Kinh không xác nhận có cử quan chức nào hay không, chỉ tuyên bố rằng đại sứ quán Trung Quốc đã nhận được lời mời tham dự lễ nhậm chức của ông Joe Biden và "gửi lời chúc mừng" tới ông.
Mở ra một "khởi đầu tốt đẹp"
Phát biểu tại hội nghị thường niên của Viện Nghiên cứu Trung Quốc - Mỹ tại Washington, ông Qiu Wenxing, một quan chức Đại sứ quán Trung Quốc, cho hay ông hy vọng động thái từ phía ông Trump có thể dẫn đến một "khởi đầu tốt đẹp" cho quan hệ song phương giữa hai nước.
“Tôi nghĩ đó là một tín hiệu chào đón. Chúng tôi mong muốn được làm việc với nhóm chuyển giao, đó là mục tiêu của chúng tôi, để mối quan hệ này có một quá trình chuyển giao suôn sẻ, và sau đó vào đầu năm sau chúng ta có thể có một khởi đầu tốt đẹp”, nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh thêm.
Ông Yu Tiejun, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng ông Tập Cận Bình nên tham dự lễ nhậm chức.
“Ông Trump thực sự rất khác thường và đó sẽ là một động thái phá băng nữa”, ông Yu nói.
Nhiều nhà phân tích dự đoán chính sách về Trung Quốc của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai sẽ tiếp tục lập trường cứng rắn như nhiệm kỳ đầu, vì ông đã tuyên bố sẽ áp thuế nhiều hơn đối với Trung Quốc ngay từ ngày đầu nhậm chức - lên tới 60% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ông Trump cũng đã lấp đầy các vị trí cấp cao bằng những người có quan điểm cứng rắn lâu năm với Trung Quốc, bao gồm Thượng nghị sĩ Marco Rubio cho vị trí ngoại trưởng Mỹ và Đại diện Mike Waltz cho vị trí cố vấn an ninh quốc gia.
Ông Qiu cho biết ông hy vọng chính quyền thứ hai của ông Trump sẽ nhận ra tầm quan trọng của sự hợp tác giữa hai quốc gia và giải quyết những khác biệt thông qua đàm phán.
“Nếu Trung Quốc và Mỹ lại bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại, toàn thế giới sẽ phải trả giá, và cả Trung Quốc và Mỹ đều sẽ phải trả giá”, ông nói.
Không rõ liệu ông Trump có duy trì các kênh liên lạc và nhóm làm việc mà Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính quyền của ông đã duy trì với Bắc Kinh hay không.
Ông Biden và ông Tập đã nối lại và thành lập các nhóm làm việc về nhiều vấn đề từ kinh tế đến công nghệ cho đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương kể từ cuộc gặp bên lề diễn đàn APEC ở San Francisco vào tháng 11/2023.
Ông Qiu cho biết sẽ "có hại" cho lợi ích của cả hai quốc gia nếu các kênh đó bị thu hẹp hoặc bị hủy bỏ trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
“Chúng tôi cũng hy vọng rằng chính phủ mới của Mỹ có thể thực hiện liên lạc chặt chẽ thông qua các kênh hiện có của cả hai bên khi bắt đầu nhiệm kỳ", ông Qiu nhấn mạnh.
Tại sự kiện của Viện Nghiên cứu Trung Quốc - Mỹ, các nhà phân tích Mỹ và Trung Quốc cho biết vẫn còn quá sớm để xác định chính quyền thứ hai của ông Trump sẽ xử lý chính sách Trung Quốc như thế nào.
Ngay cả với lời đe dọa áp thuế mới, ông Trump vẫn đưa ra rất ít chi tiết về chính sách thương mại của mình đối với Trung Quốc.
Trong báo cáo công bố ngày 15/11, Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở tại Bắc Kinh đã khuyến cáo rằng khi ông Trump nhậm chức, sẽ là sáng suốt nếu gửi lời mời ông đến thăm Trung Quốc vào thời điểm thích hợp.
Báo cáo cho biết: "Chuyến thăm như vậy có thể là cơ hội để vạch ra kế hoạch chiến lược cho giai đoạn tiếp theo của quan hệ song phương".
Nhóm nghiên cứu dự kiến ông Trump sẽ theo đuổi các chính sách “thắt lưng buộc bụng chiến lược” và “nước Mỹ trên hết”, đặc trưng bởi các chiến lược giao dịch nhằm bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của Mỹ.
“Trong bối cảnh này, sau khi nội các mới của Mỹ được thành lập, các cuộc đối thoại cấp cao Trung - Mỹ có thể được khởi động để đàm phán về các ưu tiên và ranh giới đỏ của mỗi bên”, báo cáo cho biết.
Động thái bất ngờ: Ông Donald Trump mời ông Tập Cận Bình dự lễ nhậm chức
- Ông Putin hợp tác với Trung Quốc để đấu với Mỹ trong cuộc đua AI 13/12/2024 08:45
- Nvidia trở thành quân cờ mới nhất trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung 12/12/2024 03:36
- Tài sản tỷ phú Elon Musk vượt 440 tỷ USD, xô đổ mọi kỷ lục 12/12/2024 10:30
Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.