Ngân hàng

Đường dài cho những ngân hàng 'kiểm soát đặc biệt'

(VNF) - Diễn biến mới nhất ở Eximbank, PGBank cho thấy lộ trình tái cơ cấu đã đi đến bước ngoặt quan trọng. Nhưng để đi đến dấu mốc này, các ngân hàng cũng đã mất cả thập kỷ. Câu chuyện của Eximbank, PGBank cho thấy những ngân hàng trong diện “kiểm soát đặc biệt” rồi đây sẽ phải trải qua chặng đường dài như thế nào.

Đường dài cho những ngân hàng 'kiểm soát đặc biệt'

Chuyện 10 năm

Ngày 28/6, Eximbank (HoSE: EIB) công bố miễn nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT đối với bà Lương Thị Cẩm Tú, thay thế bằng bà Đỗ Hà Phương. Đây là bước ngoặt quan trọng trong lộ trình tái cơ cấu Eximbank sau khi có thay đổi lớn về cơ cấu cổ đông, chấm dứt thời kỳ tranh chấp, hỗn độn

Hơn 10 năm qua, dấu ấn lớn nhất của Eximbank là “cuộc chiến vương quyền” kéo dài. Trong hơn 6 năm (2015 – 2022) ngân hàng này đã có 8 lần thay đổi chủ tịch, từ ông Lê Hùng Dũng sang ông Lê Minh Quốc, bà Lương Thị Cẩm Tú, quay lại ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, đến ông Yasuhiro Saitoh, ông Nguyễn Quang Thông rồi trở lại với ông Yasuhiro Saitoh. Giai đoạn tranh chấp tạm chấm dứt khi khi bà Lương Thị Cẩm được bầu giữ chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) thay ông Yasuhiro Saitoh vào 2022.

Đi cùng với đó là việc đại diện nhóm Thành Công và SMBC rút lui khỏi HĐQT, động thái mở đường cho công cuộc tái cơ cấu. Cụ thể, tháng 1/2023, SMBC chính thức thông báo đã chính thức bán xong 132,8 triệu cổ phiếu EIB, đưa tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng này từ 15,07% xuống còn 4,27%, đồng nghĩa không còn là cổ đông lớn. Cùng với đó, Công ty Cổ phần Phúc Thịnh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công và Hợp tác xã cổ phần Thành Công cũng bán ra hơn 117 triệu cổ phiếu EIB vào cuối tháng 10/2022 để rút khỏi Eximbank

Exim từng là ngân hàng mạnh. Nhưng sau khi tham gia vụ thâu tóm Sacombank của Ngân hàng TMCP Phương Nam hồi 2011 – 2012, ngân hàng này đã rơi vào vòng xoáy khủng hoảng kéo dài suốt 10 năm qua. Sự ổn định có được từ nửa cuối năm ngoái đã lập tức mang lại tín hiệu tốt về kinh doanh. Đợt sắp xếp mới nhân sự cao cấp mang lại hy vọng cho Eximbank trên đường tìm lại chính mình.

Về PGBank (UPCoM: PGB), tháng 7/2023, ngân hàng này có thay đổi lớn về nhân sự. Theo đó, ông Nguyễn Phi Hùng, nguyên tổng giám đốc, đảm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT. Ông Phạm Mạnh Thắng, nguyên phó tổng giám đốc Vietcombank, làm quyền tổng giám đốc.

Sau khi Petrolimex rút hết vốn, đã có 3 cổ đông lớn mới xuất hiện. Cụ thể, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và phát triển thương mại Gia Linh nắm giữ 13,1% vốn, Công ty Cổ phần Quốc tế Cường Phát nắm giữ 13,54% vốn. Công ty Cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức nắm giữ 13,36% vốn. Tổng cộng, 3 doanh nghiệp này nắm giữ gần 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương tỷ lệ sở hữu là 40%.

Phải tái cơ cấu nhằm giảm tỷ lệ sở hữu của Petrolimex, câu chuyện PGBank bắt đầu từ năm 2014 với kế hoạch sáp nhập vào VietinBank theo hướng PGBank sẽ là đơn vị thành viên trực thuộc VietinBank, tức mô hình ngân hàng trong ngân hàng. Tuy nhiên, thương vụ sáp nhập này liên tục bị trì hoãn và đến cuối năm 2017 cả hai bên thông báo dừng việc sáp nhập. Sau đó, có PGBank có kế hoạch sáp nhập với HDBank. Dù HDBank rất kỳ vọng và theo đuổi thương vụ này nhưng không được các cơ quan quản lý chấp thuận.

Ngay đầu năm nay, PGBank lại có thông tin sáp nhâp với MSB khi lãnh đạo MSB tiết lộ về khả năng sáp nhập ngân hàng này. Tuy nhiên, lãnh đạo PGBank phủ nhận và cho biết không có chủ trương sáp nhập với một ngân hàng nào khác.

PGBank là ngân hàng quy mô nhỏ nhất hệ thống nhưng hoạt động bình thường và các chỉ số không xấu. Tuy nhiên, lộ trình tái cơ cấu để tập đoàn nhà nước rút vốn cũng kéo dài tới 10 năm.

Chặng dài vất vả với “kiểm soát đặc biệt”

Tại báo cáo gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cuối tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 4 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Trong đó, 3 ngân hàng bị mua lại với giá 0 đồng vào năm 2015, gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) còn Ngân hàng Đông Á (DongABank) bị kiểm soát đặc biệt từ 2015.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – SCB mới vào diện kiểm soát đặc biệt từ cuối 2022 và Ngân hàng Nhà nước đang đánh giá tổng thể thực trạng để xây dựng phương án cơ cấu lại.

Việc chuyển giao bắt buộc các ngân hàng kiểm soát đặc biệt được bắt đầu từ gần 2 năm nay. Qua 2 mùa đại hội đồng cổ đông năm 2022 và 2023, các ngân hàng lớn có năng lực, đồng ý nhận chuyển giao cũng đã lộ diện.

Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) có thông tin xác định nhận chuyển giao OceanBank. Vietcombank sẽ nhận chuyển giao CBBank sau khi hỗ trợ quản lý điều hành 8 năm qua. VPBank cũng có những bước thực tế trong việc nhận chuyển giao GPBank. Còn HDBank đã có chủ trương góp vốn điều lệ với mức không quá 9.000 tỷ đồng vào một ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc để thực hiện tái cơ cấu. Và DongA Bank là cái tên mà HDBank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc.

Dù đã có chủ trương nhưng đã gần 2 năm trôi qua, thị trường vẫn chưa có một công bố chính thức nào. Lãnh đạo một ngân hàng nhận chuyển giao thừa nhận, việc chuyển giao khá phức tạp và phải qua nhiều thủ tục trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Đến nay, các bên liên quan đang xây dưng phương án cơ cấu lại các ngân hàng này để trình các cấp có thẩm quyền xem xét. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là cơ chế tài chính và quản trị sau thủ tục sáp nhập.

Bên cạnh đó, điểm gây quan ngại lớn nhất là các ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt hiện thua lỗ khá lớn. Chưa có công bố cuối cùng, nhưng đến năm 2019, OceanBank lỗ luỹ kế hơn 17.900 tỷ đồng, CBBank lỗ luỹ kế hơn 31.000 tỷ đồng.

Các ngân hàng trên bị mua lại 0 đồng cách đây 7 – 8 năm đều được giao cho các ngân hàng lớn có gốc quốc doanh hỗ trợ quản trị điều hành với mục tiêu sau 3 – 4 năm sẽ khắc phục được khó khăn và tái cơ cấu để phát triển. Tuy nhiên, sau thời gian dài hơn dự kiến, các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt vẫn chưa có nhiều chuyển biến đáng kể.

Ngân hàng Đông Á bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 8/2015. Từ đó đến nay, ngân hàng này liên tục chìm trong khó khăn, lãnh đạo chủ chốt ra đi, con số tài chính không được công khai, cổ đông cấm bị chuyển nhượng cổ phần… Việc kinh doanh của ngân hàng đi xuống và gần như không có nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Theo một chuyên gia ngân hàng, với khoản lỗ lớn, cùng sự phức tạp về xử lý nợ xấu, hệ thống, mô hình quản trị, nhân sự, công nghệ… vốn đã đi xuống rất nhiều trong mấy năm qua, bài toán đặt ra cho các ngân hàng tham gia tái cơ cấu là rất khó.

Trả lời tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, lãnh đạo MB thừa nhận đây là việc khó và chỉ có thể làm được với các cơ chế đặc biệt, có sự hỗ trợ lớn từ cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, thời gian để đưa ngân hàng 0 đồng về trạng thái hết lỗ rồi mới tính tiếp cũng ước chừng 8 – 10 năm. Trong phương án đưa ra với các cổ đông, các ngân hàng dự kiến nhận chuyển giao bắt buộc cho thấy những điều kiện hỗ trợ rất đặc biệt và thời hạn đều để mở vì “chưa thể nói trước được”.
 

Tin mới lên