Bất động sản

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Ưu tiên đầu tư tuyến Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP. HCM

(VNF) - Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự án được ưu tiên đầu tư bao gồm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ Hà Nội đến TP. HCM (ưu tiên triển khai đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang – TP. HCM).

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Ưu tiên đầu tư tuyến Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP. HCM

Ưu tiên đầu tư 2 tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trong giai đoạn 2021-2030

Tại lễ công bố trực tuyến toàn quốc Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tổ chức ngày 1/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết bộ đã hoàn thành toàn bộ 5/37 quy hoạch ngành quốc gia.

Trong đó, Quy hoạch đường sắt là quy hoạch thứ ba được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau Quy hoạch mạng lưới đường bộ và Quy hoạch hệ thống cảng biển.

Được biết, quy hoạch đường sắt xác định mục tiêu đến năm 2030 thực hiện cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả 7 tuyến đường sắt hiện hữu với tổng chiều dài khoảng 2.440km; quy hoạch 9 tuyến đường sắt mới với tổng chiều dài 2.362 km.

Trong đó, quy hoạch nêu rõ về việc nghiên cứu triển khai kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới, ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, sân bay quốc tế, đường sắt đầu mối tại thành phố lớn, nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ.

Theo quy hoạch, dự án quan trọng quốc gia được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030 gồm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ Hà Nội đến TP. HCM (ưu tiên triển khai đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang – TP. HCM); cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có.

Cùng với đó, việc triển khai các tuyến, đoạn tuyến đường sắt mới tăng cường kết nối (ưu tiên xây dựng các tuyến kết nối cảng biển khu vực Hải Phòng, Cái Mép - Thị Vải, đường sắt đầu mối Hà Nội) cũng nằm trong các dự án quan trọng được ưu tiên đầu tư.

Mục tiêu đến năm 2030, khối lượng vận chuyển hàng hóa dự kiến đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 4,40% (trong đó đường sắt quốc gia 21,5 triệu khách, chiếm thị phần khoảng 1,87%). Khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 7,35 tỷ tấn.km, chiếm thị phần khoảng 1,38%; hành khách 13,8 tỷ khách.km, chiếm thị phần khoảng 3,55% (trong đó đường sắt quốc gia 8,54 tỷ khách.km, chiếm thị phần khoảng 2,22%).

Tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia được quy hoạch bao gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354 km; trong đó phấn đấu hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TP. HCM, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết xác định công tác lập Quy hoạch là nhiệm vụ rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành GTVT, Bộ GTVT đã chỉ đạo sát sao việc lập Quy hoạch với nỗ lực cao nhất để đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Tin mới lên