EU cố tìm ‘kẽ hở’ để tịch thu tài sản Nga một cách hợp pháp

Hoang Nam - 23/11/2022 12:56 (GMT+7)

(VNF) - Ủy ban châu Âu đang cân nhắc các phương án để có thể tiến hành tịch thu hàng trăm tỷ USD tài sản tư nhân và nhà nước của Nga, trong khi các chuyên gia pháp lý đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng đơn phương tịch thu tài sản của một quốc gia theo luật pháp quốc tế hiện hành.

VNF
Không thể tịch thu tài sản Nga một cách hợp pháp, Brussels cố tìm kiếm kẽ hở.

Hội đồng Châu Âu hồi tháng trước đã nhắc nhở Ủy ban châu Âu (EC) rằng họ được giao nhiệm vụ đưa ra "các lựa chọn phù hợp với luật pháp EU và quốc tế" để sử dụng các khoản tiền bị đóng băng của Nga vào mục đích "hỗ trợ tái thiết Ukraine".

Kế hoạch này ​​được báo cáo là "xác định các cách để tăng cường truy tìm, nhận dạng, đóng băng và quản lý tài sản như các bước sơ bộ cho khả năng tịch thu tài sản Nga".

Liên minh Châu Âu (EU) đang để mắt đến gần 300 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Nga hiện đang bị đóng băng, cộng với tài sản của những người Nga trong danh sách trừng phạt. 

Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng đơn phương tịch thu tài sản của một quốc gia theo luật pháp quốc tế hiện hành. 

Nhằm hướng tới việc thay đổi luật đó, Brussels đã đề xuất coi việc trốn tránh lệnh trừng phạt là một tội ở EU, một quyết định cần có sự nhất trí của các nước thành viên. 

Tuy nhiên, ngay cả khi thỏa thuận đó sắp đạt được, khối sẽ phải khởi kiện từng vụ tịch thu riêng lẻ, chứng minh mối liên hệ rõ ràng giữa chủ sở hữu tài sản được đề cập và hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.

Được biết, theo luật pháp quốc tế, các khoản đầu tư nước ngoài được bảo vệ chống tịch thu mà không phải bồi thường. Theo đó, EC cũng thừa nhận rằng tài sản của ngân hàng trung ương “thường được coi là được bảo vệ bởi quyền miễn trừ"

Mặc dù việc tịch thu tài sản của các doanh nghiệp nhà nước sẽ tránh vi phạm quyền miễn trừ đó “về nguyên tắc”, nhưng Ủy ban lưu ý rằng họ sẽ “cần chứng minh mối liên hệ đầy đủ với nhà nước Nga” trong mọi trường hợp.

Đối với tài sản của những cá nhân bị xử phạt đang cố gắng chuyển tài sản của họ ra khỏi EU, EU có kế hoạch phạt vào “thuế xuất cảnh". Tuy nhiên, giáo sư Stephan Schill của Đại học Amsterdam cho biết những cá nhân đó có thể tuyên bố với tư cách là một nhóm mục tiêu rằng "quyền con người không bị phân biệt đối xử" của họ đã bị vi phạm.

Theo trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hiện hành, EC không thể tịch thu tài sản của Nga một cách hợp pháp. Do đó, EU và các quốc gia thành viên đang cố gắng đưa ra luật hình sự mới.

Hồi tháng 5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng đã thừa nhận rằng việc tịch thu tài sản của ngân hàng trung ương Nga “không phải là điều luật hợp pháp ở Mỹ” hoặc nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, Ukraine, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic vẫn tiếp tục thúc đẩy EC tìm cách thu giữ các khoản tiền bị đóng băng.

Xem thêm >> Ukraine có kế hoạch tăng phí vận chuyển dầu của Nga

Theo Ruptly
Cùng chuyên mục
Tin khác