EU quyết hạ bệ 'đế chế khí đốt' của Nga, tác dụng tới đâu?
(VNF) - Bất chấp những rủi ro với an ninh năng lượng, Liên minh châu Âu (EU) dự định cấm nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) của Nga như biện pháp trừng phạt vì xung đột Ukraine. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng lệnh cấm này sẽ chỉ ảnh hưởng tới ¼ lợi nhuận mà Moscow thu được.
- EU tính giáng đòn lên LNG Nga, ai là người hưởng lợi? 30/04/2024 12:53
Hạ bệ đế chế khí đốt của Nga
Lần đầu tiên kể từ khi Moscow phát động cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine hơn hai năm trước, EU dự kiến sẽ giáng đòn trừng phạt triệt để vào khí LNG của Nga.
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng các đề xuất trên bàn đàm phán sẽ chỉ chạm tới một phần nhỏ trong số hàng tỷ USD mà Moscow nhận được hàng năm từ khí đốt tự nhiên hóa lỏng.
Theo ba nhà ngoại giao EU, Ủy ban châu Âu (EC) sẵn sàng ban hành lệnh cấm đối với các cảng EU bán lại LNG của Moscow. Ủy ban cũng sẽ yêu cầu hạn chế đối với ba dự án LNG sắp tới của Nga. Các biện pháp này sẽ là một phần của gói trừng phạt thứ 14 của EU lên Nga kể từ khi chiến sự Ukraine nổ ra.
Các biện pháp trừng phạt LNG được thiết kế để ngăn chặn hoạt động kinh doanh sinh lợi của Moscow, giúp vận chuyển hàng hóa năng lượng của nước này đi khắp thế giới.
Tuy nhiên, như được viết trong dự thảo đề xuất, các hình phạt sẽ chỉ ảnh hưởng đến khoảng 1/4 trong số 8 tỷ euro (8,6 tỷ USD) lợi nhuận LNG của Nga, theo các chuyên gia và dữ liệu được POLITICO phân tích.
Cho đến nay, Ủy ban đã chống lại việc xử phạt LNG bất chấp các yêu cầu liên tục từ các nước vùng Baltic và Ba Lan. Tuy nhiên, đề xuất mới dường như đang nhanh chóng nhận được sự ủng hộ chính trị. Áp lực cũng đang gia tăng đối với các nước EU trong việc thắt chặt các hình phạt đối với nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Không mấy tác dụng
Các nhà quan sát đã nhiều lần chỉ ra rằng những nỗ lực của EU và phương Tây nhằm bóp nghẹt nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch của Moscow phần lớn đã thất bại. Trong khi EU đã cấm nhập khẩu than và dầu thô bằng đường biển của Nga, những lỗ hổng và chiến thuật né tránh vẫn giúp tiền chảy vào ngân khố của Điện Kremlin.
Nếu LNG bị EU cấm vận, Nga sẽ phải cải tổ lại mô hình kinh doanh hiện tại của mình. Nếu không có các cảng châu Âu làm điểm dừng chân thuận tiện, Nga sẽ phải sử dụng các tàu phá băng được trang bị đặc biệt để cắt băng ở Biển Bắc Cực để đưa khí đốt đến châu Á.
Theo bà Laura Page, chuyên gia khí đốt tại công ty phân tích dữ liệu Kpler, điều đó sẽ gây tổn hại cho nhà máy Yamal LNG trị giá 27 tỷ USD của Nga ở vùng cực bắc Siberia.
Ông Petras Katinas, nhà phân tích năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, cho biết sự thay đổi này sẽ làm doanh thu LNG của Nga sụt giảm 2 tỷ euro, dựa trên số liệu năm ngoái.
Đó là số tiền rất lớn nhưng chỉ chiếm 28% lợi nhuận LNG của Nga và chỉ hơn 1/5 lượng xuất khẩu sang EU vào năm ngoái.
Ông Katinas cho biết lệnh cấm “là một bước tiến tốt đầu tiên”, nhưng “nó chưa đủ” nếu EU muốn bóp nghẹt dòng tiền của Điện Kremlin.
“Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt tiềm tàng đối với các dự án LNG của Nga, bao gồm Arctic LNG 2, nhà máy Murmansk và kho cảng LNG UST Luga, là con hổ giấy”, ông Katinas nhận định. Hiện các công ty thực hiện dự án này không gửi hàng đến châu Âu.
Vướng nhiều trở ngại
Nhiều chuyên gia cho rằng các đề xuất của EU vướng nhiều trở ngại về mặt pháp lý. Theo ông Katinas, tùy thuộc vào cách EC định nghĩa từ “trung chuyển”, các nhà nhập khẩu có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là Natorgy của Tây Ban Nha, Elengy của Pháp và Fluxys của Bỉ, tất cả đều có hợp đồng dài hạn liên quan đến Yamal LNG của Nga.
“Không rõ liệu các biện pháp trừng phạt của EU có cho phép các công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng một cách an toàn mà không phải đối mặt với các hình phạt hoặc hành động pháp lý từ các đối tác Nga hay không”, ông nói thêm.
Người phát ngôn của Fluxys cho biết họ sẽ “tuân thủ đầy đủ” các biện pháp trừng phạt nếu được áp dụng, nhưng lưu ý rằng công ty này “không kiểm soát” nguồn gốc của LNG được lưu giữ tại các địa điểm lưu trữ của mình và họ “có nghĩa vụ tôn trọng các thỏa thuận hợp đồng” với khách hàng của mình.
Bên cạnh đó, Brussels có thể gặp khó khăn trong việc nhận được sự chấp thuận của tất cả 27 nước trong khối. Ví dụ, Hungary có thể phủ quyết động thái giống như những lần trước đây. Với một số quốc gia khác, gói trừng phạt mới còn được xem là phản tác dụng.
EU thừa nhận vẫn cần khí LNG của Nga để tránh ‘cú sốc năng lượng’
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.