EVNSPC: Bán điện 1.000 đồng, thu lãi vỏn vẹn 2,5 đồng
(VNF) - Năm 2023, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) có doanh thu thuần hơn 162.045,5 tỷ đồng, ước tính mỗi ngày thu về gần 444 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này có biên lãi ròng rất mỏng chỉ 0,25%, tức là 1.000 đồng doanh thu mới đổi được 2,5 đồng lãi.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC) vừa công bố, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty trong năm 2023 ghi nhận hơn 162.045,5 tỷ đồng; tăng 6,1% so với cùng kỳ.
Theo thuyết minh của công ty, doanh thu thuần chủ yếu là doanh thu bán điện với hơn 160.961,5 tỷ đồng. EVNSPC cũng cho biết trong năm 2023, Tổng công ty đã thực hiện thay đổi lịch ghi chỉ số theo các thoả thuận với khách hàng. Theo đó, tổng doanh thu tăng thêm trong năm 2023 là hơn 2.345,6 tỷ đồng.
Cùng với đó là doanh thu tiêu thụ sản phẩm khác như: Xây lắp điện đóng góp gần 71 tỷ đồng; Khảo sát thiết kế công trình điện góp hơn 42,3 tỷ đồng; Mắc dây, đặt điện góp gần 142,2 tỷ đồng; Sản xuất sản phẩm khác đóng góp hơn 73,3 tỷ đồng và Sửa chữa thí nghiệm điện hơn 48,9 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp của công ty đạt hơn 6.780,6 tỷ đồng; tăng 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, năm 2023 chi phí tài chính của EVNSPC tăng gấp 1,7 lần lên hơn 1.065,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Khoản chi phí lãi vay của công ty năm 2023 hơn 844 tỷ đồng; trong khi năm ngoái là hơn 518,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty năm 2023 tăng tương ứng với tỷ lệ lần lượt 17,4% và 14,2%, là phần nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế của EVNSPC năm 2023 chỉ ghi nhận hơn 416,7 tỷ đồng. Mặc dù vậy, nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì lợi nhuận sau thuế của công ty đã tăng gần 60%.
Điều này đồng nghĩa với tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu (ROS) tại EVNSPC là 0,25%, tương ứng với cứ thu về được 1.000 đồng thì EVNSPC chỉ lãi sau thuế 2,5 đồng (năm 2022, cứ 1.000 đồng doanh thu, công ty lãi 1,7 đồng).
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng cộng tài sản của EVNSPC là hơn 57.245 tỷ đồng, tăng 16% so với hồi đầu năm. Trong đó, chiếm chủ yếu là tài sản dài hạn với 37.977 tỷ đồng và tài sản ngắn hạn hơn 19.268 tỷ đồng.
EVNSPC hiện có gần 9,2 tỷ đồng tiền mặt; hơn 503,9 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng; hơn 442 triệu đồng tiền đang chuyển và hơn 3.099,18 tỷ đồng các khoản tương đương tiền. Theo thuyết minh của công ty, các khoản tương đương tiền thể hiện khoản tiền VND gửi tại các ngân hàng thương mại với kỳ hạn gốc không quá 3 tháng, hưởng lãi suất từ 0,1% đến 5,6%/năm (năm 2022 từ 0,1% đến 5,6%/năm).
Tại ngày 31/12/2023, hàng tồn kho của công ty ghi nhận hơn 1.799,6 tỷ đồng; giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Tập trung chủ yếu ở: nguyên liệu, vật liệu (gần 1.589,2 tỷ đồng); công cụ, dụng cụ (hơn 122 tỷ đồng); chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang (gần 65 tỷ đồng),…
Ở phần tài sản dài hạn, hiện chi phí đầu tư xây dựng của EVNSPC lên tới hơn 5.586,04 tỷ đồng. Hiện Tổng công ty đã thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay là các công trình đang đầu tư xây dựng cơ bản để đảm bảo cho các khoản tiền vay các ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Nợ phải trả lên đến hàng chục nghìn tỷ
Tại ngày 31/12/2023, EVNSPC có nợ phải trả lên tới 38.578,3 tỷ đồng, tăng 24% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn hơn 20.860,4 tỷ đồng và nợ dài hạn hơn 17.717,8 tỷ đồng.
Trong kỳ, phải trả người bán ngắn hạn của EVNSPC ghi nhận hơn 13.218,1 tỷ đồng, tăng gần 31% so với hồi đầu năm. Bên cạnh đó, chi phí phải trả ngắn hạn của công ty hơn 1.184,98 tỷ đồng, bao gồm: hơn 117,9 tỷ đồng chi phí lãi vay phải trả và hơn 1.040,5 tỷ đồng chi phí mua điện mặt trời mái nhà.
Đáng chú ý, thuế và các khoản phải nộp nhà nước trong năm 2023 của EVNSPC hơn 57,29 tỷ đồng, tăng hơn 20,4 tỷ đồng, tương đương mức tăng 55,5% so với hồi đầu năm. Cùng với đó, phải trả người lao động của công ty tăng vọt lên hơn 2.085,6 tỷ đồng, tăng hơn 752,7 tỷ đồng so với số đầu năm.
Tổng nợ vay của EVNSPC (bao gồm Vay và nợ thuê tài chính dài hạn; Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn) ghi nhận hơn 19.404,37 tỷ đồng, chiếm gần 51% nợ phải trả của công ty. Chi tiết các khoản vay sẽ được VietnamFinance đề cập ở bài sau.
Như vậy, hiện hệ số khả năng thanh toán hiện thời (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) tại EVNSPC là 0,92. Theo lý thuyết, hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn.
Tính đến ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của EVNSPC là hơn 18.666,07 tỷ đồng, giảm gần 2% so với hồi đầu năm. Như vậy, nợ phải trả của công ty hiện đang gấp 2 lần vốn chủ sở hữu. Việc nợ phải trả cao gấp 2 lần vốn chủ sở hữu có nghĩa nguồn vốn của EVNSPC được tài trợ chủ yếu bởi nợ.
Trên bảng lưu chuyển tiền tệ, lưu chuyển tiền tuần trong năm của EVNSPC dương 1.428,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm hơn 2.730,8 tỷ đồng. Trong khi đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính dương 3.918,5 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái chỉ hơn 965,4 tỷ đồng.
Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) là doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Hiện nay, đơn vị này đang kinh doanh điện năng và vận hành lưới điện phân phối trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố từ Ninh Thuận đến tỉnh Cà Mau (trừ TPHCM).
Ngoài ra, EVNSPC cũng cung cấp các dịch vụ khác có liên quan như khảo sát, tư vấn, thiết kế và thi công các công trình điện; lắp đặt, sửa chữa và thí nghiệm điện; kinh doanh hoạt động viễn thông; tiến hành các dịch vụ cho thuê thiết bị điện và các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ khác.
Từ 15/5, EVN được quyền tăng giá điện theo cơ chế mới
- Bắt Giám đốc Công ty Mua bán điện của Tập đoàn EVN 09/11/2023 09:00
- Rút ngắn kỳ điều hành giá điện xuống 3 tháng để giúp EVN cân bằng tài chính 16/10/2023 04:20
- EVN thích được điều chỉnh giá điện 3 tháng 1 lần 21/08/2023 11:47
Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.