Eximbank: SMBC không còn là cổ đông lớn, ĐHCĐ dự kiến tổ chức lại vào ngày 14/2

Bảo Duy - 17/01/2023 10:48 (GMT+7)

(VNF) - Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) vừa tiếp tục triệu tập đại hội bất thường lần 2 dự kiến tổ chức vào 14/2/2023 tại TP. HCM.

VNF
Sau lần 1 bất thành ngày hôm qua, Eximbank (EIB) tiếp tục triệu tập ĐHCĐ bất thường lần 2 vào ngày 14/2.

Theo kế hoạch, ngày 16/1, Eximbank tổ chức đại hội cổ đông bất thường năm 2023 nhưng bất thành. Cụ thể, đại hội cổ đông bất thường diễn ra ngày hôm qua chỉ có 132 cổ đông đăng ký tham dự, đại diện cho 53,16% cổ phần có quyền biểu quyết.

Tỷ lệ này chưa đúng quy định điều lệ hoạt động của Eximbank là đại hội cổ đông chỉ được tiến hành khi 65% cổ phần có quyền biểu quyết đăng ký tham dự đại hội. Vì vậy, Eximbank không thể tiến hành tổ chức đại hội cổ đông bất thường năm 2023.

Được biết ĐHCĐ bất thường lần này được Eximbank tổ chức nhằm thông qua đơn từ nhiệm của hai thành viên HĐQT, đồng thời bầu bổ sung 3 thành viên mới nhiệm kỳ VII (2022-2025).

Trước đó, ngày 24/10, bà Lê Hồng Anh (Thành viên HĐQT) và ông Đào Phong Trúc Đại (Thành viên HĐQT độc lập) đã có đơn từ nhiệm khỏi HĐQT Eximbank vì lý do cá nhân. Điều đáng nói, 2 thành viên HĐQT này đều liên quan đến Tập đoàn Thành Công.

Ngoài hai thành viên này, HĐQT Eximbank hiện có 4 người là bà Lương Thị Cẩm Tú, ông Nguyễn Thanh Hùng, ông Nguyễn Hiếu và bà Đỗ Hà Phương.

Theo đó, danh sách nhân sự dự kiến nhân sự bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) được chấp thuận theo Công văn số 254/NHNN-TTGSNH ngày 14/01/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gồm 3 thành viên: bà Lê Thị Mai Loan (sinh năm 1982), ông Phạm Quang Dũng (sinh năm 1982) và ông Trần Anh Thắng (sinh năm 1984).

SMBC chính thức không còn là cổ đông lớn tại Eximbank

Ở diễn biến khác, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) vừa thông báo đã chính thức bán xong 132,8 triệu cổ phiếu của Eximbank vào ngày 13/1/2023. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của SMBC tại Eximbank giảm từ 15,07% (185,3 triệu cổ phiếu) xuống còn 4,27% (52,51 triệu cổ phiếu) và không còn là cổ đông lớn tại ngân hàng này.

Trước đó, SMBC chính thức trở thành cổ đông chiến lược tại Eximbank vào năm 2007, với tỷ lệ nắm giữ 15% cổ phần Eximbank, tương ứng hơn 185 triệu cổ phiếu, trị giá 225 triệu USD.

Trong giai đoạn đầu hợp tác, SMBC hỗ trợ Eximbank lập kế hoạch phát triển ngân hàng bán lẻ trung và dài hạn, biệt phái chuyên gia sang Việt Nam để triển khai các dự án mới, phát triển hoạt động kinh doanh thẻ, cho vay. SMBC đồng thời cũng tư vấn, lập kế hoạch cho hoạt động quản trị doanh nghiệp và đào tạo nhân sự.

Tuy nhiên, từ những mâu thuẫn nội bộ xảy ra giữa các nhóm cổ đông của Eximbank hơn một thập kỷ qua khiến những kế hoạch của SMBC không được như mong đợi. Sau nhiều lần kiến nghị thanh lọc thành viên HĐQT Eximbank, tổ chức ĐHĐCĐ bất thường bất thành, SMBC đã quyết định rút vốn khỏi ngân hàng này.

Từ cuối năm 2019, thời điểm bắt đầu thương lượng với FE Credit, SMBC đã rút đại diện khỏi HĐQT Eximbank. Từ ngày 09/12/2019, ông Yasuhiro Saitoh cũng không còn là đại diện theo ủy quyền của SMBC tại Eximbank. Trong ĐHĐCĐ thường niên 2021 bất thành ngày 27/04/2021, SMBC không cử người tham dự.

Đến ngày 18/3/2022, SMBC đã chính thức có văn bản thông báo về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank và ông Võ Quang Hiển, đại diện tại Eximbank theo ủy quyền của SBMC cũng thông báo không còn là thành viên HĐQT tại ngân hàng này.

Đến ngày, 18/10/2022, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản "chấp thuận việc bán, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần EIB do SMBC sở hữu ở Eximbank", có giá trị thực hiện trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày ký.

Với động thái này, các giao dịch mua/bán cổ phiếu EIB của SMBC không cần đăng ký trước.

Cùng chuyên mục
Tin khác