Fintech khó sáng tạo khi chưa rõ hành lang pháp lý

Thanh Long - 26/05/2024 17:00 (GMT+7)

(VNF) - Tại Việt Nam, các quy định chỉ mới đáp ứng được một phần cho sự phát triển của fintech trong các hoạt động liên quan đến ngân hàng, thanh toán, chưa đề cập đến các lĩnh vực khác đang trở thành xu hướng của fintech thế giới như đầu tư, quản lý tài sản, tiền mã hóa…

“Hiện chưa có khuôn khổ pháp lý quy định rõ ràng về các tiêu chuẩn của sản phẩm/dịch vụ, mô hình hoạt động, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty fintech, bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm tài chính, bảo vệ thông tin cá nhân. Điều này giới hạn khả năng sáng tạo của fintech trong việc đưa ra các sản phẩm tài chính cho người tiêu dùng”, bà Nguyễn Thị Hương Giang, Founder & CEO nền tảng đầu tư Tititada, chia sẻ với Đầu tư Tài chính.

Ảnh minh hoạ

- Là người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực đầu tư, bà đánh giá như thế nào về phong cách đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam? Vì sao Tititada chọn tiếp cận nhà đầu tư theo hướng đầu tư dài hạn thay vì trading, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hương Giang: Hiện nay Việt Nam đang có gần 7,5 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân, tương đương khoảng 7,5% dân số. Tỷ lệ này thấp hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực, như tại Thái Lan vào năm 2017 đã là 27,9%, Malaysia là 31,6%, Trung Quốc năm 2020 là 10,7% hay Ấn Độ năm 2021 là 15,4%. Tiềm năng của thị trường còn lớn, tuy nhiên các sản phẩm tài chính Việt Nam nhìn chung vẫn còn hạn chế. Ví dụ như thị trường trái phiếu dù đã được niêm yết nhưng thanh khoản thấp, việc phát triển quỹ hưu trí tự nguyện cũng gặp khó khăn do giảm trừ thuế đang giới hạn ở mức 1 triệu đồng trong khi thủ tục đăng ký cho người lao động và người sử dụng lao động còn phức tạp. Hơn nữa, theo quy định đối với danh mục quỹ hưu trí tự nguyện tại Việt Nam, trái phiếu Chính phủ tối thiểu chiếm đến 40% tổng giá trị tài sản đầu tư và trong môi trường lãi suất thấp như hiện tại, lợi tức đem lại cho khoản đầu tư ban đầu khá thấp.

Cũng vì những lý do này mà nhà đầu tư tham gia thị trường hiện nay tập trung vào đầu tư cổ phiếu và có xu hướng đầu tư ngắn hạn nhiều. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư không trang bị đủ kiến thức, hoặc không kiểm soát được hành vi, không có tính kỷ luật, việc mua bán trading ngắn hạn rất khó kiếm được lợi nhuận cao hơn thị trường chung.

Bản chất thị trường chứng khoán trong ngắn hạn có rất nhiều biến động, thậm chí khi có những sự kiện kinh tế vĩ mô bất lợi xảy ra, có thể khiến thị trường giảm 20-30% chỉ trong thời gian ngắn. Khi thị trường giảm, nhà đầu tư hay có xu hướng cắt lỗ theo cảm xúc, và khi thị trường tăng lại có xu hướng mua vì lo sợ bị bỏ lỡ (hiệu ứng FOMO). Do đó, khó kiếm lợi nhuận cao ổn định trong thời gian dài. Trong khi đó, nếu đầu tư dài hạn vào các cổ phiếu trong nhóm VN30 từ năm 2013 đến năm 2023, lợi nhuận kép cao hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm thông thường. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm có xu hướng giảm và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng như hiện nay.

- Chọn hướng tiếp cận này liệu có phải là tự trói buộc mình hay không, khi nhà đầu tư cá nhân thường “nghiện giao dịch”, thưa bà?

Tôi không cho rằng đây là trói buộc mình. Khi thị trường tài chính càng ngày càng phát triển, nhận thức của nhà đầu tư sẽ càng ngày càng thay đổi. Nhà đầu tư tự có kinh nghiệm và trải nghiệm, sẽ dần dần tự rút ra được kết luận rằng nếu như không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp và không có thời gian theo dõi cập nhật thị trường thường xuyên, thì việc mua bán kiếm lời ngắn hạn rất khó đạt lợi nhuận cao, bền vững và khả quan hơn thị trường chung, đặc biệt trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô thay đổi nhanh như hiện tại. Ngoài yếu tố định giá cơ bản, thị trường còn bị ảnh hưởng bởi dòng tiền cũng như các yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước.

Đương nhiên, nếu nhà đầu tư thực sự có thời gian và giỏi trong việc trading thì hoàn toàn có thể chọn phương án giao dịch ngắn hạn, thậm chí là hàng ngày.

- Nếu chỉ là một nền tảng giao dịch, fintech đầu tư tài chính khó lòng cạnh tranh được với các công ty chứng khoán truyền thống. Công nghệ đóng vai trò như thế nào trong việc tạo dựng lợi thế cạnh tranh cho các fintech như Tititada, thưa bà?

Thị trường môi giới chứng khoán hiện khá cạnh tranh, tuy nhiên fintech không chỉ là môi giới chứng khoán. Fintech là nền tảng công nghệ mang đến các sản phẩm tài chính mới đến cho người dùng trải nghiệm nhanh hơn, tốt hơn và cá nhân hóa hơn.

Ở đây công nghệ sẽ đóng vai trò gia tăng tốc độ và thúc đẩy sáng tạo. Trong khi các công ty chứng khoán truyền thống có lợi thế về vốn và quy mô, các công ty fintech cũng có lợi thế về chi phí và tốc độ. Vấn đề vẫn là bán sản phẩm gì, phục vụ khách hàng như thế nào và trải nghiệm khách hàng ra sao. Ngoài ra, công nghệ cũng cho phép tối ưu hóa chi phí khi lên đến một khách hàng nhất định.

- Bà có thể đánh giá về triển vọng của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (BigData) để trợ giúp cho nhà đầu tư cá nhân xây dựng danh mục đầu tư cũng như ra quyết định đầu tư? Hiện nay, mức độ ứng dụng AI và BigData vào đầu tư tài chính tại Việt Nam đang như thế nào và đang vấp phải những khó khăn nào, theo quan sát của bà?

AI và BigData hiện đang là xu hướng lớn trên thế giới (megatrend). Nói chung, tiềm năng của việc ứng dụng AI vào quản lý tài sản là rất lớn. Quy mô toàn cầu của AI trong thị trường quản lý tài sản được định giá 2,78 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 47,58 tỷ USD vào năm 2031, với tốc độ tăng trưởng CAGR là 37,1% trong giai đoạn 2023–2031, theo báo cáo của Growth Market Reports.

Xu hướng trên thế giới là các công ty quản lý tài sản lớn sử dụng AI để tăng trải nghiệm khách hàng, giảm thiểu lỗi trong vận hành và nghiên cứu những chiến lược trading tự động. Ví dụ, các công ty quản lý tài sản lớn hiện nay xem xét các thuật toán khác nhau hoặc các cách sử dụng AI và BigData để nhanh chóng đưa ra phân tích các sự kiện và số liệu kinh tế như lãi suất, lạm phát, chiến tranh, dòng tiền… để ra quyết định giao dịch dựa trên những phân tích này.

AI cũng giúp tổng hợp thông tin và các dữ liệu kinh tế, dòng tiền, thanh khoản, và giúp nhà đầu tư có nhiều thông tin nhanh hơn, chuẩn xác hơn để ra quyết định mua bán hay tái cơ cấu danh mục.,

Hiện nay, mức độ ứng dụng AI và BigData vào đầu tư tài chính tại Việt Nam hiện vẫn còn thấp. Để ứng dụng được AI cũng cần phải đầu tư rất nhiều. Muốn có BigData thì trước hết phải có dữ liệu, trong khi hiện nay, dữ liệu trên thị trường Việt Nam vẫn còn khá hạn chế và chưa được hệ thống hóa.

- Theo quan điểm của bà, đâu là những cơ hội và rào cản phát triển đối với các fintech trong lĩnh vực đầu tư tài chính tại Việt Nam?

Thị trường fintech Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai trong khu vực, sau Singapore. Và thị trường dự kiến sẽ đạt 18 tỷ USD vào năm 2024 với mức độ cạnh tranh cao, theo báo cáo của Robocash. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn một vài khó khăn, như khung pháp lý còn nhiều bất cập. Tại Việt Nam, các quy định chỉ mới đáp ứng được một phần cho sự phát triển của fintech trong các hoạt động liên quan đến ngân hàng, thanh toán, chưa đề cập đến các lĩnh vực khác đang trở thành xu hướng của fintech thế giới như đầu tư, quản lý tài sản, tiền mã hóa… Hiện cũng chưa có khuôn khổ pháp lý quy định rõ về các tiêu chuẩn của sản phẩm/dịch vụ, mô hình hoạt động, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty fintech, bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm tài chính, bảo vệ thông tin cá nhân. Điều này giới hạn khả năng sáng tạo của fintech trong việc đưa ra các sản phẩm tài chính cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp của Việt Nam cũng chưa phát triển. Hầu hết các startup nói chung và fintech nói riêng huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài gần như không có nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ hay hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước. Khi thị trường tài chính thế giới gặp khó khăn do lãi suất cao, tiền chảy vào trái phiếu Chính phủ, thì gần như việc huy động vốn sẽ đóng băng. Có thể nói từ cuối năm 2022 đến nay, việc huy động vốn các công ty công nghệ khá ảm đạm và không có nhiều giao dịch.

Thị trường môi giới chứng khoán hiện khá cạnh tranh, tuy nhiên fintech không chỉ là môi giới chứng khoán mà còn mang đến các sản phẩm tài chính mới đến cho người dùng trải nghiệm nhanh hơn, tốt hơn và cá nhân hóa hơn. Ở đây công nghệ sẽ đóng vai trò gia tăng tốc độ và thúc đẩy sáng tạo.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.