FPT thời kỳ sáng lập trong câu chuyện của ông Đỗ Cao Bảo

Anh Phan - 11/09/2018 13:32 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 13/9 năm nay sẽ là dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Tập đoàn FPT. Nhân dịp này, trên trang cá nhân, ông Đỗ Cao Bảo - Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của FPT, đã có những chia sẻ thú vị về việc thành lập Công ty FPT vào năm 1988 và việc ông trở thành thành viên sáng lập như thế nào.

VNF
Ông Đỗ Cao Bảo - Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của FPT

VietnamFinance xin được trích nguyên văn bài viết:

“Viết về 12 người đồng sáng lập FPT chữ cứ như có sẵn trong đầu cứ thế tuôn ra, chỉ việc gõ bàn phím, thế mà đến lượt mình thì lại tắc tị, không biết bắt đầu từ đâu, không biết viết gì. Có lẽ bắt đầu từ việc tại sao 12 người kia lại cùng nhau lập lên Công ty FPT vào năm 1988 và tôi trở thành thành viên thứ 13 như thế nào.

Sau hơn 10 năm trời đèn sách, với bằng Tiến sĩ Toán cơ đại học Tổng hợp quốc gia Moscow năm 1984, anh Trương Gia Bình (hiện là Chủ tịch FPT - PV) về nước. Đấy là thời điểm khó khăn nhất của đất nước, lương giáo sư, tiến sĩ, cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học chỉ đủ sống 7 ngày, mọi người phải làm thêm đủ thứ nghề khác để sống nốt 23 ngày còn lại, từ nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau, trồng sắn, sửa tivi, sửa xe máy...

Với trí lớn, anh Trương Gia Bình không thể nào chấp nhận thực tế là những người giỏi, tài năng, có tri thức lại không thể nuôi sống bản thân mình, bỏ bàn giấy với những đề tài khoa học xa rời thực tiễn, anh Bình lập một nhóm Viện Cơ học lao vào thực tiễn, đưa khoa học công nghệ vào giải quyết các vấn đề mà các nhà máy, xí nghiệp đang cần. Một loạt các hợp đồng với nhà máy thuốc lá Thanh Hoá, thuốc Lá Đà Lạt được ký kết.

Khi cơ hội ký hợp đồng bán máy tính cho Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô được mở ra, anh Trương Gia Bình quyết định lập công ty, làm ăn lớn và bài bản và nhóm Viện Cơ học trở thành nòng cốt cho FPT. Từ hợp đồng bán máy tính cho Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, anh Bình quyết định chiêu mộ đội Tin học.

Nguyễn Trung Hà ở Viện Cơ là lựa chọn đầu tiên, tiếp theo là Bùi Quang Ngọc - Tiến sĩ Pháp bạn học phổ thông, Nguyễn Thành Nam cùng Tiến sĩ Toán MGU sau 5 khoá, Võ Mai bạn Võ Hồng Nam cùng học Hungary (em trai chị Võ Hạnh Phúc), Anh Nguyễn Chí Công (anh Bùi Quang Ngọc giới thiệu).

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT.

Một ngày mùa hè năm 1988, anh Trương Gia Bình đi dự hội nghị Tin học ở Cung Việt Xô, thấy các đại biểu toàn cầm giấy phát biểu, có mỗi một cậu trắng trẻo, gầy gò, kính cận dầy cộp ngồi một góc điều khiển cái máy gì đó mà trên màn chiếu lớn của hội nghị chữ cứ nhảy múa rất sinh động và hấp dẫn.

Với anh Bình, đấy là công nghệ rất cao thời ấy, liền quay sang hỏi mọi người: "Tay này là tay nào, có ai biết không", tất cả không biết, chỉ mình Võ Mai biết: "Đỗ Cao Bảo, Cục Tác chiến, em biết", "em có quen không", "quen sơ sơ", "em đi rủ cậu ấy gia nhập nhóm".

Sáng hôm sau trước giờ đi làm, Võ Mai đứng dưới tầng 1 gọi ới lên tầng 5: "Tối ở nhà tôi qua có việc quan trọng cần bàn". Tối hôm ấy trên ban công tầng 5, căn hộ tập thể nhìn ra hồ Thành Công, Võ Mai nói về ý tưởng thành lập công ty của anh Trương Gia Bình và thuyết phục tôi ra nhập.

Khi ấy tôi đang là trợ lý tự động hoá chỉ huy Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu và là cộng tác viên của Viện Khoa học tính toán và Điều khiển làm về trí tuệ nhân tạo AI, thế nhưng khi nghe Võ Mai nói xong tôi có cảm giác như Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ, lập tức tôi nhận lời.

Thế là tôi ra nhập nhóm sáng lập FPT, các buổi họp liên tục diễn ra, khi thì ở 30 Hoàng Diệu, khi thì ở nhà Trung Hà (Hàng Bông), khi thì ở nhà anh Nguyễn Chí Công (Kim Liên). Mỗi khi anh Bình chuẩn bị đi Liên Xô, Đức hoặc đi làm việc với các tổ chức ở Việt Nam, Trung Hà lại chạy chiếc xe máy cũ đến báo tôi tối đến 30 Hoàng Diệu làm.

Với phần mềm VNSTORYBOARD do tôi tự phát triển (giống PowerPoint ngày nay) tôi đã soạn các slide chào mừng, nội dung cuộc họp, nội dung trình bày cho anh Bình, nhiều hôm làm đến gần sáng mới xong, kịp cho anh Bình sáng hôm sau bay sớm (đây là phần mềm duy nhất thời ấy soạn được các Slide tiếng Việt).

Một sự tình cờ đã đưa tôi gia nhập FPT và trở thành một trong 13 thành viên sáng lập FPT. FPT chính là nơi đã cho tôi được là chính mình, được làm công việc mình yêu thích, được thỏa niềm đam mê, được khám phá ra những tố chất và năng lực tiềm ẩn của bản thân.

Ở FPT, tôi đã phát hiện ra mình không chỉ có đam mê và sở trường về phần mềm, mà còn có đam mê và sở trường về xây dựng mối quan hệ, đam mê kinh doanh, đam mê lãnh đạo, đam mê làm việc với con người, đam mê tiến ta nước ngoài mang trí tuệ Việt Nam đi chinh phục thế giới và đam mê cái đẹp.

Cuối năm 1994 tôi chuyển sang kinh doanh, làm Giám đốc FPT IS, khi ấy cả FPT, cả gia đình, bạn bè đều nghi ngại nghĩ tôi không kinh doanh được bởi quá hiền lành, thật thà chất phác. Không ngờ ngay năm đầu tiên đã thành công rực rỡ, tăng trưởng cao, lợi nhuận lớn, dẫn đầu thị trường, là quả đấm thép của FPT hơn 10 năm liền.

Một hôm anh Trương Gia Bình nói với tôi: "Anh hoàn toàn bị Bảo lừa, anh nghĩ Bảo chỉ giỏi làm phần mềm, hiền lành...", tôi bảo anh: "không phải chỉ anh bị lừa mà chính em cũng bị em lừa". Đây cũng là một trong những lý do khiến tôi đam mê và giành ra 22 năm nghiên cứu về Nguyên lý thành công trong cuộc sống”.

Ông Đỗ Cao Bảo sinh ngày 18/06/1957, là cử nhân Toán điều khiển - Học viện kỹ thuật quân sự. Đầu năm 2016, FPT đã bổ nhiệm Chủ tịch FPT IS ở thời điểm đó - tức ông Đỗ Cao Bảo - vào vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh chung của FPT. Ông Cao Bảo phụ trách các khách hàng chiến lược, các dự án, đề án chiến lược, cấp bộ, nhà nước, phụ trách hoạt động đối ngoại chung và công tác truyền thông của tập đoàn FPT. Ông cũng là ủy viên HĐQT của tập đoàn.

Ngoài ông Đỗ Cao Bảo, ông Trương Gia Bình và ông Võ Mai trong câu chuyện được kể ở trên trên, đồng sáng lập FPT còn có các nhân vật gồm: ông Nguyễn Thành Nam, ông Lê Vũ Kỳ, ông Nguyễn Trung Hà, ông Lê Quang Tiến, ông Nguyễn Chí Công, ông Trần Đức Nhuận, ông Bùi Quang Ngọc, ông Đào Vinh, ông Phạm Hùng, ông Lê Thế Hùng (biệt danh “Hùng râu")...

Cùng chuyên mục
Tin khác