Phó tổng giám đốc FPT Đỗ Cao Bảo: ‘Viettel đỉnh Việt Nam, đỉnh thế giới’

VNF (ghi) - 20/07/2018 21:49 (GMT+7)

(VNF) - Ông Đỗ Cao Bảo, Phó tổng giám đốc FPT, vừa có chia sẻ thú vị trên trang cá nhân về Viettel. Ông cho rằng Viettel là một doanh nghiệp tốt nhất Việt Nam, một doanh nghiệp tiên phong về đổi mới, sáng tạo, tiên phong mang tinh thần và trí tuệ Việt đi chinh phục thế giới, đứng top đỉnh thế giới về viễn thông.

VNF
Phó tổng giám đốc FPT Đỗ Cao Bảo

VietnamFinance xin trân trọng giới thiệu bài viết của doanh nhân Đỗ Cao Bảo về Viettel.

Đi lên từ số 0

Thành lập tháng 6 năm 1989, với số vốn nhỏ bé do Quân đội cấp. Suốt 5 năm đầu, Viettel thuần tuý đi làm thuê cho Tổng cục bưu điện (tiền thân của VNPT) bằng việc thi công tuyến vi ba Ba Vì - Vinh, tuyến vi ba băng rộng, xây dựng tháp anten, mãi 1995, mới được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, năm 2000 mới chính thức tham gia thị trường Viễn thông, phá thế độc quyền của VNPT bằng việc cung cấp dịch vụ thoại sử dụng công nghệ IP (VoIP) trên toàn quốc.

Từ ngày gã khổng lồ VNPT không coi Viettel là đối thủ, đến khi Viettel đuổi sát nút, VNPT chợt bừng tỉnh, chưa kịp làm gì thì Viettel đã vượt lên, rồi bứt phá bỏ xa cả doanh số và lợi nhuận chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm là câu chuyện thần kỳ chưa từng có trong lịch sử Viễn thông thế giới.

Tỷ phú Việt cũng chào thua

Rất nhiều người Việt ngưỡng mộ các tỷ phú Phạm Nhật Vượng (Vingroup), Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet), Trần Đình Long (Hoà Phát), Trần Bá Dương (Trường Hải), Hồ Hùng Anh (Massan). Thế nhưng không phải ai cũng biết lợi nhuận năm 2017 của Viettel còn lớn hơn tổng lợi nhuận của cả Vingroup, Vietjet, Hoà Phát, Trường Hải và Massan cộng lại.

Năm 2017, các ngân hàng Việt Nam có lợi nhuận khủng, riêng Vietcombank đã có lợi nhuận 11.000 tỷ đồng. Thế nhưng cộng lợi nhuận của cả 5 ngân hàng hàng đầu Việt Nam Vietcombank, Vietinbank, BIDV, VPBank, Techcombank cũng chỉ tương đương lợi nhuận của Viettel mà thôi.

Số liệu lợi nhuận 2017 tham khảo: Viettel 44.000 tỷ, Vingroup 9.400 tỷ, Vietjet 4.500 tỷ, Hoà Phát 8.000 tỷ, Massan 11.600 tỷ, Trường Hải 6.000 tỷ, Vietcombank 11.000 tỷ, Vietinbank 9.200 tỷ, BIDV 8.800 tỷ, VPBank 8.100 tỷ, Techcombank 8.000 tỷ. Năm 2017 Viettel có doanh số gần 11 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước 41.000 tỷ đồng.

Top đỉnh thế giới về viễn thông

Brand Finance là tổ chức định giá hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh (UK). Kết quả định giá thương hiệu của Brand Finance được sử dụng và công bố chính thức trên các kênh truyền thông hàng đầu như BBC, CNN, CNBC, Bloomberg, Economist, Wallstreet Journal…

Trong bảng top 500 nhà mạng viễn thông thế giới (Brand Finance Telecoms 500 2017 và 2018), Viettel được xếp hạng thứ 47 và thứ 48, một thứ hạng rất đỗi tự hào, đưa ngành Viễn thông Việt Nam lên vị trí thứ 25 trong số các quốc gia trên toàn cầu, vượt xa vị trí của kinh tế Việt Nam trên bản đồ thế giới (130).

Trong khu vực châu Á, Viettel đứng thứ hạng 17 và đưa Việt Nam đứng thứ 10 các quốc gia châu Á. Trong khu vực Đông Nam Á, năm 2017 Viettel chỉ đứng sau Telkom Indonesia (đất nước có số dân 263 triệu gấp 2,85 lần Việt Nam và GDP đầu người 3.895$ gấp 1,8 lần Việt Nam). Viettel đứng trên Singtel (Singapore, 50), Axiata (Malaysia, 53), Maxis (Malaysia, 76), TM (Malaysia, 84), Digi (Malaysia, 83), PLDT (Philippines, 65), Globe Telecom (Philippines, 80).

Năm 2018, Viettel thăng 1 hạng lên 47, nhưng Singtel mà AIS Thailand cũng tăng, tuy nhiên giá trị thương hiệu suýt soát bằng nhau.

Rất nhiều nhà mạng Đông Âu đã bị Viettel bỏ xa. Nhà mạng lớn nhất Nga MTS xếp hạng 74, sau Viettel 25 bậc, còn nhà mạng Beeline (Russia), nhà mạng đầu tư vào GTEL còn đứng thứ 82, sau Viettel 33 bậc. Tất cả các nhà mạng Đông Âu: Hungary, Poland, Romania, Bungaria, Albania, Czech, Slovakia, Croatia, Slovennia, Bosnia & Herzegowina, Serbia, Macedonia và các nhà mạng các nước thuộc Liên Xô cũ (Estonia, Latvia, Lithuania, Belarus, Ukraine, Moldona, Georggia, Kazakhtan, Uzbekistan, Turkmenistan, Kyrgynistan, Tajikistan) còn không có tên trong top 100.

Có 7 quốc gia có dân số lớn hơn Việt Nam: Pakistan (196 triệu), Nigeria (191 triệu), Bangladesh (164 triệu), Nga (143 triệu), Philippines (106 triệu), Ai Cập (93 triệu) và Ethiopia (94 triệu), thế nhưng tất cả các nhà mạng Viễn thông của họ đều đứng dưới Viettel nhiều bậc trên bảng xếp hạng.

Toàn cầu hóa, tinh thần và khát vọng Việt

Khác với các nhà mạng Đông Nam Á chỉ khai thác dịch vụ ở quốc gia mình và một số nước láng giềng, Viettel đã đầu tư mạnh mẽ vào nhiều quốc gia ở Nam Mỹ, Châu Phi và Đông Nam Á. Chính vì vậy mà ngoài thị trường 92 triệu dân Việt Nam, Viettel có thị trường ở 10 quốc gia với dân số 320 triệu dân, lớn gấp 3,5 lần dân số Việt Nam.

Năm 2017 doanh thu từ nước ngoài của Viettel đạt 38.000 tỷ đồng (1,7 tỷ USD). Với 8/10 quốc gia kinh doanh có lãi, đến hết năm 2017, Viettel đã chuyển 1,3 tỷ USD lợi nhuận về Việt Nam.

Ra nước ngoài, đi khắp Á, Phi, Mỹ Latinh đầu tư, kinh doanh viễn thông, cạnh tranh quốc tế, mang tinh thần và khát vọng Việt, trụ vững, phát triển và có lợi nhuận, có 43 triệu khách hàng là một kỳ tích rất ít công ty Việt Nam làm được.

Chính vì vậy chúng ta có niềm tin vào tương lai của ngành CNTT, Viễn thông Việt Nam như Viettel đã khẳng định trên bản đồ Viễn thông quốc tế.

Ông Đỗ Cao Bảo sinh ngày 18/6/1957 tại Hà Nội, nguyên quán tại huyện Tiền Hải, Thái Bình. Ông là cử nhân khoa Toán điều khiển – Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Ông Bảo là một trong 13 thành viên sáng lập Tập đoàn FPT và hiện đang giữ chức Phó tổng giám đốc FPT. Với gần 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin trong và ngoài nước, vị “lão tướng” là một chuyên gia phần mềm có uy tín ở Việt Nam. Ông đã tham gia quản trị nhiều dự án mang tầm quốc gia và có đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển của FPT.

Từ năm 1994, với vai trò lãnh đạo cao nhất của Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS), ông đã đưa FPT IS trở thành mũi nhọn công nghệ của FPT và liên tục dẫn đầu thị trường tích hợp hệ thống, phát triển phần mềm và dịch vụ tin học Việt Nam.

Xem thêm >> [Doanh nhân tháng 6] Đỗ Cao Bảo: ‘Lão tướng’ sáng lập FPT và những phát ngôn ‘gây bão’

Cùng chuyên mục
Tin khác