Tiêu điểm

Gay gắt tình trạng thiếu thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất, trang thiết bị y tế

(VNF) - Hàng chục địa phương, bệnh viện tuyến trung ương đang lâm vào cảnh thiếu thuốc, thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất và trang thiết bị y tế. Năm 2023, nguy cơ thiếu thuốc hiện rõ khi có tới 14.000 thuốc hết hiệu lực đăng ký lưu hành.

Gay gắt tình trạng thiếu thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất, trang thiết bị y tế

Gay gắt tình trạng thiếu thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất, trang thiết bị y tế

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện công ở nhiều địa phương, ảnh hưởng rất lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy có tới 28/34 địa phương, 12/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc. Các thuốc thiếu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.

26/34 địa phương và 15/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất, chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm, diễn ra tại các tỉnh: Điện Biên, Thái Nguyên, Hà Nam, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Kon Tum.

14/34 địa phương và 8/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, cụ thể là thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu.

Năm 2023, nguy cơ thiếu thuốc hiện rõ khi khoảng 14.000 thuốc sẽ hết hiệu lực đăng ký lưu hành, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh nói chung.

Theo Ủy ban Kinh tế, nguyên nhân của tình trạng nêu trên là hành lang pháp lý về mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế còn chưa hoàn thiện, gây nhiều cách hiểu khác nhau khi triển khai thực hiện. Việc xử lý vi phạm của một bộ phận công chức, viên chức y tế đã tạo ra tâm lý e ngại, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, không dám mua sắm của các địa phương, đơn vị.

Bên cạnh đó là sự khó khăn trong việc giải quyết hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc theo quy định tại Luật Dược năm 2016. Cụ thể, theo quy định tại Điều 56 Luật Dược, để được gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hồ sơ phải được thẩm định và trình Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc.

Việc thẩm định, xem xét quá nhiều hồ sơ gia hạn thường xuyên dẫn tới tình trạng chậm gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, làm gián đoạn sản xuất, lưu hành và cung ứng thuốc do thuốc hết hạn giấy đăng ký lưu hành mà chưa được gia hạn vì doanh nghiệp phải chờ hoàn thiện các hồ sơ tài liệu này.

Hiện nay, cùng với tình hình dịch bệnh Covid-19, qua thống kê sơ bộ cho thấy tổng số giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực từ 20/11/2021 đến 31/12/2022 là 12.896 số đăng ký.

Một vấn đề đáng nói khác về y tế, theo Ủy ban Kinh tế là hiện nay, một số quốc gia đã coi Covid-19 là bệnh đặc hữu (ví dụ Thái Lan). Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có dự báo và phân tích, coi đó là những kinh nghiệm tốt cho Việt Nam trong thời gian tới khi nghiên cứu việc chuyển từ nhóm A sang nhóm B đối với các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh Covid-19. Tất nhiên, bên cạnh đó cũng có có ý kiến đề nghị nghiên cứu, phân tích thêm về lý do Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách "Zero Covid-19", sử dụng biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt.

Tin mới lên