Gây thiệt hại 1.300 tỷ, Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh Đồng Nai nhận án 7 năm tù

Trần Lê - 27/11/2023 16:52 (GMT+7)

(VNF) - Chiều 27/11, Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt các bị cáo liên quan đến sai phạm tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, gây thiệt hại hơn 1.300 tỷ đồng.

VNF
Phạt 10 năm tù cho 2 lãnh đạo Ngân hàng nhà nước chi nhánh Đồng Nai gây thiệt hại hơn 1.300 tỷ đồng (ảnh minh họa)

Theo đó, bị cáo Trần Quốc Tuấn (62 tuổi, ngụ phường Bửu Long, TP. Biên Hòa, nguyên là Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai) bị tuyên phạt 7 năm tù.

Võ Khắc Hiển (55 tuổi, ngụ phường Tam Hiệp, TP. Biên Hòa, nguyên Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai) bị tuyên phạt 3 năm tù cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của 2 bị cáo: Tuấn và Hiển đã đủ căn cứ cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hành vi phạm tội của các bị cáo là nghiêm trọng, xảy ra trong một quá trình dài thiếu kiểm tra, giám sát hoạt động đối với các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn. Khi các quỹ tín dụng nhân dân có dấu hiệu vỡ nợ, các bị cáo đã không kịp thời chấn chỉnh.

Hành vi của các bị cáo đã làm giảm sút niềm tin và gây hoang mang, lo lắng cho người dân, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an xã hội tại địa phương. Do đó, đối với các bị cáo cần áp dụng mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo đã gây ra để giáo dục và phòng ngừa chung.

Tuy nhiên, theo Hội đồng xét xử, quá trình xét xử, 2 bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có nhiều thành tích trong hoạt động ngân hàng, được nhiều khen thưởng nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, bị cáo Tuấn làm Giám đốc, bị cáo Hiển làm Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai từ năm 2014-2017.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ 2 bị cáo Tuấn và Hiển đã không làm đúng chức năng nhiệm vụ trong công tác dẫn đến không kịp thời phát hiện vi phạm của các quỹ tín dụng nhân dân, để các quỹ tín dụng nhân dân lập hồ sơ tín dụng giả; nâng khống hạn mức khi khách hàng vay vốn để chiếm đoạt tiền; đem tiền huy động được gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng khác dưới tên các cá nhân để chiếm đoạt; để ngoài sổ sách tiền gửi; không đưa vào hạch toán.

Hậu quả là các quỹ tín dụng nhân dân (Thái Bình, Tân Tiến, Quảng Tiến, Dầu Giây, Thanh Bình và Gia Kiệm) bị vỡ nợ, mất khả năng chi trả gây thiệt hại hơn 1.300 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác