Gazprom cáo buộc Ba Lan ‘mua chui’ khí đốt Nga qua dòng chảy ngược từ Đức

Minh Đăng - 29/04/2022 12:21 (GMT+7)

(VNF) - Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom cho biết mặc dù tập đoàn này đã đình chỉ việc cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho Ba Lan nhưng nước này vẫn tiếp tục nhận được khí đốt Nga thông qua dòng chảy ngược từ Đức.

VNF
Gazprom cáo buộc Ba Lan ‘mua chui’ khí đốt Nga qua dòng chảy ngược từ Đức.

Trong tuyên bố phát ra ngày 28/4, người phát ngôn của Tập đoàn Năng lượng Nga Gazprom Sergey Kuprianov cho biết: “Trong tuần này, Ba Lan đã từ chối thanh toán khí đốt của Nga theo cơ chế mới, bằng đồng ruble. Họ đã tuyên bố hùng hồn rằng khí đốt Nga không còn cần thiết và sẽ không mua nữa. Nhưng thực thế Ba Lan vẫn mua khí đốt Nga dù nguồn cấp trực tiếp sang nước này đã bị đình chỉ. Ba Lan giờ đây mua khí đốt thông qua Đức nhờ dòng khí đốt chuyển ngược lại thông qua đường ống Yamal-châu Âu".

Cũng theo ông Kuprianov, khối lượng khí đốt được chuyển ngược lại Ba Lan được ước tính khoảng 30 triệu m3 mỗi ngày, gần như tương ứng với lượng khí đốt trong hợp đồng giữa Ba Lan và Gazprom trước đó.

Ba Lan hiện tiêu thụ khoảng 20 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, bao gồm từ 8,5 đến 10 tỷ m3 lấy từ đường ống Yamal từ Nga. Tuy nhiên, đường ống này đã bị Nga “khóa van” vào 6h ngày 27/4 nhằm đáp trả việc Ba Lan không chịu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.

Theo Gazprom, tập đoàn này sẽ tiếp tục việc đình chỉ cung cấp khí đốt cho đến khi Warsaw tuân thủ các điều khoản mới.

Công ty khí đốt nhà nước Ba Lan PGNiG sau đó trấn an rằng việc này sẽ không làm gián đoạn nguồn cung khí đốt cho người tiêu dùng trong nước do Ba Lan vẫn còn khoảng 76% lượng khí đốt dự trữ và sẽ được bù đắp từ các nguồn thay thế khác.

Trước đó, PGNiG nhiều lần tuyên bố sẽ không đồng ý yêu cầu trả tiền mua khí đốt bằng đồng ruble của Nga và cũng không gia hạn hợp đồng với Nga.

Ngay sau động thái của Nga, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết Ba Lan hiện đang nhận khí đốt từ các nước láng giềng thuộc Liên minh châu Âu (EU) đề bù đắp phần thiếu hụt do Nga ngừng cung cấp.

Ở động thái liên quan, trong tuyên bố phát ra ngày 28/4, Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Ba Lan Anna Moskwa đề xuất EU ngừng mua hoàn toàn khí đốt từ Nga, cũng như buộc các nước thanh toán bằng ruble phải chịu hậu quả.

Xem thêm >> Hungary tuyên bố vẫn đang nhận khí đốt từ Nga, chấp thuận thanh toán bằng đồng ruble

Theo RT
Cùng chuyên mục
Tin khác