GDP quý IIII vượt lên bất ngờ, tăng trưởng quý IV lập kỷ lục 8%?

Kỳ Thư - 07/10/2024 18:00 (GMT+7)

(VNF) - Trên cơ sở kết quả quý III và 9 tháng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu tăng trưởng quý IV khoảng 7,6 - 8%, giúp tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%.

GDP tăng đều, vĩ mô tích cực

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tăng trưởng GDP quý III ước đạt 7,4% so với cùng kỳ, cao hơn 0,7% so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,7%), tương đương với kịch bản tăng trưởng cả năm 7% như đã báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp - Ảnh: VGP.

Tính chung 9 tháng, tăng trưởng GDP đạt 6,82%. Bên cạnh đó, một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 vẫn giữ được đà tăng trưởng cao, như Hải Phòng (9,77%), Quảng Ninh (8,02%), Phú Thọ (9,56%), Lào Cai (7,71%), Cao Bằng (7%), Yên Bái (7,15%)...

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng 3,88% so với cùng kỳ trong bối cảnh đã thực hiện việc tăng lương từ ngày 1/7/2024 và điều chỉnh giá một số dịch vụ.

Cũng theo ông Dũng, các động lực tăng trưởng từ phía cung tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất nông nghiệp duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Khu vực dịch vụ tăng khá, tích cực hơn qua từng tháng, từng quý. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng kinh tế.

Trong tháng 9, có khoảng 17.700 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Tính chung 9 tháng có khoảng 183.000 doanh nghiệp, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (163.800 doanh nghiệp). Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, khoảng 82,6% doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo đánh giá tình hình kinh doanh trong quý IV sẽ ổn định hoặc tốt lên so với quý III, cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào sự phục hồi tích cực của nền kinh tế trong năm 2024.

Các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực hơn. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội phục hồi qua từng quý: Quý III tăng 7,0% so với cùng kỳ, 9 tháng tăng 6,8%, trong đó đầu tư tư nhân tăng 7,1% (cùng kỳ năm 2023 tăng 2,1%).

Đặc biệt, thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng, tổng vốn FDI đăng ký 9 tháng khoảng 24,8 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ, trong đó FDI đăng ký mới khoảng 13,6 tỷ USD, tăng 11,3%; vốn FDI thực hiện khoảng 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 tăng 7,6% so với cùng kỳ, 9 tháng tăng 8,8%; khách quốc tế 9 tháng khoảng 12,7 triệu lượt người, tăng 43%. Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng cao.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Chính phủ đã quyết liệt tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Tăng trưởng quý IV khoảng 7,6-8%

Trên cơ sở kết quả quý III, 9 tháng, dự báo cả năm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT kiến nghị phấn đấu tăng trưởng quý IV khoảng 7,6 - 8%, giúp tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%.

Để thực hiện đạt mục tiêu trên, ông Dũng đề xuất 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong quý IV.

Đặt mục tiêu tăng trưởng quý IV khoảng 7,6-8%.

Trong đó tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ người dân, các trang trại, hộ kinh doanh, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt, nhất là trong khu vực nông nghiệp, thủy sản và du lịch nhằm nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh, tranh thủ được cơ hội từ xu hướng tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Tập trung chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng, tiến độ các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, nhất là các chính sách, quy định mới, đột phá về phân cấp, phân quyền, quản lý nguồn lực, thu hút đầu tư, cơ chế đặc thù...

Bên cạnh đó, tiếp tục ưu tiên nguồn lực để hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, tranh thủ cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2025; tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc, giải phóng tối đa nguồn lực đang bị tồn đọng trong các dự án, đất đai cho tăng trưởng và phát triển.

Đồng thời, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...; đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy hiệu quả hoạt động của các hội đồng điều phối vùng.

Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Tăng trưởng kinh tế năm 2024 liệu có cán đích?

Tăng trưởng kinh tế năm 2024 liệu có cán đích?

Tiêu điểm
(VNF) - PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. HCM khẳng định dù bão số 3 có thể làm giảm 0,2% GDP nhưng nếu xuất khẩu và tiêu dùng vẫn tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng như hiện nay, mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,0 – 6,5% là hoàn toàn khả thi.
Cùng chuyên mục
Tin khác