Tiêu điểm

GDP Việt Nam quý III giảm kỷ lục 6,17%, tính chung 9 tháng chỉ tăng 1,42%

(VNF) - Lũy kế 9 tháng, mức tăng GDP Việt Nam thấp hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

GDP Việt Nam quý III giảm kỷ lục 6,17%, tính chung 9 tháng chỉ tăng 1,42%

Nền kinh tế chịu tác động nặng nề trong thời gian dài giãn cách xã hội

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP quý III/2021 của Việt Nam giảm 6,17% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

Trong đó, hai động lực quan trọng của nền kinh tế là khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 5,02%, khu vực dịch vụ giảm 9,28%. Duy nhất có khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%.

Lý giải về kết quả bi quan này, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: "Nguyên nhân là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh".

Bên cạnh đó, tiêu dùng cuối cùng trong quý III của cả nền kinh tế giảm 2,83% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 1,61%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,51%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,75%.

Tính chung GDP 9 tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận mức tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%.

Đáng chú ý, đóng góp của ngành nông nghiệp trong 9 tháng vừa qua đã chiếm tới 25% GDP. Ngược lại khu vực dịch vụ giảm mạnh đã kéo giảm GDP cùng với tốc độ tăng chậm lại của khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Tổng cục Thống kê cho biết, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng ước tính tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,29%; quý II tăng 11,18%; quý III giảm 3,5%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,05%; ngành khai khoáng giảm 7,17%.

“Sản xuất công nghiệp quý III gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại các địa phương có khu công nghiệp lớn phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài”, người đứng đầu Tổng cục Thống kê nói.

Tính chung 9 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho toàn ngành tăng 3,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 28,2% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 24,3%).

Trong đó, tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2021 là 81,1%.

Trước tình trạng dịch bệnh phức tạp và giãn cách xã hội liên tục, tình hình hoạt động của doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề. Tính chung 9 tháng đầu năm, cả nước có 85.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là gần 1,2 triệu tỷ đồng, giảm 13,6% về số doanh nghiệp và giảm 16,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2021 giảm 0,62% so với tháng trước, tăng 1,88% so với tháng 12/2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng Chín tăng 2,06%; CPI bình quân quý III/2021 tăng 2,51%.

Tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 9 tháng tăng 0,88%.

Tin mới lên