Tài chính

Giá dầu tăng 'phi mã' nhưng giá cổ phiếu vẫn 'rùa bò', triển vọng nào cho GAS?

(VNF) - Tình hình sản xuất kinh doanh những tháng đầu năm 2021 của GAS chưa hoàn toàn thuận lợi, bởi trong khi giá dầu liên tục tăng mạnh và nguồn lực cấp khí dồi dào thì nhu cầu thị trường khí lại ở mức thấp.

Giá dầu tăng 'phi mã' nhưng giá cổ phiếu vẫn 'rùa bò', triển vọng nào cho GAS?

Giá dầu tăng 'phi mã' nhưng giá cổ phiếu vẫn 'rùa bò', triển vọng nào cho GAS?

Thống kê cho thấy suốt 1 năm vừa qua, mặc dù giá dầu tăng gần gấp đôi nhưng giá cổ phiếu GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam (HoSE: GAS) chỉ tăng chưa đến 10%.

Trong khi đó, so với VN-Index (tăng 51%) và VN30-Index (tăng 78%) thì mức tăng của GAS cũng không thấm tháp vào đâu.

Trên thực tế, mặc dù giá dầu tăng mạnh nhưng tình hình kinh doanh của GAS chưa thực sự tích cực. Đây là được cho là nguyên nhân quan trọng nhất khiến giá cổ phiếu GAS tăng như "rùa bò".

Nhận định trong báo cáo phân tích công bố mới đây, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho hay tình hình sản xuất kinh doanh những tháng đầu năm 2021 của GAS chưa hoàn toàn thuận lợi, bởi trong khi giá dầu liên tục tăng mạnh và nguồn lực cấp khí dồi dào thì nhu cầu thị trường khí lại đang ở mức thấp.

Được biết, mặc dù được hỗ trợ từ việc giá dầu hồi phục mạnh mẽ nhưng do sản lượng kinh doanh khí khô ở mức thấp, doanh thu quý I/2021 của GAS đạt 17.570 tỷ đồng, chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ, chi phí bán hàng và chi phí quản lý đều tăng lên, do vậy lợi nhuận trước thuế đạt 2.637 tỷ đồng, chỉ bằng 89% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cổ phiếu GAS dao động trong biên độ hẹp suốt 1 năm qua với mức tăng đến nay là không đáng kể so với mức tăng của VN-Index và VN30-Index. Nguồn đồ thị: Tradingview. Chú thích: GAS - đường màu xanh đậm, VN-Index - đường màu vàng

Tuy nhiên, chuyên gia của MBS cho rằng tình hình kinh doanh chưa thuận lợi của GAS chỉ mang tính tạm thời và ngắn hạn.

Cụ thể, theo công ty chứng khoán này, việc giá dầu tiếp tục đà phục hồi và tăng mạnh sẽ hỗ trợ hoạt động của công ty trong dài hạn.

"Hiện tại, giá dầu tiếp tục phục hồi và tăng mạnh lên mức 65-70 USD/thùng (dầu Brent), vượt qua mức giá hồi đầu năm 2020 thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Nhiều tổ chức lạc quan dự báo giá dầu có thể tăng chạm mức 80 USD/thùng vào nửa cuối năm 2021 nhờ nhu cầu ngày càng tăng khi dịch được kiểm soát. Giá dầu tăng là yếu tố tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của công ty khi giá bán các sản phẩm dựa theo giá dầu và sản phẩm dầu mỏ (dầu FO, LPG…). Mặt khác, giá dầu tăng cũng tạo động lực để ngành dầu khí thúc đẩy các dự án đầu tư khái thác, kinh doanh dầu khí trong nước và khí nhập khẩu, điều này tác động tích cực trong trung và dài hạn đối với công ty", chuyên gia của MBS nhấn mạnh.

Cùng với đó, nhu cầu khí cho phát điện dù đang ở mức thấp nhưng chỉ là tạm thời, tiềm năng tăng trưởng vẫn mạnh nhờ giá dầu tăng và năng lực cấp khí gia tăng và ổn định.

Với việc hoàn thành đưa vào vận hành dự án Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 2 từ cuối năm 2020, năng lực cung cấp khí của GAS cho các khách hàng tại khu vực Đông Nam bộ trong năm 2021 được đánh giá là cơ bản đảm bảo ổn định (năng lực cung cấp tăng thêm 1,5 tỷ m3/năm).

Sở dĩ nhu cầu khí cho các nhà máy điện trong quý I/2021 giảm mạnh là do EVN ưu tiên nguồn thuỷ điện giá rẻ và sự gia tăng mạnh của nhóm điện gió, điện mặt trời, hạn chế nhóm nhiệt điện than và khí trong bối cảnh nhu cầu phụ tải điện chưa thực sự tăng cao.

"Chúng tôi đánh giá nhu cầu khí cho điện ở mức thấp hiện nay chỉ mang tính thời điểm và ngắn hạn theo mùa, nhu cầu sẽ tăng trở lại khi bước vào mùa khô trong quý IV/2021 trở đi", chuyên gia nêu quan điểm.

MBS dự báo, sản lượng khí cả năm của GAS sẽ đạt mức 9,8-10 tỷ m3, doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 79.282 tỷ và 12.408 tỷ, tăng 24% và 25% so với năm 2020.

Trong dài hạn, giai đoạn 2021-2025, GAS sẽ tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư thu gom, kinh doanh khí khai thác trong nước và khí nhập khẩu để cung cấp khí cho các dự án điện trong nước sau khi hoàn thành dự án đường đống Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 2, bao gồm: Kho cảng LNG Thị Vải 1 triệu tấn năm 2022; Đường ống thu gom khí Sư Tử Trắng năm 2024; mở rộng, nâng cấp Kho LNG Thị Vải lên 3 triệu tấn năm 2023, 2024; Kho LNG/LPG Bắc Bộ; Kho cảng LNG Sơn Mỹ giai đoạn1; Đường ống Lô B-Ô Môn; nâng tổng công suất kho chứa LPG đạt 150 nghìn tấn năm 2025...

MBS dự báo sản lượng khí khô kinh doanh đến năm 2023 của GAS sẽ tăng lên mức 12 tỷ m3 nhờ dự án LNG Thị Vải đi vào hoạt động, năm 2025 sẽ tăng lên mức 14,5-15 tỷ m3 với các dự án Lô B, LNG Sơn Mỹ.

Công ty chứng khoán này cũng đánh giá GAS có nguồn lực tài chính mạnh với giá trị tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn luôn ở mức cao, hàng năm khoảng 26.000 - 27.000 tỷ đồng. Cùng với đó, các chỉ số về khoản phải thu, hàng tồn kho, cơ cấu nguồn vốn... đều ở mức tốt, đi cùng chính sách cổ tức bằng tiền mặt khá hấp dẫn.

Tin mới lên