Giá điện tăng, tháng sau nhà bạn phải trả thêm bao nhiêu tiền điện?

Văn Hưng/Dân Trí - 10/11/2023 14:24 (GMT+7)

Giá điện tăng kéo mặt bằng hóa đơn tiền điện tăng. Riêng tại Hà Nội, tháng 11, phần lớn hộ gia đình sẽ phải trả tiền điện cao hơn so với tháng trước, do lùi ngày chốt công tơ về cuối tháng.

VNF

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có quyết định về việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân, với mức mới là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT) từ ngày 9/11. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt cũng được điều chỉnh tăng ngay sau đó. Đơn giá mới cho bậc 1 (0-50 kWh) tăng lên 1.806 đồng/kWh, bậc 2 (51-100 kWh) lên 1.866 đồng/kWh, bậc 3 (101-200 kWh) lên 2.167 đồng/kWh, bậc 4 (201-300 kWh) lên 2.729 đồng/kWh, bậc 5 (301-400 kWh) lên 3.050 đồng/kWh, bậc 6 (401 kWh trở lên) lên 3.151 đồng/kWh.

Tháng 10, tiền điện nhà anh Nguyễn Văn Sơn (quận Hà Đông, Hà Nội) hết 1.261.000 đồng, tương đương 508 số điện (bậc 6). Nếu áp dụng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới, với cùng mức tiêu thụ như trên, số tiền nhà anh Sơn sẽ phải trả là 1.318.000 đồng, tăng 57.000 đồng, tức tăng khoảng 4,5%.

                                      Bảng giá điện sinh hoạt cũ và mới.

Tương tự, nhà anh Đức Mạnh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) tháng 10 dùng hết 736.000 đồng tiền điện (335 số điện, bậc 5), áp dụng biểu giá mới sẽ phải trả thêm 33.500 đồng, lên 769.500 đồng; hay nhà chị An Hiền (huyện Đan Phượng, Hà Nội) tháng 10 dùng hết 577.000 đồng tiền điện (khoảng 293 số điện, bậc 4), áp dụng biểu giá mới sẽ phải trả thêm gần 28.000 đồng, lên 605.000 đồng.

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN, sau điều chỉnh giá điện, số tiền tăng thêm tối đa với các hộ sử dụng điện sinh hoạt ở bậc 1 (0-50 kWh) là 3.900 đồng/tháng; bậc 2 (51-100 kWh) tăng thêm tối đa 7.900 đồng/tháng; bậc 3 (101-200 kWh) tăng thêm 17.200 đồng/tháng; bậc 4 (201-300 kWh) tăng 28.900 đồng/tháng; bậc 5 (301-400 kWh) tăng 42.000 đồng/tháng; bậc 6 (401 kWh trở lên) tăng 55.600 đồng/tháng.

                                                           (Nguồn: EVN).

Đối với từng nhóm khách hàng, theo tính toán của EVN, giá điện bình quân sau khi điều chỉnh sẽ khiến nhóm kinh doanh dịch vụ (có 547.000 khách hàng) trung bình mỗi tháng phải trả thêm 230.000 đồng; nhóm sản xuất (có 1,9 triệu khách hàng) phải trả thêm trung bình 432.000 đồng/tháng; nhóm hành chính sự nghiệp (có 681.000 khách hàng) phải trả thêm 90.000 đồng/tháng.

Riêng các ngành sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết sau lần điều chỉnh này, số tiền tăng thêm phụ thuộc vào hành vi sử dụng và tỷ lệ sử dụng điện tại thời điểm cao hay thấp điểm. 

Còn đối với hộ nghèo, gia đình chính sách, đại diện EVN khẳng định về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm nhóm này bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.

Theo số liệu thống kê, năm 2022 cả nước có trên 1,27 triệu hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo Quyết định 28/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ; hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ.

Tại Hà Nội, từ ngày 30/11, EVN Hà Nội sẽ thay đổi lịch chốt số công tơ điện về ngày cuối tháng tại 21 quận, huyện. Trong tháng đầu, thời gian sử dụng điện trong tháng của người dân tạm tăng thêm 11-28 ngày. Nhiều người lo ngại hóa đơn tiền điện sẽ tăng sốc do số ngày tăng thêm và giá điện tăng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh tiền điện tăng thêm ở đây do kéo dài thời gian sử dụng điện trong tháng.

Cùng chuyên mục
Tin khác