Giá vật liệu tăng phi mã, nhà thầu chấp nhận chịu phạt rời bỏ dự án
Nam Việt -
17/11/2021 20:47 (GMT+7)
Không chịu được tác động của dịch Covid-19 và giá vật liệu tăng "phi mã", nhiều nhà thầu âm thầm rút khỏi thị trường.
Giá vật liệu tăng cao, cả nhà thầu lẫn chủ đầu tư điêu đứng
Theo ghi nhận thực tế tại một số cửa hàng thép tại Hà Nội hôm nay (17/11), 2 dòng thép phổ biến trên thị trường vẫn đang trên đà biến động tăng. Cụ thể, giá thép cuộn CB240 dao động từ hơn 16.500 đến 17.200 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá từ hơn 16.600 tới 17.460 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, tháng 10/2021, nhiều doanh nghiệp ngành thép đã điều tăng giá bán từ 17.000 - 192.000 đồng/kg thép tùy từng loại; giá các loại kính tăng hơn 30% so với đầu năm 2021; giá xi măng tăng trung bình từ 80.000 - 100.000 đồng/tấn.
Giá thép tăng "phi mã" khiến không ít nhà thầu và các chủ điêu đứng. Ông Nguyễn Minh Khiêm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty 319, một nhà thầu chuyên về các công trình xây dựng nhà ở và giao thông cho biết, chi phí nguyên vật liệu của công trình thường chiếm 40% - 70% tổng giá trị dự toán công trình.
Chỉ riêng sự thay đổi giá của 5 loại vật liệu chủ yếu là xi măng, thép xây dựng, đá, cát và gạch đã đẩy chi phí xây dựng tăng 1,25 - 1,4 lần, khiến một số nhà thầu bị lỗ nặng, một số khác không thể tiếp tục thi công, buộc phải chọn giải pháp chấp nhận bị phạt thầu hoặc mất bảo lãnh thực hiện hợp đồng.
Theo ông Khiêm, quy định của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và một số nghị định về quản lý dự án, quản lý chi phí đầu tư xây dựng… các dự án hợp đồng trọn gói (quy mô đầu tư dưới 20% tổng mức dự án) không thể điều chỉnh tổng mức đầu tư trong quá trình triển khai. Vì thế, khi thay đổi mức giá vật liệu xây dựng dự án bị đội giá, doanh nghiệp buộc phải chịu lỗ.
“Hợp đồng trọn gói phải thực hiện thi công trong suốt thời gian thực hiện dự án với một đơn giá cố định. Điều này đã được quy định tại các điều luật liên quan nên việc điều chỉnh tổng mức đầu tư công trình khi đơn giá tăng lên là không thể thực hiện được”, ông Khiêm nói.
Một đại diện chủ đầu tư dự án khu đô thị cũng cho biết, khoảng 1 năm trước, giá nhân công xây dựng các dự án tỉnh là 1,1 triệu/m2 xây thô hoàn thiện mặt ngoài, hiện giờ tăng lên 1,43 triệu/m2 (khoảng 30%); bê tông tăng 65.000 đồng/m3 từ 890.000 đồng lên 955.000 đồng/m3 (tăng 7,3%); giá thép từ 12.000 đồng/1kg, lúc cao điểm lên đến hơn 19.000 đồng/kg ( tăng hơn 58%)... Đó là chưa tính các khoản phát sinh trong phòng chống dịch, cả nghìn công nhân, mỗi tuần 2 lần test nhanh. Nói chung, tổng đầu tư tăng lên khoảng 30% so với chi phí dự kiến ban đầu.
"Giá tăng, tổng thầu thấy không có lãi là không làm hoặc dền dứ, câu giờ chờ giá vật liệu hạ họ mới làm tiếp hoặc âm thầm rút lui. Thiệt hại cuối cùng là chủ đầu tư chịu. Hợp đồng ký với khách hàng mà có điều khoản thoả thuận khi giá vật liệu tăng thì còn có thể đàm phán cùng tháo gỡ, những hợp đồng ký cứng thì phải chấp nhận chịu lỗ", vị đại diện cho hay .
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết: "Kết quả đánh giá cho thấy, chỉ tiêu về lợi nhuận trên doanh thu giảm 20-25%. Đấy là doanh nghiệp làm tốt và trên giá trị sổ sách. Thực tế còn tình trạng tiền chậm trả, đến khi tiền về thì hết. Nhà thầu vừa và nhỏ đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt. Chưa có số liệu thống kê nhưng nhiều nhà thầu nhỏ lẳng lặng rời khỏi thị trường".
Sở Xây dựng chậm cập nhật giá vật liệu
Dưới góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam cho rằng việc giá vật liệu liên tục tăng cao sẽ khiến nhiều công trình xây dựng, dự án BĐS phải thi công cầm chừng, đứng trước nguy cơ “đắp chiếu”. Thậm chí nhà đầu tư sẽ chọn cách dừng thi công và chịu nộp phạt, việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường BĐS vì gây khó khăn về nguồn cung.
Theo nhận định của Bộ Xây dựng, đợt tăng giá vật liệu xây dựng lần này do nhiều yếu tố đầu vào tăng. Cụ thể, giá than trong nước tăng 7 - 10%, cùng với giá dầu và một số phụ gia khác đã đẩy giá xi măng gần gần đây tăng. Ngoài ra, các vật liệu khác cũng tăng khoảng 10% như gạch, cát…, đặc biệt với giá thép tăng tới 40%, doanh nghiệp xây dựng chịu nhiều ảnh hưởng.
Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng Chính phủ cần có chính sách để điều tiết lại bài toán chi phí đối với ngành vật liệu xây dựng nhất là với hạng mục sắt thép và xi măng. Bởi đây là nguồn cung chiếm tỷ trọng rất lớn trong các công trình xây dựng, gây ảnh hưởng tới các nhà thầu, nhất là các nhà thầu đã trúng thầu trọn gói. Đồng thời, nước ta cũng cần tìm cách để giành thế chủ động đối với thị trường vật liệu xây dựng từ khâu tự sản xuất đến cung ứng.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết, đơn vị đã có nhiều đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn chung cho các nhà thầu, song hiện "chưa có khe hở nào cho ánh sáng vào", đặc biệt là các dự án đầu tư công, thực hiện qua công tác đấu thầu.
Cũng theo ông Hiệp, Bộ Xây dựng yêu cầu Sở Xây dựng cập nhật kịp thời giá vật liệu trong đầu tư công nhưng vẫn bị chênh so với giá thật 10-15%. Nguyên nhân là các Sở Xây dựng cập nhật chậm, thủ tục hành chính từ lúc lấy đến xác nhận khoảng 2 tháng, lạc hậu so với giá thực tế.
"Dự án thương mại thì thực hiện theo cơ chế tự thoả thuận. Do thiện chí chủ đầu tư hoặc thông lệ vật liệu biến động quá 3% thì hai bên ngồi lại với nhau nhưng hiện nay chủ đầu tư chưa thiện chí, trong khi đó hoạt động này chưa có pháp lý cụ thể", ông Hiệp nói.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.