Giải mã 'sức nóng' của cổ phiếu Vicostone

Thanh Long - 30/09/2019 23:37 (GMT+7)

(VNF) - Thống kê cho thấy, cổ phiếu VCS của Vicostone đã tăng tới 75% trong vòng 3 tháng qua. Đâu là lý do khiến cổ phiếu này tăng "nóng" như vậy?

VNF
Giải mã 'sức nóng' của cổ phiếu Vicostone

Trong vòng 3 tháng trở lại đây, cổ phiếu VCS của Công ty Cổ phần Vicostone đã tăng tới 75%, vượt mốc 100.000 đồng/cổ phiếu. Đây là một trong những cổ phiếu tăng mạnh nhất trên cả 3 sàn chứng khoán trong thời gian vừa qua.

Cổ phiếu Vicostone "nóng" giữa thương chiến Mỹ - Trung

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Đại Nam (DNSE) trong báo cáo phân tích mới đây, Vicostone có khả năng hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Lên sàn HNX năm 2007, Vicostone hiện là công ty con của Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa). Lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Vicostone là sản xuất kinh doanh đá nhân tạo gốc thạch anh (Quartz Surface). Hai nhóm sản phẩm chính bao gồm đá tấm và đá mài cắt.

Phần lớn doanh thu của Vicostone đến từ xuất khẩu. Năm 2018, hoạt động xuất khẩu chiếm hơn 98% doanh thu của doanh nghiệp này. Các thị trường chính gồm có: châu Mỹ, châu Âu và châu Úc, trong đó châu Mỹ là thị trường lớn nhất của Vicostone, chiếm 66% doanh thu năm 2018. Châu Úc đứng thứ hai với tỷ trọng doanh thu 21% và sau đó là châu Âu với 11%.

DNSE phân tích, trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Trung Quốc là nước xuất khẩu đá tấm thạch anh lớn nhất vào Mỹ nhờ giá bán thấp.

Sau khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, vào tháng 9/2018, mặt hàng đá tấm thạch anh Trung Quốc bị áp thuế 10%. Cũng trong tháng 9/2018, đá tấm thạch anh Trung Quốc tiếp tục bị đánh thuế chống trợ cấp từ 34,38% đến 178,45% và tháng 11/2018 mặt hàng này chịu thêm thuế chống bán phá giá từ 242,1% đến 314,1% tùy vào nhà sản xuất.

Tiếp tục vào tháng 5/2019, mức thuế đánh vào đá tấm thạch anh Trung Quốc tăng từ 10% lên 25%.

Mới đây, vào ngày 3/9/2019, Mỹ đã lên kế hoạch nâng mức thuế này từ 25% lên 30% và có hiệu lực vào đầu tháng 10/2019.

Theo số liệu từ Ủy ban Hiệp thương quốc tế Hoa Kỳ (USITC) và Bộ thương mại Hoa Kỳ, tính đến hết quý II/2019, gần như 100% doanh nghiệp đá tấm thạch anh Trung Quốc bị áp thuế nhập khẩu. Các loại thuế bao gồm thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.

Giá nhập khẩu đá tấm thạch anh (đã bao gồm các loại thuế, phí liên quan) từ Trung Quốc vào Mỹ tăng mạnh từ quý III/2018

Có thể thấy giá bán đá tấm thạch anh Trung Quốc tăng mạnh từ quý III/2018. Cụ thể, giá bán quý II/2019 cao gấp 3,4 lần so với giá bán quý III/2018 lúc đá tấm thạch anh Trung Quốc chưa bị áp các loại thuế.

Tính đến quý II/2019, giá bán đá tấm thạch anh Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với các nước khác và cao gấp 2,6 lần so với Việt Nam.

Do sự biến động của giá bán, từ tháng 9/2018, tỷ trọng nhập khẩu đá tấm thạch anh của Mỹ từ Trung Quốc giảm mạnh và đạt mức thấp nhất 0,14% vào tháng 7/2019. Tính đến thời điểm hiện tại, gần như đá tấm thạch anh Trung Quốc không xuất khẩu được vào Mỹ do giá bán sau áp thuế quá cao và để lại miếng bánh thị phần khoảng 60% cho các nước còn lại bao gồm Ấn Độ, Tây Ban Nha, Việt Nam, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ,…

"Như vậy, có thể thấy sản phẩm đá tấm thạch anh của Vicostone có thể được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nhờ miếng bánh thị phần 60% mà Trung Quốc để lại, từ đó giúp Vicostone tăng doanh số và mở rộng thị phần trong thời gian tới", DNSE đánh giá.

Phân tích sâu hơn, DNSE cho rằng cần thiết phải xác định rõ năng lực cạnh tranh của Vicostone so với các đối thủ.

Về chất lượng sản phẩm, DNSE nhấn mạnh đá Vicostone nằm trong top 4 doanh nghiệp về năng lực sản xuất đá nhân tạo trên thế giới, Vicostone có tính cạnh tranh về số lượng mẫu mã thiết kế nếu so với các thương hiệu đá nhân tạo lớn như Caesarstone, Silestone, LG Stone hay Compac. 

Ngoài ra, đá Vicostone được sản xuất dựa trên dây chuyền công nghệ được phát triển bởi Breton S.P.A Ý.

Hiện nay, các công ty sản xuất đá thạch anh lớn trên thế giới đều sử dụng dây chuyền công nghệ này, trong đó có Caesar Stone - Israel, Cambria - Mỹ, Compac & Silestone (Cosentino) – Tây Ban Nha và Vicostone – Việt Nam; dây chuyền sản xuất Bretonstone rung ép chân không và kết dính bằng nhựa polyester loại bỏ các hiện tượng xốp và cong vênh của tấm đá cỡ lớn sau dưỡng hộ nếu so với công nghệ cũ.

Về giá bán, quý II/2019, đá Vicostone được bán với giá ở mức trung bình, cao hơn Ấn Độ và thấp hơn Trung Quốc, Canada.

"Có thể thấy Ấn Độ là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Vicostone nhờ giá bán thấp, đây là rủi ro cao cho Vicostone mặc dù Trung Quốc đã rời khỏi thị trường Mỹ. Tuy nhiên theo thông tin từ Bộ thương mại Hoa Kỳ, Ấn Độ đang đối mặt với các vụ kiện với Cambria (một công ty sản xuất đá tấm thạch anh của Mỹ)", DNSE cho hay.

Cụ thể, Cambria cáo buộc Ấn Độ bán phá giá đá tấm thạch anh tại Mỹ với biên độ phá giá là 323,12%. Vào tháng 6/2019, Bộ thương mại Hoa Kỳ đã đồng ý để điều tra về vụ kiện này và sẽ đưa ra thông báo vào tháng 10/2019.

"Từ việc phân tích dư địa tăng trưởng tại thị trường Mỹ và năng lực cạnh tranh của Vicostone, có thể thấy Vicostone hoàn toàn có khả năng để hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung, đây là động lực tăng trưởng chính cho Vicostone thời gian tới", DNSE cho biết.

Đâu là rủi ro?

Mặc dù hưởng lợi lớn từ thương chiến Mỹ - Trung nhưng Vicostone vẫn phải đối mặt với một số rủi ro.

Theo DNSE, có 2 rủi ro chính với Vicstone, đó là: tăng trưởng khoản phải thu mạnh hơn tăng trưởng doanh thu và các chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cụ thể, DNSE cho rằng trong trường hợp quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hay Ấn Độ diễn ra tốt đẹp, doanh thu và sản lượng của Vicostone sẽ ngay lập tức chững lại và với khoản phải thu tăng cao như hiện nay thì áp lực tài chính với Vicostone là không nhỏ.

Khoản phải thu của Vicostone từ năm 2015 đến nay tăng mạnh. Kết thúc quý II/2019, khoản phải thu đạt mức 1.726 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2015. Tỷ lệ khoản phải thu trên tổng tài sản cũng tăng mạnh cho thấy tốc độ tăng khoản phải thu lớn hơn tốc độ tăng tài sản qua các năm.

Cơ cấu khoản phải thu của Vicostone gồm có khoản phải thu khách hàng (Pental Granite & Marble, Australian Stone Design Marble Work,…) chiếm khoảng 50% và khoản phải thu bên liên quan (Stylenquaza, Công ty Cổ phần chế tác đá Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghiệp Trần Long,…) chiếm khoảng 50%.

Ngoài ra, trong hai quý đầu năm 2019, tuy doanh thu tăng mạnh nhưng khoản phải thu trong hai quý này cũng tăng. Quý I/2019, khoản phải thu tăng 8,08% so với năm 2018, quý II/2019 khoản phải thu tăng mạnh 27,76% so với quý I/2019.

"Giá bán đá tấm thạch anh của Vicostone vào Mỹ hai quý đầu năm 2019 giảm mạnh so với 2018. Kết hợp doanh thu và khoản phải thu tăng mạnh cùng giá bán giảm trong hai quý đầu năm 2019, Vicostone có thể đã ghi nhận doanh thu sớm bằng việc đẩy hàng cho đại lý (Channel Stuffing)", DNSE nhận định.

Tuy nhiên, xét về mức độ hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và sự khan hiếm nguồn hàng khi Trung Quốc bị đánh thuế tại Mỹ, DNSE cho rằng kết quả kinh doanh của Vicostone trong thời gian tới khả năng cao vẫn sẽ khả quan.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.