Giám đốc đầu tư quỹ IPAAM: 'Cổ phiếu thép nếu giảm giá sẽ là cơ hội để mua gom và nắm giữ'
Thanh Long -
28/10/2021 10:17 (GMT+7)
(VNF) - "Hiện tại, với tiềm lực tài chính vững mạnh của các doanh nghiệp trong ngành và kinh nghiệm điều hành của Chính phủ, tôi tin tưởng ngành thép sẽ tăng trưởng bền vững và ổn định hơn giai đoạn trước đây", ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc đầu tư quỹ IPAAM, nêu quan điểm.
Cổ phiếu thép đang chứng kiến sóng tăng dài và mạnh chưa từng có. Kể từ đầu năm 2020 đến nay, thị giá HPG đã tăng gấp gần 4 lần, HSG tăng gấp gần 7 lần, NKG tăng gấp gần 9 lần. Từ đầu năm 2021, mức tăng cũng rất mạnh, như HPG tăng 84%, HSG tăng gấp 2,2 lần, NKG tăng 4,1 lần.
Xung quanh câu chuyện tăng trưởng của cổ phiếu thép, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc đầu tư Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán I.P.A (IPAAM) về cơ hội và rủi ro cũng như chiến lược đầu tư phù hợp đối với cổ phiếu thép trong thời gian tới.
- Ông đánh giá thế nào về mức tăng ấn tượng của cổ phiếu thép? Mức tăng này phản ánh đúng tình hình kinh doanh ngành thép hay thị trường đang lạc quan thái quá, thưa ông?
Ông Cao Minh Hoàng: Cổ phiếu thép đã có đà tăng giá rất ngoạn mục trong hơn một năm nay và tôi đánh giá đây là mức tăng trưởng thuyết phục được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh. Lý do mấu chốt nhất giải thích cho mức tăng trưởng này đó là các công ty trong ngành đều có tốc độ quay vòng doanh thu/ tổng tài sản khá cao, kết hợp với việc giá thép tăng mạnh trong thời gian dài đã giúp tất cả các công ty trong ngành đều được hưởng lợi.
- Ngành thép là một ngành có tính chu kỳ cao. Theo ông, hiện nay ngành thép Việt Nam đang ở trạng thái nào trong chu kỳ? Triển vọng ngành thép cũng như cổ phiếu thép thế nào trong 1 năm tới?
Tính chu kỳ của giá thép lúc tăng, lúc giảm là một đặc trưng thú vị tác động đến ngành. Chu kỳ này thường diễn ra trong một vài năm do nhiều yếu tố tác động. Hàng năm, hơn một nửa lượng thép thô trên thế giới được xuất xưởng tại Trung Quốc và việc nước này cắt giảm nguồn cung để giảm lượng khí thải CO2 đã khiến giá thép toàn cầu tăng cao.
Ngoài ra, dịch Covid-19 khiến chính phủ các nước liên tục tung ra các gói kích thích nới lỏng tiền tệ quy mô lớn, tăng cường giải ngân đầu tư công vào hạ tầng càng khiến giá thép tăng mạnh và giữ ở mặt bằng cao như hiện tại.
Theo tôi đánh giá, khi các yếu tố kể trên bình thường trở lại sẽ khiến giá thép ổn định và có thể suy giảm sau đó. Đây là điều đã từng xảy ra trong quá khứ và chúng ta gọi đó là chu kỳ.
Việc dự báo giá thép trong 1 năm tới khó có thể hoàn toàn chính xác do điều này phụ thuộc nhiều vào sản lượng Trung Quốc xuất khẩu ra thế giới. Nếu sau thế vận hội mùa đông sắp diễn ra cuối năm nay, các nhà máy thép ô nhiễm ở Trung Quốc vẫn không được hoạt động trở lại thì giá thép duy trì ở mức cao là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên đễ hỗ trợ cho chính nền kinh tế của mình, Trung Quốc cũng sẽ cân nhắc việc điều tiết sản lượng để việc xây dựng hạ tầng không quá đắt đỏ.
Với nhiều yếu tố chủ quan có thể tác động đến giá thép, cổ phiếu ngành này thường được định giá ở mức chiết khấu so với trung bình toàn thị trường. Một lời khuyên dành đến các nhà đầu tư yêu thích cổ phiếu thép đó là có thể giảm thiểu rủi ro chu kỳ giá thép biến động bằng cách lựa chọn các công ty có kế hoạch tăng trưởng sản lượng sản xuất bền vững và không vay nợ quá nhiều.
- Những dấu hiệu nào được cho là rủi ro đối với ngành thép nói chung và cổ phiếu thép nói riêng, thưa ông?
Nhu cầu thép ở Việt Nam tương đối ổn định và dự báo sẽ tăng trưởng đều trong vài năm tới. Tuy nhiên giá thép thế giới sụt giảm mạnh sẽ là rủi ro gây áp lực đến các doanh nghiệp trong ngành. Điều này đã từng xảy ra trong quá khứ giai đoạn 2015-2016. Khi đó, nhiều công ty trong ngành sụt giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Nhờ có chính sách thuế tự vệ do Bộ Công Thương ban hành năm 2015, ngành thép nội địa đã vượt qua giai đoạn giá xuống thấp và trở lại tăng trưởng mạnh mẽ đến tận bây giờ. Hiện tại, với tiềm lực tài chính vững mạnh của các doanh nghiệp trong ngành và kinh nghiệm điều hành của Chính phủ, tôi tin tưởng ngành thép sẽ tăng trưởng bền vững và ổn định hơn giai đoạn trước đây.
Cổ phiếu thép đã có mức tăng trưởng mạnh, việc điều chỉnh tích luỹ sau giai đoạn tăng nóng là hoàn toàn có thể xảy ra. Với nhận định như ở trên về sức khoẻ tài chính và kinh nghiệm điều hành của Chính phủ, tôi đánh giá ngành thép sẽ tiếp tục tạo ra lợi nhuận và thặng dư lớn cho xã hội. Cổ phiếu thép nếu giảm giá thì sẽ là cơ hội để nhà đầu tư tăng cường mua gom và nắm giữ.
- Với cổ phiếu có tính chu kỳ cao như thép, thủy sản, dầu khí, phân bón…, cơ hội là rất lớn nhưng đi kèm với đó cũng là rủi ro không nhỏ. Theo ông, đâu là chiến lược đầu tư phù hợp để tận dụng được cơ hội cũng như giảm thiểu được rủi ro khi đầu tư vào cổ phiếu chu kỳ?
Với công ty thuộc các ngành nghề kinh doanh những mặt hàng có giá cả biến động, cổ phiếu có thể tăng, giảm mạnh. Nếu chỉ lướt sóng ngắn hạn vài tuần hay một tháng sẽ khá may rủi, nhà đầu tư cần sẵn sàng chịu rủi ro giảm giá và cần tuân thủ nguyên tắc cắt lỗ. Nếu đầu tư nắm giữ trong thời gian vài quý hoặc vài năm, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ doanh nghiệp và chờ đợi điểm mua thấp, an toàn.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.