Giảm hàng trăm chi cục thuế, hải quan: Cắt thế nào, bao giờ cắt?

Khánh Hòa - 13/04/2018 09:30 (GMT+7)

Tuyên bố xóa bỏ 63 phòng giao dịch thuộc kho bạc các tỉnh, cắt giảm một nửa trong tổng số hơn 700 chi cục thuế thu không đủ bù chi trên cả nước của Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận được sự hưởng ứng của dư luận.

VNF
Bộ Tài chính sẽ cắt giảm mạnh các chi cục thuế, hải quan (ảnh mang tính minh họa)

Bởi, động thái này sẽ không chỉ làm gọn bộ máy đang rất cồng kềnh của bộ này mà còn hứa hẹn giảm bớt phiền hà cho người dân cũng như DN khi đi làm các thủ tục thuế, hải quan. Tuy nhiên, cắt thế nào, bao giờ cắt là câu hỏi cần sớm cụ thể hoá.

Trao đổi với PV, một quan chức Bộ Tài chính cho biết chủ trương cắt giảm các chi cục thuế, hải quan đã được Ban cán sự Bộ thống nhất nhưng phương án cụ thể mới đang bàn để thống nhất với các đơn vị để từ đó xây dựng đề xuất cụ thể trình Chính phủ phê duyệt. Do đó, bộ chưa thể công bố lộ trình triển khai chi tiết phương án này nhưng Bộ Tài chính cũng khẳng định quyết tâm tinh gọn bộ máy.

Liên quan tới việc này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã khẳng định: Ban cán sự Bộ Tài chính đã họp và thống nhất chỉ đạo việc rà soát đối chiếu để sắp xếp theo hướng cắt giảm bớt các đơn vị tại các huyện như hàng loạt chi cục hải quan, thuế và phòng giao dịch kho bạc cấp tỉnh.

Một số Cục hải quan, thuế thu ít chi nhiều như Điện Biên, Lai Châu nằm trong tầm ngắm để xem xét xuống chi cục và bộ dự kiến xóa bỏ 63 phòng giao dịch thuộc kho bạc các tỉnh, đưa về kho bạc tỉnh đồng thời cắt giảm một nửa trong tổng số hơn 700 chi cục thuế thu không đủ bù chi cho chính mình. Theo Bộ Tài chính, việc cắt giảm các đơn vị này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới việc thực hiện các dịch vụ công vì đã áp dụng hải quan điện tử, thuế điện tử.

Đánh giá về tuyên bố của Bộ Tài chính, ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội - cho rằng đây là "động thái rất tốt, xã hội rất hoan nghênh và đón nhận đổi mới như thế này", nhiều đơn vị của Bộ Tài chính quá thừa, công việc thu thì ít mà phần chi thì nhiều, bộ máy lớn và càng ngày càng phình to ra.

Theo ông Vinh, Bộ Tài chính cũng tự nhận thấy như vậy là không hiệu quả đặc biệt trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển kết nối phát triển, nhiều thứ có thể làm đơn giản, hiệu quả hơn, chi phí về thời gian để lao động giảm đi, việc tổ chức lại cho gọn nhẹ là nhu cầu tất yếu.

Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định sẽ có 1 số người lao động bị tác động nên Bộ Tài chính cần sớm có một lộ trình cũng như giải pháp hỗ trợ những người ở các bộ phận bị cắt giảm như đào tạo chuyển đổi ngành nghề để tìm được một công việc phù hợp.

Còn theo một chuyên gia khác, Bộ Tài chính "nói rồi cần làm luôn và làm triệt để" vì bộ máy hiện này đang phình to ra rất công kềnh, không hiệu quả, thậm chí còn gây phiền hà cho người dân. Do đó, nếu Bộ Tài chính làm thật, làm sớm thì sẽ giảm bớt đầu mối, tăng hiệu quả cho các dịch vụ công, giảm phiền hà và tiết kiệm thời gian cũng như tiền bạc cho DN và người dân.

Thực tế cũng cho thấy trong những năm qua, dù nhiều biện pháp tinh giảm biên chế được áp dụng nhưng trong năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện ra thừa hơn 57.000 người trong biên chế tại các cơ quan. Cụ thể, khi kiểm tra công tác quản lý biên chế công chức, viên chức, người lao động, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện thừa 57.175 người trong biên chế và đã có kiến nghị siết chặt công tác quản lý biên chế công chức, viên chức của các cơ quan.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới thu thập trong năm ngoái, Việt Nam ở trong top đầu của nhóm nước ASEAN, với 2 triệu công chức, tức có 4,8% công chức trên dân số (tương đương mức 20 người dân sẽ có một công chức - viên chức hưởng lương), nhỉnh hơn Thái Lan, Nhật Bản và bỏ xa các nước còn lại.

Xem thêm:  Thủ tướng ‘lệnh’ 6 Bộ siết chặt quản lý Bitcoin và các loại tiền ảo


Theo Lao Động
Cùng chuyên mục
Tin khác