Gian nan ô tô điện Việt Nam

Lê Ngà - 03/01/2022 13:10 (GMT+7)

(VNF) - Mặc dù được đánh giá là giàu tiềm năng, Việt Nam vẫn là thị trường “quá khó” đối với xe ô tô điện. Cộng với việc thiếu sự hỗ trợ của chính sách, hạ tầng cho xe điện gần như chưa có, rào cản tâm lý là rất lớn với đại đa số người dùng.

VNF
Cùng với các chính sách, hạ tầng, các quy chuẩn và tiêu chuẩn chưa đồng bộ cũng là những yếu tố tác động lớn đến sự phát triển xe điện tại Việt Nam.

Thách thức nào “ngáng đường” xe điện tại Việt Nam?

Xe điện hiện được xem là chìa khóa để giải quyết vấn đề về ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn và các nhà sản xuất đang mong đợi các chính sách tốt hơn để phát triển ngành này. Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng xe điện hóa (hybrid, plug-in hybrid và xe thuần điện) ở Việt Nam hiện rất ít, năm 2019 là 140 xe, năm 2020 tăng lên 900 xe và đến hết quý I/2021 có thêm 600 xe. Tất cả số xe trên đều là nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe hybrid, xe plug-in hybrid; số xe chạy pin chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một lộ trình rõ ràng cho việc phát triển và chuyển đổi sang loại xe thân thiện môi trường, mặc dù đây là xu hướng vận tải cần xem xét phát triển trong tương lai. Phía VAMA cũng cho biết xe điện tại Việt Nam vẫn còn hiếm và hầu như chưa có hãng xe nào thực sự chú trọng vào đầu tư kinh doanh, ngoại trừ hãng xe nội địa là VinFast.

Tại hội thảo “Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam” diễn ra cách đây chưa lâu, ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, cho biết trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển xe điện phụ thuộc vào 3 trụ cột chính (gồm: khuôn khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ của các quốc gia; các biện pháp khuyến khích bổ sung để bảo vệ doanh số bán xe điện khỏi suy thoái kinh tế; số lượng các mẫu xe điện được mở rộng và giảm giá pin), trong đó chính sách đóng vai trò đầu. “Hiện tại, chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như chưa có. Xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thấp hơn so với xe chạy xăng/dầu thông thường”, ông nói.

Cùng với các chính sách, hạ tầng, các quy chuẩn và tiêu chuẩn chưa đồng bộ cũng là những yếu tố tác động lớn đến sự phát triển xe điện tại Việt Nam. Đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), ông Triệu Việt Phương, Phó viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, cho biết: “Mặc dù chúng ta đã có những cố gắng nhưng số lượng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) đối với xe điện vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ so với hệ thống tiêu chuẩn đang lưu hành trên thế giới về xe điện. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng, cập nhật bổ sung trên cơ sở hài hòa với các hệ thống tiêu chuẩn trên thế giới để tăng sự thích nghi và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam”.

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia trong ngành công nghệ ô tô thế giới và có thời gian dài sống, làm việc ở Đức và Mỹ, cho rằng cần đưa quy hoạch trạm sạc vào quy hoạch hạ tầng giao thông, đô thị và quy hoạch mạng lưới hạ tầng điện đi kèm theo một cách đồng bộ.

Tại Việt Nam, theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, hệ thống hạ tầng trạm sạc còn rất ít, chủ yếu do doanh nghiệp tự xây dựng ở hệ sinh thái Vingroup. “Phải chờ hạ tầng cơ sở tốt thì người dân mới sử dụng nhiều. Đầu tư một trạm sạc pin rất tốn kém, trung bình 50.000 - 60.000 euro/trạm (tương đương 1,2 - 1,5 tỷ đồng). Muốn phủ khắp Việt Nam thì số lượng trạm sạc phải có khoảng 30.000.

Ở Đức, dân số tương đương Việt Nam, hiện có khoảng 25.000 trạm, nhưng được chính phủ ủng hộ, khuyến khích nên người dân có thể làm trạm riêng tại nhà, chi phí rẻ hơn”, ông Đồng nói và cho rằng Chính phủ, xã hội cần ủng hộ, hỗ trợ thì tương lai xe điện ở Việt Nam mới sớm thành hiện thực.

Còn theo ông Phạm Thành Lê, quản trị viên của diễn đàn Otofun, thị trường xe điện tại Việt Nam có 2 thách thức lớn. Đầu tiên là thị trường còn quá mới, cho dù đã có những chính sách ưu đãi về thuế nhưng còn chưa có một chiến lược quốc gia về phát triển loại hình xe này. Đây là điều thiệt thòi cực lớn, đặc biệt đối với những doanh nghiệp đi đầu.

Ông Lê cho biết khác với xe xăng, thuế chỉ là một phần nhỏ để đưa thị trường ô tô điện bắt kịp với xu hướng hiện tại. Với các doanh nghiệp đi đầu, họ phải tự tổ chức nghiên cứu, phát triển, tự xây dựng hệ thống nhà cung cấp linh phụ kiện và tự xây dựng hạ tầng hỗ trợ (điều hoàn toàn khác với xe chạy xăng). Nguồn lực cực kỳ tốn kém và quan trọng hơn nữa đó là một con đường còn nhiều sự e ngại.

Thách thức thứ hai được ông Lê chỉ ra đó là nhận thức của người tiêu dùng. Bản thân sản phẩm ô tô điện chưa thể lập tức thuyết phục số đông người tiêu dùng, vốn đã quen với xe chay xăng và một chiếc ô tô vẫn là một tài sản giá trị rất cao. Cộng với việc thiếu sự hỗ trợ của chính sách, hạ tầng cho xe điện gần như chưa có, rào cản tâm lý là rất lớn với đại đa số người dùng.

Tiềm năng xe điện tại Việt Nam rất lớn

Xe điện đang trở thành xu hướng không thể đảo ngược của thế giới, Việt Nam cũng không thể ngoại lệ. Với quy mô dân số 100 triệu dân, Việt Nam hứa hẹn trở thành thị trường ô tô điện đầy tiềm năng trong tương lai gần. Theo kết quả nghiên cứu được công bố bởi Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) vào tháng 10/2021, tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam mới ở mức 23 ô tô/1.000 người, bằng 1/10 Thái Lan và bằng 1/20 Malaysia.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, xu hướng xe điện ngày càng định hình rõ trong vài năm gần đây và bằng chứng là VinFast đã ra mắt sản phẩm cả ô tô và xe máy. Đặc biệt, Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực có doanh nghiệp nội sản xuất thành công ô tô điện, có cơ hội vượt lên dẫn trước ở lĩnh vực này trong khu vực. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ ra rằng Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi cho việc phát triển ô tô điện.

Đầu tiên là người Việt Nam thích nghi rất nhanh với sự đổi mới của công nghệ số, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Hai là thu nhập của người dân Việt Nam đang dần cao lên, sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng ô tô tăng lên. Ba là việc VinFast mở rộng đầu tư vào nhà máy sản xuất pin tại Hà Tĩnh giúp Việt Nam có thể chủ động được công nghệ pin, khiến giá thành sản phẩm mang tính cạnh tranh và người dùng dễ tiếp cận hơn.

Đánh giá về tiềm năng xe điện tại Việt Nam, ông Phạm Thành Lê cho rằng với các ưu thế của xe điện, một khi phá được bức tường tâm lý này, thị trường sẽ phát triển vô cùng nhanh chóng, thậm chí có thể ở tốc độ không ai ngờ. “Chúng ta đã chứng kiến nhiều sự thay đổi tương tư ở các lĩnh vực công nghệ khác. Và giờ đây thật may mắn và cũng thật hồi hộp khi có thể sẽ được chứng kiến những thay đổi như thế ở ngành ô tô, ngay tại thị trường trong nước”, ông nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác