Ngân hàng

Giao dịch gần 1.600 tỷ đồng, Mobile Money 'phả hơi nóng' vào cuộc đua thanh toán không tiền mặt

(VNF) - Tính đến cuối quý I/2023, giá trị giao dịch bằng dịch vụ Mobile Money đã đạt gần 1.600 tỷ đồng, điều này buộc các ngân hàng phải tăng tốc chuyển đổi số, nhanh chóng mang tới nhiều trải nghiệm hơn cho khách hàng trong thanh toán không dùng tiền mặt.

Giao dịch gần 1.600 tỷ đồng, Mobile Money 'phả hơi nóng' vào cuộc đua thanh toán không tiền mặt

Giao dịch gần 1.600 tỷ đồng, Mobile Money 'phả hơi nóng' vào cuộc đua thanh toán không tiền mặt

Thanh toán không tiền mặt là xu thế tất yếu

Báo cáo tại Hội thảo khoa học góp ý đề tài “Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam” vừa qua, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, đến cuối tháng 3/2023, tình hình triển khai dịch vụ Mobile Money tại 03 doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung ứng ra thị trường (Viettel, VNPT-Media, MobiFone) đã đạt được một số kết quả khả quan. Số lượng tài khoản Mobile Money được mở tại các doanh nghiệp thực hiện thí điểm là hơn 3,71 triệu tài khoản, có gần 8,88 nghìn điểm kinh doanh được thiết lập.

Trong đó, tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, số lượng tài khoản đăng ký và sử dụng dịch vụ là hơn 2,57 triệu tài khoản (70% số tài khoản đăng ký và sử dụng dịch vụ), số lượng điểm kinh doanh là hơn 5,4 nghìn điểm (61,48% tổng số điểm kinh doanh được thiết lập. Số lượng giao dịch bằng dịch vụ Mobile-Money đạt hơn 24,37 triệu giao dịch với tổng giá trị khoảng 1.577 tỷ đồng.

Nguyên nhân là do quy định pháp luật về thanh toán tiếp tục được hoàn thiện, tạo thuận lợi cho phát triển, ứng dụng các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp “thúc” đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ TTKDTM, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân và toàn xã hội.

Năm 2022, giá trị giao dịch trực tuyến tại Việt Nam đạt 29 tỷ USD, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á sau Indonesia (83 tỷ USD) và đứng trước Thái Lan (24 tỷ USD) nhờ những giải pháp thanh toán mới, tiết kiệm chi phí như thanh toán qua QR code, contactless… nhờ các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán áp dụng, tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, đem lại lợi ích lớn, giá trị thiết thực cho khách hàng.

Theo Bộ Công Thương, năm 2021, số lượng sản phẩm được người tiêu dùng Việt Nam mua trực tuyến tăng 50% so với năm 2020, trong khi số lượng nhà bán lẻ trực tuyến tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến tổng doanh số bán lẻ trực tuyến tăng gấp 1,5 lần.

Mặt khác, TTKDTM cho phép tạo cơ sở dữ liệu tài chính về doanh nghiệp, khách hàng, người dân. Một số tổ chức tín dụng như Vietcombank, BIDV, Vietinbank… đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực qua thẻ căn cước công dân gắn chip trong một số nghiệp vụ như: xác thực -  định danh khách hàng tại quầy giao dịch; xác thực - định danh khách hàng giao dịch tại ATM và đã bước đầu cung cấp dịch vụ thử nghiệm tại một số chi nhánh trên địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh…

Có thể nói, TTKHTM vừa là xu hướng tất yếu, vừa góp phần hình thành cơ sở dữ liệu thông tin dân cư, vừa là giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực thương mại điện tử, kinh tế số, chuyển đổi số.

Ngành ngân hàng không thể “chậm chân”

Theo TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trước xu thế TTKDTM ngày càng càng tăng cao thì chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng là tất yếu, và ngành ngân hàng không thể chậm chân, buộc phải tăng cường trải nghiệm khách hàng thông qua các dịch vụ thanh toán tiện lợi và an toàn hơn.

thanh toán không tiền mặt
TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Khách hàng hiện có xu hướng chuyển đổi việc mua sắm trực tiếp truyền thống sang mua sắm trên các trang thương mại điện tử, bởi có thể thực hiện giao dịch bất cứ lúc nào, bất kỳ ở đâu thông qua các ứng dụng di động, hệ thống thanh toán trực tuyến hoặc thiết bị thanh toán không dây. Đồng thời, công nghệ số giúp ngân hàng đơn giản hóa các quy trình thủ tục, giấy tờ, giúp giao dịch tức thời hơn, nhất là tính minh bạch cũng được nâng cao hơn.

Do vậy, lựa chọn các ứng dụng theo xu hướng chung về chuyển đổi số, số hóa dịch vụ của ngành ngân hàng là giải pháp thông minh và tiếp cận khách hàng tốt nhất.

TS Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, chuyển đổi số cung cấp cho ngân hàng khả năng thu thập và phân tích dữ liệu phong phú. Bằng cách sử dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo và big data, có thể tạo ra kiến thức phân tích sâu hơn về hành vi khách hàng, xu hướng thị trường và hiệu suất tài chính. Công nghệ nhận dạng số sẽ trở thành nhận dạng cơ bản và được bảo mật thông qua yếu tố sinh trắc học như giọng nói hay dấu vân tay và một số các thiết bị thông minh khác.

Mặt khác, CMCN 4.0 tạo cơ hội cho các ngân hàng mở rộng phạm vi hoạt động ra thị trường quốc tế. Ứng dụng công nghệ số giúp các ngân hàng thuận lợi đưa các dịch vụ của mình đến gần với khách hàng ở khắp mọi nơi trên thế giới. Và ngay tại Việt Nam chuyển đổi số cũng tạo điều kiện cho ngân hàng cơ hội tiếp cận và mở rộng cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng phù hợp đến người dân chưa có tài khoản ở vùng sâu, vùng xa với chi phí hợp lý, góp phần làm đẩy mạnh phổ cập tài chính quốc gia.

Bằng cách cung cấp dịch vụ kỹ thuật số và trải nghiệm TTKTM tốt hơn, ngân hàng có thể thu hút và giữ chân khách hàng, cải thiện danh tiếng và tăng doanh số.

Tin mới lên